Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 6 năm 2023 | 8:49

Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống với những chuyển biến mới

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…

Hiệu quả tín dụng chính sách từ cơ sở

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn huyện Kế Sách không ngừng tăng, qua đó đã và đang đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40.

Ông Lê Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kế Sách, cho biết, sau 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị này. Tính đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại huyện đạt trên 463,2 tỷ đồng, với 15 chương trình tín dụng chính sách; UBND huyện đã chuyển ngân sách huyện sang hơn 3,8 tỷ đồng để tạo lập nguồn vốn cho vay, đồng thời cấp 1.300m2 đất để NHCSXH xây dựng trụ sở làm việc; vốn tín dụng chính sách được UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội, Trưởng ban nhân dân ấp, Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay công khai, dân chủ. Điểm giao dịch của NHCSXH được thực hiện tại 13/13 xã, thị trấn nên tiết kiệm được thời gian và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo được vay vốn, trả nợ, cập nhật thông tin, tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, qua đó chất lượng tín dụng chính sách có những chuyển biến tích cực.

NHCSXH huyện Châu Thành giao dịch với người nghèo xã Thiện Mỹ.

Việc thực hiện Chỉ thị số 40 đã làm thay đổi căn bản về nhận thức, hành động của Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn nên đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc NHCSXH huyện thông tin, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, trên địa bàn toàn huyện có 36.869 lượt hộ được tiếp cận và vay vốn tín dụng chính sách, với tổng số tiền vay là 727,2 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần trồng và cải tạo 1.850ha cây ăn quả, chăn nuôi 450.000 con heo thịt, 5.280 con heo sinh sản, xây dựng 11.942 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đã giúp cho 2.398 học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp cho 5.064 hộ vay kinh doanh dịch vụ nhỏ, đã tạo việc làm cho 2.828 lao động nhàn rỗi, xây dựng và cải tạo 561 ngôi nhà và đặc biệt góp phần quan trọng trong việc giảm 13.730 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần vào việc hoàn thành những tiêu chí tại các xã đang xây dựng nông thôn mới.

Những chuyển biến tích cực

Tính đến ngày 31/5/2023, tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ủy thác qua NHCSXH tỉnh Sóc Trăng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hơn 147,4 tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng nguồn vốn của chi nhánh, tăng hơn 100,6 tỷ đồng so với thời điểm ban hành Chỉ thị số 40.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh mở rộng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; thống nhất nguồn tiền nhận hỗ trợ và kinh phí nguồn vận động “Quỹ vì người nghèo” giao dịch qua tài khoản mở tại NHCSXH cùng cấp; tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp rà soát các nguồn vốn nhàn rỗi từ các nguồn quỹ chưa sử dụng gửi vào NHCSXH. Kết quả đến ngày 31/5/2023, số dư tiền gửi tiết kiệm đạt 168 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với năm 2014. Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý, thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát, đạt 100% kế hoạch hằng năm. Tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt các nội dung ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

Hiện toàn tỉnh có 109 Điểm giao dịch xã đặt tại 109 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; hằng tháng, giao dịch vào ngày cố định, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách nhanh chóng tiếp cận các chương trình ưu đãi một cách thuận lợi, giảm chi phí.

Tăng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay

Qua 9 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40, 377.727 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã  được vay vốn, với doanh số cho vay 8.808 tỷ đồng, bình quân 978,7 tỷ đồng/năm. “Nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi trong 9 năm qua đã giúp 85.059 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 36.801 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập; 260.027 lao động được tạo việc làm; 1.016 lao động được đi làm việc ở nước ngoài; xây mới, sửa chữa 145.505 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 30.228 nhà ở hộ nghèo và 168 căn nhà được xây mới, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội…

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng,  thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40. Nhất là tăng cường công tác chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Hằng năm, cân đối, bố trí ngân sách địa phương bổ sung ủy thác tối thiểu 15%/tổng nguồn vốn tăng trưởng tín dụng để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua NHCSXH; phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chiếm 15%/tổng nguồn vốn.

Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách; cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần hoàn thành sớm chỉ tiêu giảm nghèo theo từng giai đoạn; hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, bộ mặt nông thôn được cải thiện; qua đó, thực hiện tốt các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tiến tới thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top