Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2023 | 15:31

Chú trọng bảo vệ môi trường trong phát triển chăn nuôi

Những năm qua, ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng tại khắp các địa phương trên cả nước.

Doanh nghiệp chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, người dân bức xúc

Theo phản ánh của người dân xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên từ nhiều năm nay, một trang trại chăn nuôi nằm cách khu dân cư vài trăm mét bốc mùi nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây bức xúc cho người dân.

Ông Lương Văn Vinh (72 tuổi) xóm Trung Tâm cho biết, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi từ trang trại phía trước theo gió thổi vào nhà khiến ông tức ngực, khó thở. Cùng đó, các cháu ông cũng thường xuyên bị cay mắt. Việc này đã diễn ra nhiều năm và người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo đó, tại khu vực xóm Việt Linh, xã Lương Phú, huyện Phú Bình có một số hộ lập trang trại chăn nuôi gà, lợn. Những trang trại này nằm sát với xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn.

Ông Lương Văn Vinh, xóm Trung Tâm cho biết nơi phát sinh nước thải gây mùi hôi thối. Ảnh: Minh Hạnh

Chất thải từ những trang trại này ảnh hưởng đến người dân xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn, nên khi xảy ra ô nhiễm, người dân kiến nghị lên UBND xã Kha Sơn để giải quyết. Nhưng vì 2 địa phương giáp ranh nên tình trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho bà con.

Ông Ngô Việt Thắng, xóm Trung Tâm (nhà cách trang trại khoảng 300m) cho biết, khi trang trại rửa chuồng, nước chảy ra mương bốc mùi rất khó chịu, nhiều khi đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang. Khi chúng tôi kiến nghị, lãnh đạo xã Kha Sơn cho biết đã báo cáo sự việc lên huyện Phú Bình nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt.

Người dân vì thế vẫn phải sống chung với không khí ô nhiễm. “Lo nhất là sức khỏe của cụ già và trẻ nhỏ khi hàng ngày phải hít thở không khí ô nhiễm”, anh Thắng cho hay

Cũng theo phản ánh của người dân, ngoài việc xả chất thải ra môi trường, một số trang trại chăn nuôi của xã Lương Phú còn vứt cả xác động vật (gà, lợn) chết ra mương ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe của người dân.

Trước đây việc xả thải từ phía trang trại ra thẳng ruộng lúa, sau nhiều lần người dân kiến nghị, với sự vào cuộc của chính quyền thì doanh nghiệp đã xây dựng mương bê tông để dẫn nước thải ra môi trường.

Nói về vấn đề trên, Ông Dương Văn Dương – Chủ tịch UBND xã Kha Sơn, ông Dương cho biết, hai xã giáp ranh và các trang trại được xây dựng trên đất của xã Lương Phú.

Trước đây là khu vực chăn nuôi lợn, việc xả thải đã xảy ra và chính quyền đã phối hợp xử lý yêu cầu chủ doanh nghiệp phải xây hệ thống thoát nước tránh tình trạng nước thải ra ruộng lúa của dân. Nhưng thời gian gần đây, doanh nghiệp đổi sang tập trung nuôi gà và cá.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nếu vi phạm sẽ buộc doanh nghiệp phải xử lý chất thải và cam kết không xả thải ra môi trường”, ông Dương cho hay.

Trang trại lợn công nghệ cao ở Yên Bái tiếp tục gây ô nhiễm môi trường

Theo phản ánh, dự án trang trại lợn của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer gây mùi khó chịu, khiến người dân tại thôn Toàn An, xã Đông An và thôn Trung Tâm, xã An Bình, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái rất bức xúc.

Cụ thể, theo người dân,  khoảng hơn một tháng nay, trang trại lợn xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của dân cư lân cận. Ông Nguyễn Đức Thế, Trưởng thôn Toàn An, xã Đông An cho biết, những gia đình sinh sống dọc bờ sông Hồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bà con trong thôn đã phản ánh đến chính quyền địa phương và làm việc với doanh nghiệp để xử lý vấn đề mùi khó chịu phát tán trong quá trình chăn nuôi của trang trại. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ khắc phục được vài hôm rồi lại đâu vào đấy.

Bà Nguyễn Thị Vân, ở thôn Trung Tâm, xã An Bình chia sẻ, sáng sớm hay tối muộn, mùi hôi thối từ trang trại lợn Anifer bốc lên nồng nặc nhất, dù đóng kín cửa nhưng vẫn không thể ngăn được mùi. Người dân lo ngại nếu không khắc phục được mùi hôi thối, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mặc dù bị xử phạt vi phạm số tiền 284 triệu đồng (tháng 7/2022) nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer vẫn tái diễn.

Theo cơ quan chức năng, trang trại nuôi lợn của Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer (tại thôn An Khang, xã Đông An) hoạt động từ cuối năm 2021 với diện tích gần 32ha. Quy mô của trang trại là 2.400 lợn nái và 24.000 lợn thịt/lứa, kết hợp với sản xuất 5.000 tấn phân hữu cơ và trồng cây ăn quả. Trang trại đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy phép môi trường số 2658/GPMT-UBND, ngày 27/12/2022.

