Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sự gia tăng chất thải trong sản xuất nông nghiệp đã và đang tác động xấu đến môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng sức khỏe và cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương trên cả nước.
Ô nhiễm chất thải nhựa trong nông nghiệp
Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp đã phát sinh sức ép lên môi trường từ việc sử dụng hóa chất trong hoạt động trồng trọt, thức ăn dư thừa trong chăn nuôi, xử lý rơm rạ sau thu hoạch…
Trong trồng trọt, việc sử dụng phân bón hóa học mất cân đối, ít sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, thời gian bón, cách bón phân không khoa học và mang tính tự phát, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, làm cho đất bị chua hóa, mất khả năng sản xuất.
Nông dân Sơn La vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định.
Song song với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, lượng chất thải rắn từ hoạt động trồng trọt, nhất là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, cũng đang tăng nhanh và khó kiểm soát. Mặc dù nhiều địa phương đã xây dựng bể chứa bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đặt tại đầu bờ ruộng, nhưng số lượng bể chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn lượng lớn bao bì thải bỏ ngay tại đồng ruộng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước dưới đất và nước mặt.
Theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trong hoạt động trồng trọt ở nước ta xấp xỉ 661,5 nghìn tấn, trong đó có 550 nghìn tấn rác thải ni-lông; 77,49 nghìn tấn rác thải bao bì, phân bón và 33,98 nghìn tấn rác thải thuốc bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, trâu bò, gia cầm khoảng 6,93 triệu tấn và 77 nghìn tấn chất thải nhựa của bao thức ăn; hoạt động nuôi trồng thủy sản phát sinh 880 nghìn tấn chất thải, 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn và chất thải khác.
Tình trạng đốt rơm rạ tự phát sau thu hoạch làm phát sinh các khí CO, NO, bụi mịn… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và an toàn của người tham gia giao thông.
Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho rằng, quá trình chăn nuôi, canh tác đã thải ra môi trường những chất thải nguy hại mà không thông qua bất cứ quy trình xử lý nào. Việc làm này đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng không chỉ đối với hệ sinh thái, mà còn đối với sức khỏe con người.
Ðáng chú ý, tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhất là ở khu vực nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, chất lượng môi trường đất, nước và các hệ sinh thái bị biến đổi mạnh do suy thoái và ô nhiễm. Chất lượng nước tại các khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ như: BOD, COD, ni-tơ, phốt-pho… cao hơn tiêu chuẩn cho phép.
Nguyên nhân là do sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch trong hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản; ý thức tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn thấp; hệ thống văn bản, cơ chế chính sách về xử lý chất thải và bảo vệ môi trường, nhất là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, chế biến thủy sản chưa phù hợp, chậm sửa đổi.
Trong khi đó, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến hoạt động quản lý chất thải nhựa, thiếu cơ chế kinh tế khuyến khích người sử dụng chủ động thu gom rác thải nhựa, sử dụng bao bì có thể tái sử dụng nhiều lần, giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng công nghệ sản xuất sinh thái.
Phó Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Giang Thu cho biết: Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã bước đầu triển khai kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại và tái sử dụng chất thải nhựa.
Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường; đồng thời đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là chất thải nhựa trong nông nghiệp; xây dựng bộ dữ liệu chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm quản lý thu gom phân loại chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chất thải nhựa tới các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân và người dân…
Những nông dân, hợp tác xã tiên phong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở Thái Nguyên
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tuyên – Giám đốc HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú tận dụng nguồn phân gà để nuôi giun trùn quế và sử dụng giun làm thức ăn cho lươn. Ảnh: Hà Thanh
Chính vì vậy, nông nghiệp tuần hoàn đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững và hiệu quả.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đơn vị HTX nói chung và người dân nói riêng áp dụng thành công mô hình này trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Điển hình như HTX Nông sản Phú Lương (xã Ôn Lương, huyện Phú Lương) do ông Tống Văn Viện làm Giám đốc, HTX chuyên về lĩnh vực sản xuất và kinh doanh chè. Sau hơn 10 năm tập trung phát triển, đến nay ông Viện đã có một hệ thống kinh doanh chè ổn định trên thị trường.
Hiện nay HTX Nông sản Phú Lương đang áp dụng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất chè đó là anh đầu tư một xưởng sản xuất phân bón hữu cơ chuyên thu gom các phụ phế phẩm nông nghiệp của người dân trong vùng, sau đó ủ phân vi sinh hữu cơ. Khi đã tạo ra một lượng phân vi sinh hữu cơ ổn định, HTX sẽ cung cấp cho người dân để phát triển cây chè.
Cùng với đó, HTX có kỹ sư trong lĩnh vực nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc cây chè, cách chế biến chè sao cho đạt chất lượng cao nhất. Khi chè của người dân đạt tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng yêu cầu, HTX sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho người dân.
Với mô hình này vừa giúp tận dụng tối đa những phế phụ phẩm trong nông nghiệp để bón cho cây chè, đồng thời lại giúp nâng cao chất lượn và giá trị sản phẩm từ cây chè. Nếu như trước đây giá chè tươi của bà con trong vùng chỉ có giá bán dao động từ 24.000 – 26.000 đồng/kg, thời điểm giá cao nhất đạt 27.000 - 28.000 đồng/kg thì khi sản xuất theo đúng yêu cầu đặt ra, HTX sẽ thu mua với giá từ 30.000 - 38.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm là 40.000 đồng/kg (cao hơn giá thị trường).
