Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 4 năm 2024 | 13:18

Áp lực khủng hoảng lương thực toàn cầu

Bất ổn, xung đột và biến đổi khí hậu được cho là những nguyên nhân chính khiến nạn đói gia tăng. Khủng hoảng lương thực trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Nắng nóng trên toàn cầu làm tăng giá lương thực và lạm phát

Các nhà khoa học phát hiện rằng nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu sẽ khiến chi phí lương thực trên toàn thế giới tăng từ 1,49-1,79 điểm phần trăm mỗi năm từ nay đến năm 2035.

Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sự nóng lên toàn cầu và các đợt nắng nóng dự kiến sẽ làm tăng giá lương thực và lạm phát trên toàn thế giới trong tương lai.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Communications Earth and Environment mới đây, nhấn mạnh tác động sẽ khác nhau nhưng sẽ xảy ra ở khắp mọi nơi, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.

Các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK) và ECB đã dựa trên dữ liệu lịch sử về giá cả và thời tiết của 121 quốc gia từ năm 1996-2021.

Họ phát hiện rằng, nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu, sẽ khiến chi phí lương thực trên toàn thế giới tăng từ 1,49-1,79 điểm phần trăm mỗi năm từ nay đến năm 2035.

Tương tự, ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu và nhiệt độ cực đoan trong tương lai đối với lạm phát chung sẽ là từ 0,76 - 0,91 điểm phần trăm trong trường hợp tốt nhất và xấu nhất.

Phát biểu với báo giới, một trong những tác giả của báo cáo từ PIK, ông Maximilian Kotz cho biết: “Chúng tôi tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ này cho thấy nhiệt độ cao hơn, đặc biệt là vào mùa hè hoặc ở những nơi nóng bức, khiến giá cả tăng chủ yếu do lạm phát thực phẩm, cũng như lạm phát tổng thể.”.

Theo ông Kotz, tác động của sự nóng lên toàn cầu đến giá lương thực và lạm phát trong tương lai rõ nhất ở “các khu vực vốn đã nóng hơn”, đặc biệt là các khu vực nghèo và đang phát triển trên thế giới.

Nghiên cứu cho thấy châu Phi và Nam Mỹ sẽ là những lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, bán cầu Bắc sẽ không tránh khỏi mức giá cao hơn do khí hậu khắc nghiệt.

Ông Kotz cho biết: “Ở Bắc bán cầu, tác động sẽ chủ yếu vào mùa Hè, trong khi ở những nơi khác, tác động sẽ lan rộng hơn trong suốt cả năm.”

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu có tác động đáng kể đến các chi phí khác của hộ gia đình, ngoại trừ giá điện.

Theo ông Kotz, điều này khớp với các nghiên cứu khác chứng minh mức độ nhạy cảm đặc biệt của nông nghiệp trước các cú sốc khí hậu.

Đối mặt khủng hoảng lương thực

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp quốc cũng vừa đưa ra cảnh báo, Trung Đông bước vào tháng lễ Ramadan giữa lúc đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ. Với khoảng 40 triệu người ở Trung Đông, cùng hơn 58 triệu người ở vùng Sừng Lớn của châu Phi đang mất an ninh lương thực nghiêm trọng, thế giới đứng trước thách thức lớn trong nỗ lực cứu hàng chục triệu người bên bờ vực nạn đói.

Chưa bao giờ khu vực Trung Đông rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng như hiện nay, khi cuộc xung đột kéo dài ở Dải Gaza đẩy toàn bộ khoảng 2,3 triệu người ở vùng lãnh thổ Palestine này vào cảnh thiếu ăn, trong đó hơn nửa triệu người đói nghiêm trọng.

Toàn bộ dân số của dải đất ven Địa Trung Hải này đang cần hỗ trợ lương thực, trong khi các nguồn viện trợ ngày càng cạn kiệt.

Lạm phát cao ở các quốc gia như Liban, Ai Cập và Iran, cũng như hậu quả của các cuộc xung đột ở Syria và Yemen cùng các cuộc chiến tiếp diễn ở Gaza và Sudan đã phá hủy sự ổn định giá lương thực trên toàn cầu. Giá lương thực vốn tăng cao kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, lại chịu thêm áp lực từ bất ổn an ninh ở Biển Đỏ và Gaza làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Giám đốc khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Đông Âu của WFP, bà Corinne Fleischer đánh giá, tháng lễ Ramadan trở thành gánh nặng đối với hàng triệu người tại Trung Đông khi họ phải đối mặt giá lương thực cao, còn thu nhập lại bấp bênh. Bà cho rằng xung đột và thiếu lương thực đang biến việc thực hành ăn chay trong tháng lễ Ramadan trở thành một thực tế khắc nghiệt hằng ngày đối với hàng triệu người.

Theo WFP, khoảng 11 triệu người ở Trung Đông không đủ lương thực hằng ngày. Nhiều tháng qua, Gaza nhận được chưa đến một nửa nguồn cung cấp lương thực cần thiết.