Ông Đỗ Quang Trung - Bí thư Đảng ủy xã Đông An cho biết, sau những phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã làm việc với doanh nghiệp để yêu cầu khắc phục mùi hôi thối. Tại buổi làm việc, doanh nghiệp xác định việc mùi hôi bốc ra từ các dãy chuồng nuôi. Vì không có đầy đủ thiết bị nên không xác định cụ thể mức độ mùi hôi. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi từ đầu năm đến nay cho thấy, vào những ngày có mưa hoặc thời tiết âm u, mùi hôi thối bốc lên từ khu chăn nuôi nặng hơn.

Ông Trần Thống Nhất - quyền Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Văn Yên cho hay, Phòng đã nhận được báo cáo của xã về việc gần đây trang trại chăn nuôi lợn bốc mùi hôi thối. Đơn vị đang xin ý kiến chỉ đạo của Sở Tài nguyên và Môi trường để thành lập đoàn kiểm tra, làm việc với doanh nghiệp nhằm khắc phục tình trạng trên.

Đại diện doanh nghiệp, ông Đặng Vĩnh Hà, quản lý Chi nhánh Yên Bái - Công ty Cổ phần phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer xác nhận, trong quá trình vận hành trang trại có gây ra mùi hôi. Sau phản ánh của người dân, đơn vị đã khắc phục ngay và yêu cầu công nhân tăng cường rửa chuồng trại sạch sẽ, hạn chế thấp nhất mức độ mùi để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi - giải pháp phát triển bền vững

Có thể nói, , việc quản lý chặt chẽ, đặc biệt là xử lý chất thải (nước thải, chất thải rắn) trong chăn nuôi đang là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nếu không thực hiện tốt. Do vậy, xử lý chất thải chăn nuôi không chỉ là một trong những yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ môi trường mà còn đem lại lợi ích, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cho ngành chăn nuôi.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, đại diện Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) đề xuất, thời gian tới, ngành chăn nuôi cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hai công nghệ cốt lõi. Thứ nhất là công nghệ vi sinh, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chăn nuôi. Vì thế, ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu xử lý phân trực tiếp, xử lý phân không trực tiếp, vi sinh trong thức ăn chăn nuôi hướng tới mục tiêu giảm thải và tăng hiệu quả kinh tế. Thứ hai là công nghệ ứng dụng nuôi côn trùng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc, một tấn trùn quế (giun quế, giun đỏ) có thể xử lý được 30 tấn phân trong vòng một tháng. Trùn quế làm thức ăn chăn nuôi nhưng chất thải từ trùn quế còn được sử dụng làm phân bón rất tốt cho cây trồng, đem lại giá trị kinh tế cao. Hoặc có thể nuôi ruồi lính đen-một loài côn trùng hiện đang được sử dụng trong chăn nuôi. Mỗi ki-lô-gam ấu trùng ruồi lính đen có thể xử lý được 10kg chất thải hữu cơ trong vòng 15 ngày. Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, phân của ruồi lính đen lại tốt cho trồng trọt.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho rằng, việc xử lý các phế, phụ phẩm khác như xương, sừng của động vật sau giết mổ, hay vấn đề ô nhiễm không khí... cũng cần được quan tâm hơn nữa trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến việc xử lý phân, nước thải trong chăn nuôi chứ chưa tập trung đến việc xử lý tất cả phế, phụ phẩm trong ngành chăn nuôi. 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Bắc cũng lưu ý việc sử dụng hiệu quả chất thải trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường rất cần có tiêu chuẩn kỹ thuật để đánh giá về lĩnh vực chăn nuôi, sớm công bố rộng rãi, kịp thời các tiến bộ kỹ thuật phục vụ chăn nuôi, đưa hệ thống chăn nuôi tuần hoàn vào chuỗi bền vững với đầu tàu là doanh nghiệp. Bộ NNPTNT cần đối thoại với doanh nghiệp về chăn nuôi tuần hoàn để nắm bắt thông tin và điều chỉnh các chính sách phù hợp hơn với thực tiễn. Cơ quan, doanh nghiệp cũng cần phối hợp hiệu quả với hệ thống khuyến nông để phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường. 

Đứng trên góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Võ Trọng Thành, đại diện Cục Chăn nuôi chia sẻ một số giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đến năm 2030. Thứ nhất, hoàn thiện về cơ chế, chính sách; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Thứ hai, nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến nông chăn nuôi. Thứ ba, đào tạo, phát triển nguồn lực và năng lực cán bộ ngành chăn nuôi. Thứ tư, triển khai các dự án ưu tiên như sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi, nuôi côn trùng xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất khí sinh học từ chất thải chăn nuôi lợn.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top