Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 3 năm 2023 | 11:5

“Chúng tôi đã trưởng thành từ Kinh tế nông thôn”

Nơi này - Tạp chí Kinh tế nông thôn, trải qua 35 năm, nhiều người đến và đi. Dù vì lý do gì thì nơi đây cũng là chỗ họ - những nhà báo, trong những năm làm việc gắn với “Vườn - Ao - Chuồng” để có nhiều bài báo chất lượng đã có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhân kỷ niệm 35 xuất bản ấn phẩm đầu tiên, họ đã ghi chép lại những kỷ niệm không thể nào quên tri âm cùng bạn đọc.

Nhà báo Phạm Anh Thơ.

Cảm ơn ngôi nhà Kinh tế nông thôn - nền móng sự nghiệp trong tôi

 Nhà báo Phạm Anh Thơ, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt (làm việc ở Kinh tế nông thôn từ năm 2001 đến năm 2018, nguyên Thư ký Tòa soạn), chia sẻ: Tôi bắt đầu viết những bài viết đầu tiên với tư cách một phóng viên ở Báo Kinh tế nông thôn, nay là Tạp chí Kinh tế nông thôn. Đó chính là nơi đặt những viên gạch đầu tiên giúp tôi đến với nghề báo, tuy vất vả nhưng vô cùng đáng nhớ.

Đó là vào một ngày cuối năm 2001, khi tôi vừa bước chân ra khỏi giảng đường Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khát khao được đi làm báo đã thôi thúc tôi đến gặp lãnh đạo Báo xin được… thử việc, dù trước đó, tôi không có khái niệm làm thế nào để viết được một bài báo. Kể từ đó, tôi bắt đầu dấn thân vào hành trình làm một phóng viên nông nghiệp với những người đồng nghiệp cũng chính là những người thầy của tôi trong nghề trong một chặng đường dài mà tôi gọi là: Thanh xuân. Ở ngôi nhà 57 Hàng Chuối, ở góc phố thân quen, tôi đã được trải nghiệm những “lần đầu tiên” của nghề làm báo.

Đó là lần đầu tiên bài báo của mình được đăng, sau khi đã được Trưởng phòng Phóng viên của Kinh tế nông thôn Phạm Đình Hải phun đầy mực đỏ vào bản thảo, với những lời “giảng” có phần gay gắt. Nhưng từ đó, tôi đã hiểu điều gì cần ở một bài báo chứ không phải là lớp vỏ ngôn ngữ hào nhoáng.

Đó là chuyến công tác đầu tiên của tôi với tư cách phóng viên Kinh tế nông thôn ở một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái. Khi đó, để tìm đến nhà một người nông dân trồng rừng, tôi đã bắt xe ôm từ trung tâm thành phố, đi đến hết đường nhựa thì anh xe ôm bảo: “Nhà ông ấy trong kia, em cứ đi bộ một đoạn là đến, xe máy của anh chịu không vào được”.

Nghe lời, tôi cứ thế đi theo con đường được chỉ, một bên là núi, một bên là vực, đi đến mấy lần cái gọi là một đoạn cũng không thấy bóng dáng ngôi nhà nào. Sau tôi nhờ được một người dân chở vào ngôi nhà nằm bên hẻm núi và được ông nông dân tốt bụng mời ăn bữa cơm bình dân nhưng tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ.

Sau này, tôi có dịp quay trở lại Yên Bái, cũng được trải nghiệm trên nhiều con đường nhưng không bao giờ tôi quên được cảm giác cô đơn khi một mình lạc bước giữa mênh mông rừng thẳm. Bù lại, tôi có được những bài viết chân thực đọng lại trên từng câu chữ.

Nhớ về ngôi nhà Kinh tế nông thôn, tôi còn nhớ về những ngày anh em quây quần úp mì gói để làm báo Xuân cho kịp tiến độ; nhớ cả những cơ hội mà lãnh đạo báo, Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng biên tập Lê Văn Thơm đã tin tưởng trao cho tôi, để tôi có dịp lớn lên, trưởng thành hơn trong nghề nghiệp, và sau này khi tiếp tục làm báo ở môi trường khác, tôi vẫn tự tin với những gì đã được rèn giũa ở ngôi nhà ấy.

