Ngày 20/12, tại buổi họp báo quý IV/2024, ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đang xây dựng các kế hoạch cụ thể về việc sáp nhập các sở ngành.
Theo phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, bên cạnh việc sắp xếp các sở ngành, sáp nhập theo yêu cầu của Trung ương, Đà Nẵng sẽ tinh gọn tiếp các sở, ngành không nằm trong diện sáp nhập. Dự trù mỗi đơn vị sẽ tinh giảm từ 15 đến 20%.
Ông Cường cho biết, liên quan sắp xếp bộ máy hành chính, theo chủ trương chung của Trung ương, Đà Nẵng có 2 việc phải làm. Một là sắp xếp xã phường. Tỷ lệ số lượng xã phường ở Đà Nẵng không nhiều nên việc sắp xếp ở mức độ chỉ có điều chỉnh địa giới hành chính, tập trung ở quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê là chính.
Thứ hai là thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo yêu cầu của Bộ Chính trị. “Về sắp xếp sở ngành, tinh thần của Trung ương đã rõ. Quan điểm Trung ương không chờ tỉnh, tỉnh không chờ huyện, cơ sở, cứ vậy mà làm. Nhưng đồng thời bên dưới cũng phải nhìn lên trên, ít nhất các sở ngành phải tương đồng với các bộ. Trên nhập bao nhiêu thì ở địa phương cũng vậy”, ông Cường cho hay.
Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì buổi họp báo.
Theo ông Cường, trên tinh thần đó, Đà Nẵng bên cạnh sắp xếp các sở ngành, sáp nhập theo yêu cầu của Trung ương, sẽ tinh gọn tiếp các sở, ngành không nằm trong sáp nhập như: Sở Y tế, Sở Nội vụ, Thanh tra, Văn phòng uỷ ban… Tinh thần giảm 15-20% đầu mối, phòng ban. Những đơn vị sự nghiệp có chức năng trùng lặp khi sáp nhập cũng sẽ được tính toán.
“Chúng ta xác định đây là một cuộc cách mạng. Việc sáp nhập cũng tạo nhiều vấn đề cần giải quyết, bên cạnh việc tiết kiệm thời gian, đầu mối xử lý công việc, tinh gọn để bộ máy bớt cồng kềnh. Đà Nẵng sẽ quyết liệt làm, hoàn thành trong quý 1 năm 2025 về việc sắp xếp theo yêu cầu của Trung ương”, ông Cường nhấn mạnh.
Ông Cường cũng cho biết, hiện nay, Đà Nẵng đang xây dựng các kế hoạch cụ thể, giao các sở ngồi lại với nhau để bàn bạc, sắp xếp bộ máy sau khi sáp nhập như thế nào, với tinh thần rút gọn 15-20%. Các sở còn lại cũng ngồi rà soát lại, sắp xếp lại, tinh gọn lại; tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, các hội đoàn thể theo chủ trương.
“Đà Nẵng bám theo chủ trương của Trung ương để làm và làm một cách nghiêm túc, không phải làm qua loa, không phải làm cho xong”, ông Cường nói.
Về số lượng dôi dư, theo ông Cường, thành phố chưa xác định được. “Chúng ta đang làm khung, từ khung đó mới tính toán có lộ trình, có các chính sách mạnh để khuyến khích các cán bộ gần đến tuổi, còn ít tuổi hoặc những cán bộ cảm thấy mình không còn khả năng đáp ứng được nữa thì xin nghỉ sớm. Rồi quá trình đó, có những người nghỉ hưu, xin nghỉ sẽ tiếp tục tinh giảm thêm chứ không phải ngay một lúc là cắt bao nhiêu, vì liên quan đến con người, cuộc sống của từng cá nhân và cả gia đình phía sau”, ông Cường cho hay.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.