Ngoài việc kiểm tra kiểm soát và xử nghiêm những vụ việc các vụ vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, các địa phương còn đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang sắp đến gần.
Phát hiện và xử lý nhiều thực phẩm không đảm bảo an toàn
Ngày 24/01, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị vừa kiểm tra, phát hiện, thu giữ 2.169kg thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ tại một kho thực phẩm đông lạnh ở phường Nghĩa Phú, Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho đông lạnh không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ đối với 2.169kg thực phẩm đông lạnh trên và các thủ tục pháp lý kinh doanh thực phẩm đông lạnh theo quy định.
Một cơ sở sai phạm khác bị Đội QLTT số 4 thu giữ sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ.
Thực hiện kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023, dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Đội QLTT số 4 (TP. HCM) đã phối hợp với Công an Phường 5, Quận 3 tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh T.L trên đường Nguyễn Thượng Hiền.
Đoàn kiểm tra phát hiện: 230 kg mứt gừng dẻo, hàng hóa không ghi xuất xứ, không hạn sử dụng, không nhãn hàng hóa theo quy định, không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có hồ sơ chất lượng hàng hóa.
Tại Quận Phú Nhuận, Đội đã phối hợp với Công an Phường 8, tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh thuộc Hộ kinh doanh G.H trên đường Trương Quốc Dung và phát hiện tại đây đang kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn (ngũ cốc, táo khô, hạt điều, hạt óc chó), chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Đặc biệt, trên sản phẩm không có tài liệu liên quan đến chất lượng của hàng hóa kèm theo, gồm: 04 hộp ngũ cốc, loại 900gram/hộp, hạn sử dụng: 19/06/2025; 09 lọ táo khô; 12 lọ hạt điều; 13 lọ hạt óc chó. Tất cả số hàng hóa đều không nhãn hiệu, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, không ghi xuất xứ.
Kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại một cửa hàng trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu
Tại Đồng Nai, Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh vừa có báo cáo nhanh kết quả thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm dịp trước Tết Nguyên đán. qua kiểm tra tại hơn 1,3 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố/tổng số hơn 19,3 ngàn cơ sở toàn tỉnh có 95% cơ sở đạt các yêu cầu. Có 67 cơ sở được phát hiện có vi phạm, trong đó phần lớn là cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Kết quả xét nghiệm nhanh thực phẩm với các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm có 4/290 mẫu không đạt. Trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng đã ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 17 người bị.
Các đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 cơ sở với số tiền 46,5 triệu đồng. Đồng thời tiến hành nhắc nhở các cơ sở chấn chỉnh, không vi phạm; giao cho địa phương xử lý 4 cơ sở.
Để bảo đảm nguồn thực phẩm, nông sản đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới đây, nhiều địa phương đã chủ động trong việc cung cấp sản phẩm nông sản an toàn ra thị trường.
Đảm bảo nguồn cung nông sản dồi dào, phong phú
Nhận định về việc chuẩn bị nguồn cung, bảo đảm an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản dịp Tết Giáp Thìn 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của hơn 10 triệu người dân cư trú trên địa bàn Thủ đô thường tăng khoảng 10 - 15%.
Nguồn cung nông sản dồi dào tại Siêu thị BigC Long Biên (Hà Nội). Ảnh: Nam Khánh
Với nhu cầu tiêu thụ trên, khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với 2 nhóm sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm. Đối với các nông sản thực phẩm khác, khả năng tự đáp ứng đạt khoảng 20 - 70%.
Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.
Đặc biệt, thực hiện chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 100% các chuỗi cung cấp thực phẩm từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương.
Liên quan về về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn, Sở Công thương Hà Nội cũng thông tin thêm, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023.
Sở đã xác định các nhóm hàng cần đảm bảo cung cầu trong dịp tết gồm các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến; rau củ, trái cây tươi. Bên cạnh đó, các mặt hàng có nhu cầu cao được xác định, gồm: nông, lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, TP. Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân, do đó, thường xuyên đôn đốc các sở ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn 2024, hiện nay sở đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh, thời tiết. Từ đó, đánh giá năng lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), khẳng định qua kiểm tra thực tế sản xuất nông nghiệp của Hà Nội, nhìn chung khả năng cung ứng thị trường tết bao gồm thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau… tương đối dồi dào. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi liên kết để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong dịp tết.
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán là rất cao, do đó nhiều cơ sở sản xuất đã bất chấp sự an toàn về sức khỏe của người, đã sử dụng thực phẩm không đảm bảo để chế biến thành những sản phẩm tiêu thụ trong dịp này. Vì thế việc kiểm tra xử lý các cơ sở này lá rất cần thiết, đồng thời chuẩn bị đủ nguồn cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng là hết sức quan trọng, vừa đảm bảo ổn định giá cả, vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân.
Theo báo Hà nội mới, Báo Đắk Nông, Báo Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.