Nhà nghiên cứu cao cấp về hòa bình và xung đột tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) Paola Vesco nhận xét: Xung đột vũ trang và hạn hán là nguyên nhân lớn nhất gây mất an ninh lương thực và những cú sốc này có tác động phức tạp. Xung đột vũ trang ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận hạ tầng y tế, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước, buộc người dân rời bỏ nơi ở. WFP nêu rõ, các hoạt động cứu trợ nhằm giúp 30 triệu người tại Trung Đông đã giảm rõ rệt do thiếu kinh phí. Nguồn viện trợ nhân đạo hạn chế khiến cuộc sống của hàng triệu người khó khăn hơn.

Thế giới đứng trước thách thức lớn khi khoảng 258 triệu người tại 58 quốc gia phải đối mặt tình hình mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO), khoảng 58,1 triệu người đang thiếu lương thực trầm trọng ở khu vực vùng Sừng Lớn của châu Phi, gồm 30,5 triệu người ở 6 nước Đông Phi, gồm Djibouti, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda; số còn lại ở Burundi, CH Trung Phi, CHDC Congo và Tanzania. Sau những trận mưa lớn và lũ lụt do El Nino gây ra trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12/2023, đặc biệt là ở vùng Sừng châu Phi, lương thực lại càng ít ỏi. Khu vực Sừng Lớn châu Phi cũng đang đối mặt nhiều dịch bệnh.

Hiện tượng El Nino và hạn hán lan rộng đặt ra nguy cơ ngày càng lớn đối với an ninh lương thực ở miền nam châu Phi. Sản lượng ngũ cốc ở khu vực này dự báo giảm trong năm nay, khiến nhu cầu nhập khẩu tăng.

Tại Nam Phi, nhà sản xuất ngũ cốc lớn nhất khu vực, lượng mưa ít và nhiệt độ cao trong 2 tháng đầu năm nay có nguy cơ làm giảm mạnh sản lượng ngô. Zambia phải ban bố tình trạng “thảm họa quốc gia” do hạn hán ảnh hưởng đến nông nghiệp. Theo FAO, thực phẩm cũng khó mua do thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn giảm và giá tăng.

Bất ổn, xung đột và biến đổi khí hậu được cho là những nguyên nhân chính khiến nạn đói gia tăng. Khủng hoảng lương thực trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong bối cảnh đó, các nước đứng trước áp lực khẩn trương hành động, giải quyết xung đột và gìn giữ hòa bình, đồng thời tăng đầu tư để bảo đảm hệ thống lương thực lành mạnh, công bằng và bền vững, ngăn chặn thảm cảnh do nạn đói gây ra.

Xu hướng dựa vào nội lực

Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc Khóa XIV vào cuối năm 2023 đã thông qua Luật An ninh lương thực mới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/6/2024. Đây là động thái quan trọng mang tầm quốc gia của Trung Quốc trong việc bảo đảm nguồn cung ổn định ngũ cốc và các sản phẩm liên quan, tăng cường an ninh lương thực trước những bất ổn ở thị trường bên ngoài.

Nông dân trồng lúa mì ở Trung Quốc. Nguồn: SCMP

Trong bối cảnh những nhân tố thiếu ổn định như dịch bệnh, chiến tranh mang lại những thách thức nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu, luật mới của Trung Quốc nhằm hướng tới bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng cường phòng ngừa rủi ro và đối phó với những tình trạng khẩn cấp về lương thực, đồng thời đặt nền tảng cho khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Động thái này nhấn mạnh cam kết của Trung Quốc trong những năm gần đây về khả năng tự cung, tự cấp dựa trên sản xuất ngũ cốc trong nước, bảo đảm năng lực sản xuất, nhập khẩu lương thực ở mức vừa phải và hỗ trợ công nghệ.

Đối với quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân, an ninh lương thực thực sự là một trong những ưu tiên hàng đầu và là lợi ích cơ bản nhất của Trung Quốc. Ngoài ý nghĩa về phát triển kinh tế và ổn định xã hội, nó còn đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho an ninh quốc gia. Sự kiên định của Trung Quốc trong vấn đề này đã giúp nguồn cung lương thực của đất nước ổn định, với việc thu hoạch ngũ cốc liên tục, đủ lương thực dự trữ và nguồn cung thị trường dồi dào.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia năm 2023, Trung Quốc đạt sản lượng ngũ cốc cao kỷ lục là 695,41 triệu tấn, đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp sản lượng thu hoạch vượt 650 triệu tấn. Giới chức Trung Quốc cho rằng, khả năng này, vốn cho phép Trung Quốc nuôi sống 1/5 dân số thế giới với chỉ 9% diện tích đất canh tác của thế giới, không chỉ đóng vai trò nền tảng cho ổn định kinh tế trong nước, mà còn góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Trần thị Ngọc Mai
Ý kiến bạn đọc
  • Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tự hào về truyền thống cách mạng, Hà Tĩnh vững bước vươn xa

    Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

  • Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Khai mạc phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

    Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh phối hợp UBND TP Hà Tĩnh vừa tổ chức khai mạc “Phiên chợ quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP Hà Tĩnh năm 2024 và kỷ niệm 1 năm xây dựng phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Du” tại khu vực đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du).

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

Top