Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 10 năm 2022 | 14:36

Biến rác thành tiền nhờ công nghệ

Nếu được đầu tư mạnh về công nghệ, Việt Nam không chỉ tận dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp, mà còn tạo ra được những sản phẩm tốt, có giá trị cao và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Biến rác thành phân bón

Có hàng chục, hàng trăm loại rác “vây quanh” đời sống hằng ngày của chúng ta. Nào là rác thải rắn, rác thải lỏng, rác thải khí… Trong số này, chỉ riêng rác thải sinh hoạt (là các loại chất thải, phế liệu sau khi sử dụng, thức ăn thừa…) thải ra môi trường bên ngoài, ủ thành những độc chất, tác động ngược lại cho đời sống con người. Rồi rác thải công nghiệp, rác thải điện tử, rác thải chăn nuôi, rác thải y tế… cũng là mối đe dọa trực tiếp thường ngày nếu không có sự quản lý, thu gom, xử lý…

Phân và thuốc ủ từ rác thải và men IMO sẽ được bón, phun trực tiếp cho cây trồng. Ảnh: Nha Mẫn

Các nhà chuyên môn đã phân rác thành 3 loại: rác thải rắn, rác thải lỏng, rác thải khí; và cũng phân ra trong số này có: rác tái chế, rác hữu cơ, rác vô cơ. Trong đó, rác vô cơ là rác nguy hại nhất. Với loại rác này (gồm các loại bao bì, đồ nhựa, các loại túi nylon…) phải mất đến hàng trăm, hàng ngàn năm vẫn chưa phân hủy nên chỉ có cách tốt nhất là đem đi “hỏa thiêu” hoặc đem “chôn sống”!

Môi trường sống là gì? Là nơi chúng ta đang sống, sinh hoạt, ăn uống, hít thở… để tồn tại. Vậy mà không khí hít thở đã “hòa cùng” tro bụi, khói nhà máy; nguồn nước thải thì ô nhiễm, độc hại (đặc biệt là nước thải từ các nhà máy hóa chất, nhà máy chế biến thủy sản…). Trên các cánh đồng, ruộng lúa thì thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, chai lọ vứt bừa bãi, vô tội vạ… khiến chất độc đã ngấm vào lòng đất, vào nguồn nước gây hậu quả khôn lường. Môi trường sống chính là không gian sống, cung cấp tài nguyên thiên nhiên và đồng thời cũng là nơi chứa đựng những rác thải mà con người tạo ra trong hoạt động sản xuất, sinh hoạt. Trong thực tế môi trường sống đang ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính gây ra là do con người - con người hại con người, hại chính mình vì lợi ích trước mắt!

Trước tình trạng này, thời gian gần đây, nông dân Đồng Nai đã dùng IMO thu gom trái cây rụng, cỏ, rác, gừng, sả,… để biến hóa thành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng, xịt khử mùi hôi trong không khí. Nhờ vậy mà môi trường nông thôn ngày càng sạch, sản phẩm nông nghiệp tốt, chất lượng và an toàn hơn.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua các địa phương đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó có việc ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI (tự ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học) vào sản xuất trồng trọt.

Thực tế, đến nay toàn tỉnh Đồng Nai đã có 700 hộ nông dân, đa số là nông dân tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) ứng dụng kỹ thuật IMO và MEVI để tạo ra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý chuồng trại chăn nuôi,… 

Từ cuối năm 2018, huyện Vĩnh Cửu là địa phương tiên phong trong cả nước triển khai mô hình sử dụng men vi sinh bản địa IMO để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và xử lý mùi hôi chất thải trong chăn nuôi với chi phí thấp. 

Đến nay, toàn bộ 12 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Cửu đã đồng loạt ứng dụng IMO trong sản xuất, tạo nền tảng cho phát triển nền nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.

Nhiều nông dân cho biết, công thức tạo men vi sinh IMO cũng khá đơn giản, bao gồm nước men giống, cám gạo, đường nâu và nước sạch. 

Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng. Chi phí làm ra 1 lít IMO chỉ mất 800 đồng - 1.000 đồng. Đặc biệt nông dân có thể dùng IMO làm ra thuốc bảo vệ thực vật bằng cách ủ với gừng, riềng, sả rồi phun xịt cho cây trồng để bảo vệ cây trồng trước tác động của sâu bệnh,…

Quan trọng là hiểu được quy trình phát triển của cây trồng để tạo ra định lượng phun xịt, bón phân trên từng loại cây trồng. Có giai đoạn sẽ bón lá, có giai đoạn tưới gốc và phải dựa vào thời tiết mưa nắng để phun tưới cho phù hợp. IMO không phải là thần dược nhưng IMO dần gánh vác được 60 - 70% vật tư sử dụng trong vườn, góp phần giúp vườn sạch, thân thiện, sản phẩm tạo ra sạch, chất lượng tốt hơn, tốt cho sức khỏe, chi phí sản xuất thấp giá thành bán ra thấp hơn. 

