Trước thực trạng sạt lở, sụt lún ngày càng diễn biến phức tạp ở ĐBSCL, trả lời kiến nghị của đại biểu quốc hội, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khu vực cần có những dự án lớn, mang tính lâu dài.
ĐBSCL cần chuẩn bị kế hoạch, huy động được nguồn vốn, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để thực hiện các công trình chống sạt lở.
Bến Tre, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp sạt lở
Mới đấy, UBND tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Giao Hòa, trên địa bàn xã Giao Long và An Hóa, huyện Châu Thành do bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài khoảng 800 mét, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống của hơn 300 hộ dân, trong đó có 26 hộ phải di dời khẩn cấp đi nơi khác. Sạt lở còn ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đường ĐH.03 dọc theo bờ sông Giao Hòa. Tuyến đường này đã có 45 mét bị sạt lở hoàn toàn xuống sông Giao Hòa, giao thông bị bế tắc.
Đoàn sạt lở bờ sông Giao Hoà, tỉnh Bến Tre (Ảnh: VOV).
Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu chính quyền các địa phương có sạt lở áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra. Tổ chức sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở tiếp diễn; tiến hành cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.
Thực hiện các biện pháp xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở; tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Tại Cà Mau, tuyến đường từ xã Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi) có nguy cơ sạt lở thêm khoảng 1km. Trước thực trạng trên Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải công bố tình huống khẩn cấp khắc phục đoạn sạt lở này. Lần gần nhất vào đầu tháng 7/2023, sạt lở nghiêm trọng đã làm hư hỏng hoàn toàn nền, mặt đường dài hơn 100 mét; xe 4 bánh không thể duy chuyển, ảnh hưởng đến nhà cửa, đất đai sản xuất của nhiều hộ dân trên tuyến. Đường từ trung tâm xã Tân Tiến đến xã Nguyễn Huân có nguy cơ tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.
Một điểm sạt lở sông ở Cà Mau (ảnh do Sở Nông nghiệp và PTNT cung cấp).
Qua khảo sát của ngành chức năng Cà Mau, tuyến đường nêu trên có nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở thêm 3 đoạn, với chiều dài khoảng 1.000m, ảnh hưởng trực tiếp đến nhà cửa của 36 hộ dân. Đồng thời, ảnh hưởng đến việc đi lại, đời sống và sản xuất của gần 4.300 hộ dân, với hơn 18.000 nhân khẩu. Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở tuyến đường ô tô từ xã Tân Tiến về trung tâm xã Nguyễn Huân, nhằm triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp, kịp thời ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.
Huyện Đầm Dơi được giao tạm thời gia cố bờ sông chống sạt lở và làm nền mặt đường tạm để đảm bảo thông tuyến, đáp ứng nhu cầu lưu thông của người dân trong thời gian chờ thực hiện dự án tuyến đường tránh tại khu vực sạt lở. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cà Mau được giao phối hợp với chính quyền huyện Đầm Dơi khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn và hỗ trợ chuyên môn trong việc xây dựng phương án gia cố bờ sông chống sạt lở; Sở Giao thông - Vận tải được giao phối hợp, hỗ trợ chuyên môn trong xây dựng nền mặt đường tạm tại vị trí sạt lở…
HĐND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đến cửa biển Bảy Háp (huyện Phú Tân). Theo đó, HĐND tỉnh Cà Mau đã quyết định, điều chỉnh nội dung xây dựng 23,11 km đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến kênh Năm thành xây dựng 19km; Bổ sung thêm nội dung xây dựng chiến lược quản lý, bảo vệ bền vững vùng ven biển tỉnh Cà Mau và thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu vào dự án. Nội dung “xây dựng 11km kè giảm sóng, chống xói lở bờ biển, gây bồi, tạo bãi nhằm bảo vệ, khôi phục và phát triển đai rừng phòng hộ ven biển để bảo vệ tuyến đê biển Tây và các khu dân cư ven biển thuộc 2 huyện Trần Văn Thời và huyện Phú Tân” của dự án được giữ nguyên. Tổng vốn thực hiện dự án nêu trên được điều chỉnh từ 28,2 triệu EUR tương đương khoảng 750 tỷ đồng lên gần 32 triệu EUR tương đương hơn 849 tỷ đồng. Dự án do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, được thực hiện từ năm 2024 - 2027. |
Cần những dự án lớn
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10, phản hồi đề xuất, kiến nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) về hỗ trợ ĐBSCL ứng phó với những tác động tiêu cực từ hạn mặn, sụt lún đang diễn ra ngày càng khó lường, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với ĐBSCL, Chính phủ đã chi hàng ngàn tỷ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương thực hiện phòng, chống sạt lở khu vực ĐBSCL. Vừa qua, Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỷ đồng cho các tỉnh ĐBSCL khắc phục trước mắt những vấn đề trên. Thủ tướng đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) giám sát việc sử dụng nguồn lực đã đủ, đúng, hiệu quả chưa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 24/10.
