Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc (7/5/1959 - 7/5/2019), UBND tỉnh Sơn La đã khánh thành Tượng đài Bác Hồ.
Nhớ lời Bác dạy
Nhân chuyến lên Tây Bắc và dự Lễ Kỷ niệm 5 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1959) tổ chức trọng thể tại tỉnh Sơn La (lúc đó là thủ phủ hành chính Khu tự trị Thái - Mèo), Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và đoàn đại biểu Chính phủ đã có những cuộc trò chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc.
Biết tin Bác đến thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc, nhân dân các dân tộc Sơn La đã vượt núi cao, suối sâu, đường rừng hiểm trở để được gặp Người tại Khu tự trị Thái - Mèo, huyện Thuận Châu (Sơn La). Những nơi Bác dừng chân trong chuyến công tác, tình cảm yêu thương lớn lao của vị cha già dân tộc còn khắc ghi mãi trong tâm trí nhân dân.
Trong chuyến thăm, Bác đã căn dặn: “Tôi mong rằng đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã thi đua càng ra sức thi đua hơn nữa, để hoàn thành kế hoạch Nhà nước, để làm cho Khu tự trị ngày càng giàu có, để góp phần củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng bào Khu tự trị đã từng cùng bộ đội ta đánh thắng trận Điện Biên Phủ, đuổi hết giặc Tây, giải phóng đất nước. Ngày nay, đồng bào, bộ đội và cán bộ lại càng phải cùng nhau đoàn kết phấn đấu để giành lấy một thắng lợi to hơn nữa là tiêu diệt cho hết giặc đói, giặc dốt, làm cho mọi người đều được no ấm, đều biết chữ, làm cho mọi người đều được hưởng hạnh phúc yên vui”.
Nhân chuyến thăm này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ khen ngợi những thành tích của quân và dân Tây Bắc đạt được trong chiến đấu và sản xuất; đồng thời thay mặt Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho quân, dân, Đảng Khu tự trị Thái - Mèo về những thành tích trong kháng chiến và những tiến bộ trong hoà bình. Kết thúc bài nói chuyện, Người ân cần chúc đại biểu các dân tộc vùng Tây Bắc:
Người người mạnh khoẻ
Đoàn kết chặt chẽ
Hăng hái thi đua
Thành công vui vẻ.
Địa chỉ đỏ về du lịch
Qua các chặng đường lịch sử, tình cảm và lời dạy của Bác đã truyền lửa cách mạng, khích lệ các thế hệ quân và dân các dân tộc Tây Bắc vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn, thời kỳ cách mạng.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng bộ, nhân dân các tỉnh Tây Bắc tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đổi mới toàn diện và đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những thành tựu đó là niềm tự hào, là ngàn hoa dâng lên Bác kính yêu nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Tây Bắc được đón Bác về thăm.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ và Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ chiến sỹ và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc tại tỉnh Sơn La (7/5/1959 – 7/5/2019), Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, điểm nhấn là khánh thành Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Quảng trường thành phố Sơn La.
Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gồm các dự án: Quảng trường rộng khoảng 3ha, đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động chính trị - văn hóa của khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn La trong các ngày lễ lớn; đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của nhân dân, nhất là nhân dân thành phố Sơn La. Đền thờ Bác Hồ đặt trong khuôn viên là nơi dâng hương, được quy hoạch ở bên trái của Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ là nơi dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bảo tàng tổng hợp, trong đó có nội dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lưu giữ, trưng bày các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Sơn La.
Tượng đài Bác Hồ được đúc bằng đồng, cao 7,9m, thể hiện được thần thái, trang phục của Bác Hồ vào thời điểm lịch sử Bác về thăm, nói chuyện với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các dân tộc Tây Bắc tại tỉnh Sơn La. Bệ tượng bằng bê tông cao 4,7m, được ốp bằng đá xanh Thanh Hóa.
Bức phù điêu bằng đá xanh Thanh Hóa, điểm cao nhất 18m, dài 54m, mô phỏng theo hình tượng bông hoa Ban cách điệu có 5 cánh, loại hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc; mặt trước khắc họa một số hình ảnh đặc trưng của 6 tỉnh Tây Bắc; mặt sau thể hiện một số lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống, kiến trúc, cảnh quan nổi bật của tỉnh Sơn La.
Công trình mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và xã hội vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và quyết tâm mãi mãi đi theo con đường của Bác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Sơn La - Tây Bắc.
Công trình còn là địa chỉ đỏ về du lịch cho khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Đổi mới, phát triển
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Tây Bắc tại Sơn La và Khánh thành tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc vào tối ngày 7/5/2019, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, cho biết, thực hiện lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Tây Bắc, tỉnh Sơn La đã không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, ra sức thi đua, xây dựng đời sống văn hóa mới, nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chúc mừng, biểu dương những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Tây Bắc và tỉnh Sơn La đã đạt được trong những năm qua.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, nhìn lại 60 năm thực hiện lời dạy của Bác, từ vùng đất gặp vô vàn khó khăn, giao thông cách trở, kinh tế - xã hội kém phát triển, đời sống bà con các dân tộc còn nghèo nàn, lạc hậu, đến nay, Tây Bắc đã hoàn toàn khác xưa, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với thị trường và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Tây Bắc đã trở thành trung tâm thủy điện lớn nhất của cả nước, giao thông đi lại thuận lợi hơn; bệnh viện, trường học được xây dựng ở khắp các địa phương, nhất là hệ thống trường dân tộc nội trú đã tạo cơ hội cho con em các dân tộc được học tập, tạo nguồn nhân lực quan trọng cho các địa phương trong vùng.
Cùng với đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới được các tỉnh Tây Bắc thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản. Đời sống đồng bào các dân tộc không ngừng cải thiện; công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Truyền thống và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân được củng cố; chủ quyền quốc gia được bảo đảm vững chắc; quan hệ đối ngoại được mở rộng, góp phần xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố hệ thống chính trị được quan tâm và đạt kết quả quan trọng. Sơn La và các tỉnh Tây Bắc hôm nay đã đổi mới, phát triển từng ngày, diện mạo nông thôn, thành thị tươi đẹp muôn phần so với 60 năm trước đây.
Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ cùng Đoàn công tác của Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc các tỉnh Tây Bắc càng khắc sâu thêm lời dạy của Bác, đoàn kết, đồng lòng, nguyện mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu và nhân dân ta đã lựa chọn; không ngừng cố gắng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm hoàn thành mong muốn của Bác, xây dựng vùng Tây Bắc ngày càng phát triển, góp phần cùng cả nước vững bước trên con đường đổi mới và hội nhập.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.