Bài toán phân bón hữu cơ

Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An) cho biết, xuất phát từ câu chuyện thực tế có nhu cầu về phân hữu cơ để trồng trọt, nên ông mới bắt đầu nuôi bò, vỗ béo bò, dư phân đem đi trồng trọt… Mô hình chăn nuôi - trồng trọt khép kín bắt đầu từ đó. Những dãy chuồng bò dài hàng trăm mét được phun một loại vi sinh chuyên phân hủy phân bò và làm triệt tiêu mùi hôi, phân bò ấy được thu gom bằng xe chuyên dụng theo chu kỳ 1 - 2 tuần/lần phơi và đưa vào khu xử lý ủ với một loại vi sinh đặc chủng, cho ra sản phẩm cuối cùng là phân hữu cơ.

Phân này dùng để bón cho cây ăn trái, đặc biệt là cây chuối. Trong khi đó, cây chuối sau khi thu hoạch buồng để xuất khẩu sẽ được chế biến thành thức ăn cho bò, tức phụ phẩm nông nghiệp không bỏ phí thứ gì, không làm ô nhiễm môi trường, tất cả trở lại vòng quay làm ra nông sản sạch. “Từ việc đi tìm phân hữu cơ, từ đó mới sinh ra nuôi bầy bò, rồi nhập bò Úc về để nuôi vỗ béo, dư phân ra đem đi trồng trọt. Bắt đầu từ nhu cầu thực tế chứ nó không phải là từ nghiên cứu”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, để làm sao hữu cơ hóa cái dư thừa trong nông nghiệp, cần có công nghệ, máy móc và quan trọng phải được chuyển giao về từng hộ gia đình, từng HTX, từng trang trại... kết hợp với làm tuần hoàn “tại chỗ” thì câu chuyện rác thải, phế phụ phẩm đưa vào tái sử dụng mới đem lại hiệu quả cao. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong hiệp hội có rất nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt phế phụ phẩm nông nghiệp để chế biến và làm phân bón. Như ở vùng sầu riêng tỉnh Krông Pắk (Đăk Lăk) có những cơ sở sơ chế sầu riêng, họ cắt lấy múi còn vỏ sầu riêng cho vào máy say nhuyễn bỏ lên xe tải chở đến công ty chuyên làm phân bón hữu cơ. Sau đó, cung cấp phân bón đó lại cho cơ sở trồng sầu riêng. Hay như nhà máy chế biến rau quả ở Pleiku (Gia Lai) sử dụng vỏ dứa, cùi dứa, vỏ chanh dây… tất cả say rồi giao cho đơn vị chế biến phân hữu cơ. “Việt Nam có 80% sử dụng phân hóa học.

Mô hình chăn nuôi - trồng trọt khép kín của ông Võ Quang Huy

Phân hữu cơ chỉ sản xuất khoảng 20 - 25%. Vậy làm sao để nâng phân hữu cơ lên 80%, còn lại 20% là phân hóa học. Đây là bài toán khó. Nguồn nguyên liệu làm phân hữu cơ rất nhiều, nhưng tại sao chúng ta chế biến ít, bởi thực tế, công nghệ chế biến phụ phẩm thành phân hữu cơ còn ít, còn yếu, những nhà máy, cơ sở sản xuất phân hữu cơ cũng rất yếu”, ông Nguyên nói. Theo ông Nguyên, thời gian qua, người dân bắt đầu tìm cách "xoay xở" dùng phân hữu cơ nhiều hơn trước, bởi thực tế, nguồn cung phân hóa học bị hạn chế, giá thành cao do ảnh hưởng của xung đột Ukraina - Nga. Ngoài ra, 1 - 2 năm gần đây, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất ngặt nghèo. Đó là động lực để đẩy phân hữu cơ và những chế phẩm sinh học vô cơ phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường.

"Cường quốc Chitosan"

Ước tính đến năm 2025, chỉ tính riêng lượng đầu vỏ tôm và vỏ tôm lột cộng lại (>1 triệu tấn) đã gần tương đương sản lượng chính phẩm (1,2 triệu tấn). Đây đều là các chất thải khó xử lý, nếu không xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên. Do đó, để ngành tôm Việt Nam tăng trưởng và phát triển bền vững, giải quyết mắt xích chất thải là việc cấp thiết.