Cũng trên địa bàn huyện Phú Lương, gia đình ông Nguyễn Đức Hiền, xóm Mỹ Khánh, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương đang áp dụng chăn nuôi khoảng 21 con hươu sao lấy nhung và sinh sản.
Tận dụng nguồn phân của hươu thải ra, ông Hiền đã kết hợp trồng thêm cây sâm nam để sử dụng nguồn phân bón giúp cây trồng phát triển tốt, từ đó giảm đáng kể chi phí mua phân bón. Ngược lại, ông Hiền sử dụng lá cây sâm nam để làm nguồn thức ăn cho hươu giúp tăng sức đề kháng cho hươu và giảm chi phí thức ăn đáng kể.
"Nhận thấy mô hình này đang phát triển tương đối hiệu quả, trong thời gian tới, tôi đang có kế hoạch sẽ mở rộng thêm quy mô chăn nuôi hươu cũng như phát triển rộng mô hình trồng sâm nam trên diện tích vườn đồi của gia đình mình", ông Hiền cho hay.
Vĩnh Phúc: Xử lý ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, quy mô đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đạt hơn 587 nghìn con, đàn gia cầm đạt hơn 11,8 triệu con. Chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, chất thải, nước thải và khí thải chăn nuôi đã và đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi trên địa bàn. Theo đánh giá của các chuyên gia, khí thải chăn nuôi là nguyên nhân làm gia tăng tác động đối với hiệu ứng nhà kính. Nước thải chăn nuôi có độ ô nhiễm cao, chứa một lượng lớn các vi sinh vật gây bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Đối với việc xử lý chất thải chăn nuôi, các phụ phẩm do đàn gia súc, gia cầm thải ra chủ yếu được dùng để bón cho cây trồng, tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn chất thải, rác thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, phần lớn các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tỉnh đã sử dụng đệm lót sinh học, nhiều hộ chăn nuôi gia súc đã xây hầm biogas. Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học.
Sau khi tổng hợp và khảo sát, trung tâm đã tiến hành cấp đệm lót sinh học và chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi của 7 triệu con gà, 120 nghìn con lợn, 3 nghìn con bò sữa và bò thịt.
Kết quả triển khai cho thấy việc sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường chăn nuôi không chỉ giảm được mùi hôi chuồng trại, tiết kiệm nước, công lao động, hạn chế dịch bệnh phát sinh mà còn tăng hiệu quả kinh tế, phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Cùng với hoạt động của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón quốc gia - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và một số doanh nghiệp tổ chức tập huấn kiến thức sử dụng chế phẩm vi sinh, sinh học, men sống chăn nuôi đa tác dụng để trộn vào thức ăn cho gia súc, gia cầm và xử lý chuồng trại, chất thải chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường cho hơn 100 hộ chăn nuôi bò sữa tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường và cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Thông qua chương trình, các hộ dân và cán bộ thú y được cung cấp kiến thức về lợi ích khi sử dụng chế phẩm vi sinh, sinh học đối với các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, đã được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng theo quy trình tiêu chuẩn, có tác dụng khử mùi hôi chuồng trại, làm đệm lót sinh học, xử lý rác hữu cơ và được dùng làm nguyên liệu ủ chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ…
Ông Nguyễn Văn Dụng, thôn Khách Nhi Ngược, xã Vĩnh Thịnh cho biết: "Gia đình tôi nuôi bò sữa từ năm 2001, hiện, quy mô đàn bò là 20 con. Để giảm ô nhiễm môi trường, gia đình tôi đã xây hầm biogas kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh, sinh học là men sống chăn nuôi đa tác dụng Combo Balactosa LPH15 và chế phẩm EM Selective để trộn vào thức ăn, nước uống cho bò và dùng để xử lý chất thải chăn nuôi. Nhờ đó, lượng phụ phẩm giảm rõ rệt, mùi hôi chuồng trại cũng giảm".
Cùng với phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, hầm biogas, sử dụng chế phẩm vi sinh, sinh học, tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa hoạt động chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và triển khai dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp.
Tuy nhiên, việc vận động người dân đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư nhằm giảm ô nhiễm môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có 33 khu chăn nuôi tập trung được xây dựng theo cơ chế hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh tại 6 huyện Sông Lô, Lập Thạch, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo và Vĩnh Tường.
Nhưng hiện chỉ có 10/33 khu chăn nuôi tập trung có hoạt động sản xuất chăn nuôi; 22 khu chưa có hộ dân nào đầu tư sản xuất chăn nuôi và 1 khu chăn nuôi tập trung tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc đã được thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nhằm xây dựng dự án cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn huyện.
Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường là định hướng chiến lược mà ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đang hướng tới. Để thực hiện thành công mục tiêu này, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân và nâng cao giá trị, chất lượng cho sản phẩm chăn nuôi, trong đó, giải pháp cốt lõi là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.