Nếu có một lời nào đó để nói về hành trình 17 năm gắn bó với Kinh tế nông thôn của mình, tôi muốn dành lời CẢM ƠN đến những người anh, người thầy, người đồng nghiệp đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi được làm việc, được sáng tạo, được trở thành một phóng viên nông nghiệp. Cảm ơn những tháng ngày đã cho tôi một thanh xuân sôi nổi và đầy sắc màu rực rỡ.

Tôi vào nghề báo và trưởng thành từ “Vườn - Ao - Chuồng”

Nhà báo Nguyễn Đức Thành, Báo Lao động, nguyên Trưởng phòng phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, tâm sự: Tôi không phải “dân báo” chính gốc. Suốt quãng đời sinh viên, tôi cũng chưa từng viết một bài báo nào. Đến khi ra trường, duyên đưa đẩy, tôi trở thành phóng viên của Kinh tế nông thôn – năm 2005. Cho tới tận lúc này, khi đã trưởng thành, có đôi chút vốn liếng và thành tựu với nghề, tôi vẫn luôn kể câu chuyện ngày đầu làm báo ở Kinh tế nông thôn cho lớp đàn em. Một là kỷ niệm ấy chưa bao giờ phai nhạt nên cứ muốn khoe đi khoe lại. Hai là, để các bạn phóng viên trẻ hiểu và nỗ lực trước những khó khăn khi bắt đầu làm báo.

Nhà báo Nguyễn Đức Thành.

Chuyến công tác đầu tiên của tôi, trùng với dịp Quốc giỗ - Giỗ tổ Hùng Vương. Hồi ấy, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị: Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2005 là một trong những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam trong hai năm 2004 - 2005 nên tôi vô cùng háo hức. Thế nhưng, với kẻ chưa từng làm báo, lần đầu bước chân đi công tác, kết quả thu về của tôi, chính xác - theo nghĩa đen - chỉ là một chuyến ngao du. Bởi suốt 1 tuần lăn lộn khắp nơi, theo chân mấy tiền bối báo ảnh tại các sự kiện diễn ra, tôi không biết bắt đầu từ đâu, chẳng viết được gì, ngoài một cái tin tường thuật sự kiện đêm khai mạc. Nói như sếp trực tiếp của tôi hồi ấy – anh Đình Hải, Trưởng phòng Phóng viên – ngồi nhà xem tivi viết còn hay hơn.

Chúng tôi – lớp phóng viên của Kinh tế nông thôn hồi ấy, đều như một trang giấy trắng tinh còn thơm mùi hồ nguyên nếp. Nhưng những bài học cứ tích lũy, dần dần, chúng tôi trở thành nhà báo đủ tự tin bước ra tác nghiệp. Chúng tôi có một niềm tự hào lớn lao, khi ở bất cứ đâu, giơ cánh tay lên phỏng vấn đều dõng dạc “Tôi là... phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, xin hỏi...” Rồi sau đó, lại nhẹ nhàng giải thích cho mấy ông đồng nghiệp kế bên còn đang nghệt mặt chưa biết Kinh tế nông thôn là ai: “Tôi là phóng viên Vườn – Ao – Chuồng, Báo Kinh tế VAC đổi tên đó”.

Gần 20 năm nhìn lại, lớp phóng viên chúng tôi ngày ấy, giờ mỗi người một nơi, có những gương mặt vẫn còn gắn bó với Tòa soạn cũ, cũng có nhiều người ở ngôi nhà mới - với những cương vị lãnh đạo ở các tờ báo lớn, tất cả chúng tôi vẫn thi thoảng “hú” nhau tụ họp, ôn lại những kỷ niệm năm nào. Vẫn thân thương, chí chóe, và đùm bọc nhau “như chưa hề có cuộc chia ly”.

Nhân kỷ niệm 35 năm Kinh tế nông thôn xuất bản ấn phẩm đầu tiên, tôi lại bồi hồi nhớ về những dòng chữ non nớt bắt đầu sự nghiệp. Cho tới tận bây giờ, điều lớn nhất mà tôi luôn tự hào khi học được ở Kinh tế nông thôn: đó là phải làm một người làm nghề tử tế.