Trong các chất thải thủy sản, đầu vỏ tôm là khó xử lý và dễ gây ô nhiễm nhất, nhưng cũng là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất. Từ đầu vỏ tôm có thể tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau phục vụ nhiều ngành công nghiệp với giá trị gia tăng rất cao.

Nhiều quốc gia đã phát triển công nghệ xử lý và chiết xuất dưỡng chất từ nguồn phụ phẩm quý giá này. Tuy nhiên, hầu như chưa có đơn vị nào xử lý cân bằng được cả phần vỏ tôm và đạm tôm, mà chỉ khai thác sâu một phần (vỏ tôm hoặc đạm tôm) và thải bỏ phần còn lại. Do đó dinh dưỡng chưa được chiết xuất tối ưu và vấn đề môi trường chưa xử lý trọn vẹn.

Là một trong những tập đoàn thủyỷ sản dẫn đầu và là đơn vị cung cấp tôm giống số 1 Việt Nam, Tập đoàn Việt - Úc cho biết, đơn vị có chủ trương nghiên cứu và sử dụng xử lý chất thải tạo ra, và nâng cao giá trị phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt là từ con tôm (phụ phẩm là vỏ tôm). Trong quá trình nuôi tôm 90 ngày thì lượng phụ phẩm từ vỏ tôm hàng ngày rất nhiều, chiếm khoảng 5 - 15%, đây là nguồn dinh dưỡng quý với nhiều hàm lượng tốt để làm phân bón.

Công ty Cổ phần Việt Nam Food - VNF (Cà Mau) đã ứng dụng công nghệ sinh học theo định hướng không chất  thải từ việc xử lý đầu nguồn, các dưỡng chất được tập trung thu hồi tối đa đầu nguồn trước khi đi vào nước thải; tiếp tục chiết xuất phần dinh dưỡng còn lại trong hệ thống xử lý nước thải (xử lý cuối nguồn).

Từ một nguồn nguyên liệu đầu vỏ tôm, cùng với ứng dụng công nghệ sinh học, VNF đã phát triển thành danh mục sản phẩm gồm 3 mảng kinh doanh chính là làm nguyên liệu thực phẩm (làm nguyên liệu trong nhiều ngành thực phẩm như mì gói, bánh mặn, surimi, nước chấm, nước mắm...), dinh dưỡng sinh học (Peptide, Astaxanthin) và Polymer sinh học (Chitin & Chitosan).

Theo ông Phan Thanh Lộc, Giám đốc điều hành VNF, trong nông nghiệp, Chitosan là giải pháp sinh học tiềm năng thay thế một phần kháng sinh, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản sau thu hoạch, nhựa sinh học kháng khuẩn... VNF ước tính, dựa trên nguyên liệu tôm, Việt Nam đang sở hữu khoảng 20 - 30% nguyên liệu Chitosan trên toàn thế giới. Nếu được đầu tư hợp lý và kịp thời, Việt Nam có thể trở thành "cường quốc Chitosan".

Còn ông Lê Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết, công nghệ nhiệt phân và Flox của Thụy Sỹ nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu rẻ, sẵn có là phụ phẩm nông nghiệp để tạo thành than sinh học, làm nguồn đầu vào cho phân bón hữu cơ thay vì chỉ tạo ra tro, đồng thời ngăn chặn được khí thải do quá trình đốt để tạo năng lượng.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024: Tưng bừng vào hội

    Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024: Tưng bừng vào hội

    Tối 31/8, Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc ( Đắk Lắk ) lần thứ II năm 2024, với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc: Phát triển và Hội nhập” đã chính thức khai mạc tại trung tâm thị trấn Phước An.

  • Đêm nhạc đặc sắc “Lào Cai sông núi hoà ca”

    Đêm nhạc đặc sắc “Lào Cai sông núi hoà ca”

    Nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), chào mừng ngày âm nhạc Việt Nam mùng (3/9) và hưởng ứng Festival Sông Hồng Lào Cai năm 2024, Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai phối hợp với Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lào Cai đã tổ chức Ðêm nhạc “Lào Cai sông núi hoà ca”.

  • Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

    Độc đáo nghi lễ cúng no đủ của người Ê Đê

    Thông qua nghi lễ cúng no đủ, người Ê Đê không chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, rẫy nương tươi tốt, mùa màng bội thu, mà còn khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống cho các thế hệ trẻ.

Top