Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 7 năm 2024 | 16:44

Chùa Mèo – điểm du lịch văn hóa tâm linh

Chùa Mèo là một ngôi chùa cổ có tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (huyện Lang Chánh). Ngôi chùa gắn với sự tích “Miêu thần cứu chúa”, nên từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Cách trung tâm TP.Thanh Hóa gần 90km, chùa Mèo nằm trên một quả đồi làng Chiềng Ban, hay còn gọi là Đỉnh Miêu, được xây dựng từ thế kỷ XIII, do công chúa nhà Trần là Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếnh xây dựng. Để ghi nhớ công ơn của công chúa, ngôi chùa được gọi tên chùa Chu.

Chùa có địa thế phong thủy, bên tả có dãy núi Pù Bằng, bên hữu có dãy núi Pù Rinh, trước mặt lại có dòng sông Âm chảy ngang qua. Tiếng tăm chùa Chu ngày càng lan rộng nên dân gian trong vùng có câu ví: “Nhất Hương, nhì Hà, ba Chu”.

Tương truyền mùa xuân 1418, khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn, một lần khi hành quân qua chùa Chu, Lê Lợi và nghĩa quân đã vào chùa thắp hương lễ Phật cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Lê Lợi thấy trong chùa chỉ còn lại một con mèo, sư sãi không biết đã đi lánh ở đâu. Lê Lợi cho lính bắt lấy con mèo mang theo trên đường rút quân vào Hón Oi. Khi có tin cấp báo quân giặc ráo riết đuổi theo nghĩa quân, Lê Lợi cho lính bỏ lại con mèo ở một rãnh đồi cách chùa Chu chừng 700m, ngày nay nhân dân gọi là Hòn Bỏ Mèo.

Đánh đuổi giặc Minh xâm lược thắng lợi, đập tan ách đô hộ 20 năm của phong kiến Trung Hoa, Lê Lợi lên ngôi vua, đã sắc chỉ tu sửa và đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo. Thời kỳ chống giặc nhà Thanh, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc dừng chân tại chùa Mèo để dâng hương cầu Phật độ trì cho cuộc kháng chiến. Sau chiến thắng đã cho quân sĩ và người dân xung quanh trùng tu nâng cấp chùa và thờ các vị vua, vị thần linh.

Chùa Mèo tọa lạc trên quả đồi làng Chiềng Ban, hay còn gọi là Đỉnh Miêu, một khung cảnh yên bình tựa núi và sông

Chùa Mèo tọa lạc trên quả đồi làng Chiềng Ban, hay còn gọi là Đỉnh Miêu, một khung cảnh yên bình tựa núi và sông

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết: Chùa Mèo được xây cất theo kiểu tam quan, lợp ngói mũi, có gác chuông chùa, xung quanh có thưng bằng ván. Ngoài thờ phật nơi đây còn thờ các vị anh hùng dân tộc.

Ngôi chùa có chiếc chuông tên chùa vào phần vai chuông bằng 8 chữ Đại tự: “Chú tạo Miêu đỉnh thiền tự Hồng chung”, niên đại đúc chuông cũng được khắc rõ ràng vào cuối xuân Vĩnh Thị thứ 14. Chiếc chuông có chiều cao 1,09m, quai chuông cáp 0,3m, đường kính miệng 50m, với chu vi đo được là 1,49m. Quai chuông chùa Mèo là đôi rồng đấu đuôi vào nhau tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, hết sức tròn trĩnh, không có vết tu sửa, âm thanh ngân rất hay và vang rất xa.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa Mèo đã trở nên hoang phế, các pho tượng thờ thất lạc, chiếc chuông duy nhất còn lại được luân chuyển về bảo tàng tỉnh Thanh Hóa để lưu giữ.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng đồng chùa được tôn tạo, phục hồi và trở thành một điểm du lịch tâm linh và văn hóa

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng đồng chùa được tôn tạo, phục hồi và trở thành một điểm du lịch tâm linh và văn hóa. 

Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng đồng chùa được tôn tạo, phục hồi và trở thành một điểm du lịch tâm linh và văn hóa quan trọng của huyện vùng cao Lang Chánh. Năm 2005, ngôi chùa này được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, huyện Lang Chánh lấy ngày mùng 6-7 tháng giêng hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống chùa Mèo.

Trao đổi với PV TC Kinh tế nông thôn, ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Chùa Mèo là công trình kiến trúc nghệ thuật thể hiện bề dày văn hoá, lịch sử địa phương, là điểm du lịch văn hóa tâm linh trong tuyến du lịch số 5 của tỉnh Thanh Hóa. Đây không chỉ là dịp tôn vinh tâm linh mà còn là dịp để bà con dân tộc huyện Lang Chánh và khách thập phương về tụ họp, giao lưu trải nghiệm, đẩy mạnh liên kết chuỗi du lịch với các huyện bạn.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top