Xin chân thành cám ơn Kinh tế nông thôn, cám ơn Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn, cám ơn những người anh – tôi vô cùng tôn trọng, những người bạn thân thương và những người em nghĩa tình... đã dang tay đón nhận, bảo ban, đùm bọc và nâng đỡ tất cả chúng tôi – những người xuất phát từ Kinh tế nông thôn – như một nền tảng vững chắc để tự tin – tự hào – bản lĩnh bước vào nghề.

“Tôi đến và trưởng thành từ Kinh tế nông thôn”

 Nhà báo Nguyễn Tố Loan, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, nguyên biên tập viên Báo Kinh tế nông thôn, chia sẻ: Với tôi, Kinh tế nông thôn giống như một mái nhà yên bình và bao dung, nơi lưu giữ rất nhiều điều “đầu tiên” của tôi. Là cơ quan đầu tiên tôi công tác, là nơi đăng bài báo đầu tiên tôi bước chân vào nghề, là nơi tôi bắt đầu chuyến đi đầu tiên… cùng rất rất nhiều câu chuyện, khoảnh khắc và những cung bậc cảm xúc của cả thời thanh xuân tươi trẻ.

Nhà báo Nguyễn Tố Loan.

Kinh tế nông thôn 35 năm tuổi, tôi có 14 năm gắn bó. Hành trình ấy không phải lúc nào cũng toàn hoa hồng nhưng vô cùng đáng nhớ. Lúc bước chân tới Kinh tế nông thôn, tôi vừa tốt nghiệp đại học được 3 tháng. Trước đó, tôi chưa hề viết báo và cũng chưa từng nghĩ mình sẽ đi làm báo. Kể cả khi bước chân vào cơ quan, tôi vẫn nghĩ đây nơi lưu trú tạm thời, trước khi có những dự định, toan tính cho chặng đường mới. Nhưng “nhân tính không bằng trời tính”, khoảng thời gian lưu trú của tôi đã kéo dài 14 năm.

Tôi còn nhớ cái tin đầu tiên gửi về từ Hội nghị Hội Làm vườn tỉnh Thái Bình, tôi đã bị Trưởng phòng Phóng viên ngày đó là anh Phạm Đình Hải mắng cho tơi bời, gạch đỏ chót bản thảo dù chỉ có hơn trăm chữ. Và sau đó rất nhiều tin, bài khác cũng cùng chung số phận: viết – sửa – viết lại – sửa – lại viết lại. Ngày đó chỉ thấy ấm ức và mệt mỏi, mà chẳng nghĩ đấy chính là hành trình trưởng thành. Từ những tin bài đầu tiên còn ngô nghê, những lần công tác còn bỡ ngỡ, tôi dần dần cứng cáp hơn, tự tin hơn vào bản thân.

35 năm phát triển, giống như bao cơ quan báo chí khác, Kinh tế nông thôn cũng trải qua nhiều thăng trầm và gian khó của một đơn vị phải tự chủ tài chính. Thế nhưng, điều khiến tôi cảm phục ở những người chèo lái là chưa bao giờ để quyền lợi của cán bộ, phóng viên, biên tập viên bị ảnh hưởng. Lúc “dư dả” thì chẳng nói làm gì, ngoài lương và các chế độ đãi ngộ, tôi chắc cũng hiếm cơ quan báo chí nào tổ chức được cho anh em đi du lịch nước ngoài. Rồi khi nền kinh tế thị trường trở nên khắc nghiệt và cạnh tranh hơn, Kinh tế nông thôn vẫn là một trong những đơn vị đảm bảo được cuộc sống cho người lao động, không nợ lương hay nợ bảo hiểm.

Ở Kinh tế nông thôn, tôi còn có những tình thân từ tình đồng nghiệp. Giống như một gia đình lớn, chúng tôi chia sẻ nhiều điều, giúp đỡ và bên nhau khi gian khó, chia sẻ khoảnh khắc tươi vui và gặp gỡ thân tình dù đã xa nhau – mỗi người một chặng đường mới. Cho đến giờ, mỗi lần về lại địa chỉ 57 Hàng Chuối, tôi vẫn nghĩ mình đang về nhà, có thể thoải mái cười đùa, thoải mái vui chơi… mà không phải e dè, giữ kẽ. Cảm giác thân thiết đó, nếu không phải là ở “nhà” thì chắc chẳng ai làm được.