Nguồn vốn này là để giải quyết những vấn đề cấp bách, trước mắt, còn về lâu dài cần các dự án lớn mang tính căn cơ để chống sạt lở, sụt lún trị giá hàng tỷ USD. Trước mắt cần khắc phục sạt lở, sụt lún, ngập mặn. Bên cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu cực đoan, Việt Nam phải góp phần cùng thế giới ngăn sự nóng lên của trái đất, đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam nằm ở khu vực hạ lưu, chịu ảnh hưởng lớn nhất so với các nước trong khu vực từ việc biến đổi dòng chảy sông Mê Công. Vấn đề này chúng ta đã thấy từ năm 1990 và khi đó đã đề xuất các nước kiểm soát việc xây dựng đập thủy điện trên dòng Mê Công và Lan Thương. Các nước đều đã thể hiện trách nhiệm, nhưng cần nỗ lực hợp tác hơn mới giải quyết được, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Khẳng định về vấn đề sạt lở, sụt lún ĐBSCL cần có những dự án lớn về lâu dài nên phải tính đến đẩy mạnh hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực. Tuy nhiên, khi vay vốn thực hiện các dự án, thủ tục cần đơn giản, thông thoáng, tránh kéo dài gây lãng phí nguồn lực. Các dự án cần tập trung giải quyết 4 vấn đề lớn: chống sụt lún, chống sạt lở, chống ngập mặn và chống hạn hán. Nếu đã đi vay, phải làm những dự án lớn xoay chuyển tình thế chứ không làm lặt vặt, manh mún, dàn trải như hiện nay, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng lưu ý các vấn đề lớn khác như ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông. Nhấn mạnh thuận lợi của khu vực ĐBSCL là sông nước gắn cầu, cảng, vùng có thể tận dụng, khai thác từ dòng sông, song phải là khai thác bền vững. Ngoài khai thác tối đa nguồn lợi từ đường thủy, ngành GTVT cần tập trung xây dựng các tuyến cao tốc vùng ĐBSCL theo cả trục Bắc - Nam và Đông - Tây; quan tâm nâng cấp hạ tầng giao thông, điển hình như sân bay Cà Mau. Để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, việc của Trung ương là kết nối vùng, kết nối tỉnh nhưng các địa phương phải nỗ lực, dành nguồn lực để kết nối trong tỉnh, huyện.
Một đoạn đường ở Đầm Dơi rơi xuống sông, tỉnh Cà Mau (ảnh: CTV).
Dẫn ví dụ từ bài học quyết tâm làm sân bay của Điện Biên để nói về phát triển hạ tầng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, địa phương phải quyết tâm làm, bỏ tiền ra và tập trung làm, không ỷ lại Trung ương và Trung ương cũng không bỏ rơi địa phương. Địa phương bỏ tiền ra giải phóng mặt bằng, Trung ương bỏ tiền ra làm đường bay, sân đỗ, nhà ga. Có như vậy mới có sân bay Điện Biên. Trung ương và địa phương cùng làm. Ta biết tháo gỡ thì ta có nguồn lực, nếu chỉ địa phương hay chỉ Trung ương thì cũng không làm được mà phải có hợp tác, vẫn cần BOT, BT để phát triển hạ tầng, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết thêm, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy trình trồng 1 triệu ha lúa sạch, phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững phục vụ cho an ninh lương thực và xuất khẩu bền vững.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong mùa khô năm 2023-2024, tổng lượng dòng chảy từ thượng lưu sông Mêkông (trạm Kratie - Campuchia) về hạ lưu và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từng tháng có xu thế giảm dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm theo triều với xu thế xuống dần. Trong các tháng mùa khô 2023-2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn Vùng ĐBSCL khả năng đến sớm, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương Vùng ĐBSCL cần sớm có biện pháp chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn. |
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.