Ngày rời xa mái nhà thân thương, chính bản thân tôi không nghĩ mình đã buồn nhiều như thế, nhưng giống như đứa trẻ cần phải rời xa để khôn lớn, tôi đã chọn chặng đường mới nhiều thử thách hơn, mà ở đó mỗi lần được hỏi, tôi đều tự tin nói rằng: “Tôi đến và trưởng thành từ Kinh tế nông thôn”.

Và không chỉ là dịp 35 năm mà 40 hay 45 năm, tôi vẫn mong muốn sẽ được kể về Kinh tế nông thôn, được gặp những đồng nghiệp thân thiết, được chứng kiến và mong chờ nhiều đổi thay tích cực; để tờ báo đầu tiên của tôi luôn luôn phát triển, lớn mạnh và vững bền.

Kinh tế nông thôn đã “tôi luyện” cho tôi bản lĩnh ra “biển lớn”

Nhà báo Nguyễn Quán Tuấn (bút danh Thành Vinh), Báo Nhà báo và Công luận, nguyên Phó trưởng phòng Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, bộc bạch: Kinh tế nông thôn là ngôi nhà đầu tiên tôi bước chân vào nghề báo. Học trái ngành, làm báo, viết báo với tôi khi “tập tễnh” vào nghề chỉ là tờ giấy trắng. Nhưng những năm tháng ở trong ngôi nhà Kinh tế nông thôn là quãng thời gian quý giá để giúp tôi ngày càng trưởng thành, tôi luyện cho tôi một bản lĩnh, một “chất thép” để vững tin bước chân ra “biển lớn”.

Nhà báo Thành Vinh (bên trái).

Nhớ lại những ngày đầu ở tòa soạn báo, ngoài Người thuyền trưởng – Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn luôn sát sao, định hướng, tôi còn có một người anh, người sếp trực tiếp tận tình hướng dẫn là Phó tổng biên tập Nguyễn Mạnh Hưng (hiện là Tổng biên tập Tuổi trẻ Thủ đô). Đặc biệt, những người bạn, đồng nghiệp đầy nhiệt huyết, chỉ bảo cho tôi từ cách hành văn, lỗi mo-rát đến cách tác nghiệp hiện trường cho một bài báo.

Đó là, những buổi trưa hè nắng nóng cùng nhau ghi nhận cảnh cá chết hồ Tây, ngược xuôi xe máy “mật phục” làng nấu rượu lậu ở Tả Thanh Oai (Hà Nội) hay những chuyến đi dài ngày xuyên các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn…

Đó là, những buổi trà đá vỉa hè cùng đồng nghiệp, “lên lớp” cho tôi hiểu bố cục của một bài báo, cách viết tin, một bài phản ánh đến các phóng sự điều tra…

Có thể nói, bảy năm gắn bó với Kinh tế nông thôn là quãng thời gian vô cùng đẹp. Đẹp bởi một xúc cảm không bao giờ quên mỗi khi nhắc đến những kỷ niệm về tờ báo hay đặt chân đến cổng trụ sở tại 57 Hàng Chuối và bởi nơi đó đã cho tôi những tình cảm của một gia đình, nơi có những người anh vượt qua sự trân quý đời thường, những người bạn, người em luôn song hành, đoàn kết, gắn bó với nhau dù đến nay mỗi người một tòa soạn.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm xuất bản ấn phẩm đầu tiên, tôi luôn hy vọng và mong mỏi Kinh tế nông thôn ngày càng vững mạnh và những lớp trẻ đi sau có thể nối tiếp truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước, đưa Kinh tế nông thôn hòa nhập trong dòng chảy 4.0 – một kênh thông tin hữu ích cho người dân trên cả nước.

Trường học làm báo đầu tiên của tôi

Tôi vốn là sinh viên ngành Ngôn ngữ học, không được học làm báo đúng nghĩa ngày nào, vì thế khi được người quen giới thiệu vào học việc ở Báo Kinh tế nông thôn, tôi vô cùng lúng túng và bối rối. Việc tác nghiệp ở một tòa soạn chẳng hề giống chút nào với việc tôi tập tọe viết bài khi còn ngồi trên giảng đường.

Nhà báo Nguyễn Minh Huệ.

Bản tin đầu tiên của tôi chỉ có vài trăm chữ, nhưng anh Phạm Đình Hải – khi đó là Trưởng phòng Phóng viên phải gạch đỏ choe choét. Anh gọi tôi lên tòa soạn, chỉ rõ từng câu, từng đoạn phải viết như thế nào, thông tin thu thập nên được sắp xếp ra sao... Tôi viết lại, anh vẫn chưa hài lòng, yêu cầu tôi phải sửa tiếp lần nữa mới được đăng.

Đâu chỉ mỗi bản tin đó “trót lọt”, rất nhiều bài báo khác tôi cũng bị anh Hải chê tơi bời về cách viết, cách xử lý thông tin, đến nỗi tôi có cảm giác mình bị anh ấy ghét, phân biệt đối xử. Tôi nhớ có lần đi xe máy lên tận huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) viết bài về gương hội viên Hội Làm vườn Hữu Lũng nuôi ong giỏi, nhưng bản thảo tôi nộp lên không nói rõ nhân vật nuôi bao nhiêu đàn ong, ảnh chụp nhân vật thì “rất không liên quan” tới câu chuyện. Tôi lại bị anh gọi lên mắng một hồi. Chả lẽ đi cả trăm km về mà bài báo bị vứt vào sọt rác? Tiếc công sức bỏ ra thì ít mà chán nản về bản thân thì nhiều, tôi nghĩ mình không hợp với nghề này tí nào…

Nhưng sau đó anh Hải gọi tôi và vài người nữa đi ăn cơm, tưởng rằng anh sẽ lôi chúng tôi ra giáo huấn, mắng mỏ. Nhưng hóa ra anh chỉ bảo: Nhiều người không được học đúng chuyên ngành, nhưng vì yêu nghề báo, vì đam mê nên tự học và vẫn rất thành công. Người được học vất vả 5, không được học vất vả 10. Làm bất cứ nghề gì cũng vậy, phải yêu, phải hăng say, lăn lộn mới trưởng thành được…

Anh bảo tôi chịu khó “bám càng” các đàn anh, đàn chị để học hỏi. Hồi đó, ở tòa soạn cùng lứa tuổi tôi có Tố Loan, Đức Thành, Thúy Nga, Ngô Lê Phương, Quán Tuấn, Hoàng Quỳnh, Văn Trường…, trên tôi vài tuổi có anh Trịnh Văn Tuyến, chị Dương Thu Hiên, chị Anh Thơ, chị Dương Thấn… Họ hầu hết là những người “chân trái” bước vào nghề báo nhưng mỗi người đều nỗ lực phát huy thế mạnh, tác nghiệp trên mọi mặt trận, không chỉ có nhiều bài báo xuất sắc mà còn mang về doanh thu cho báo.

Trên nữa có các anh Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập, anh Trần Nho Đức – Phó Tổng Biên tập, anh Lê Văn Thơm – Phó Tổng Biên tập, anh Nguyễn Mạnh Hưng – Trưởng phòng Phóng viên. Họ là 4 trụ cột của tờ báo, không chỉ phong độ mà còn rất gần gũi với cánh phóng viên chúng tôi, thường xuyên trao đổi, chia sẻ từ nghiệp vụ, tác phong làm việc cho tới ứng xử trong cuộc sống… Các anh rất bận rộn, nhưng hầu như năm nào cũng dành ra 1 dịp mời chúng tôi về nhà ăn bữa cơm tất niên cùng gia đình. Những lúc như thế, các anh không phải là “sếp” của chúng tôi nữa, mà như người anh trong gia đình…

Đó là niềm động viên giúp những người “chân trái” bước vào nghề như tôi có thêm động lực phấn đấu, dù tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn thử thách, 3-4 lần kí hợp đồng ngắn hạn mới được xếp vào diện chính thức. Trong suốt 7 năm làm việc tại Kinh tế nông thôn, chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu đám cưới, bao nhiêu người đến và đi. Nói như vậy để thấy ngôi nhà Kinh tế nông thôn là nơi chứa đựng tuổi trẻ, khát vọng, mơ ước của chúng tôi, và điều quan trọng, đáng mừng là chúng tôi ngày càng trưởng thành, trở thành những người làm báo tử tế.

Bây giờ, Kinh tế nông thôn ngày nào đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi luôn nhớ về địa chỉ 57 Hàng Chuối như ngôi trường làm báo đầu tiên của tôi và tin rằng, Kinh tế nông thôn sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, phát huy vai trò của mình đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.

 

Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top