Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2023 | 11:31

Để hình thành thị trường tín chỉ carbon: Sớm hoàn thiện khung pháp lý

Với 14,7 triệu hecta rừng, độ che phủ ở mức 42%, nước ta có nhiều thuận lợi và đang triển khai nhiều chương trình để đẩy nhanh thực hiện chuyển nhượng carbon rừng. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế, chứng tỏ cần đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý cho thị trường mới này.

Nhiều lợi thế

Tín chỉ carbon được hiểu như là một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu được quyền thải khí carbon dioxide hoặc khí thải nhà kính khác. Mỗi một tín chỉ carbon được tính bằng 1 tấn CO2 (cho phép phát thải 1 tấn carbon dioxide hoặc quy đổi tương đương từ các loại khí nhà kính khác như khí CH4, NO2).

Đối tượng mua bán tín chỉ carbon là các nhà máy, công ty sản xuất có thải ra không khí một lượng khí CO2 nhất định; nếu vượt quá mức quy định, họ phải mua thêm tín chỉ carbon. Ngược lại, doanh nghiệp phát sinh lượng phát thải thực tế thấp hơn mức giới hạn, doanh nghiệp đó có thể bán phần tín chỉ carbon chưa sử dụng cho doanh nghiệp khác có phát thải vượt quá mức giới hạn.

Nói cách dễ hiểu hơn, thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỷ USD.

Tại Việt Nam, với 14,7 triệu hecta rừng, độ che phủ khá cao so với thế giới, khoảng 42%, trong khi trung bình thế giới khoảng 31%. Vì vậy, ngành lâm nghiệp nước ta đang nắm trong tay lượng tín chỉ carbon khổng lồ. Với giá đã từng chuyển nhượng là 5 USD/tấn carbon, Việt Nam có thể thu về 200 triệu USD/năm.

Khẳng định tiềm năng rất lớn của thị trường carbon tại Việt Nam, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho hay, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì quốc gia có rừng trên thế giới không nhiều.

Trồng và bảo vệ rừng, tiền đề để phát triển bền vững.

“Việt Nam có 3/4 đất đai là rừng và đất rừng. Lâu nay chúng ta bỏ nhiều diện tích đất trồng rừng để trồng sắn, cà phê và nhiều loại cây khác, như keo, tràm…, bình quân thu nhập tương đương hơn 3.000 USD/ha/năm. Nhưng nếu làm giảm phát thải carbon có thể đạt 150 tấn carbon/ha, tương đương 6.000 USD/ha/năm”, ông Nghĩa tính toán.

Quảng Nam được Chính phủ đồng ý lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon (CO2) rừng với thời gian thí điểm 5 năm (2021-2025). Theo đề án, UBND tỉnh Quảng Nam dự tính xuất khẩu 5,2 triệu tín chỉ carbon rừng trong giai đoạn 2021-2025. Giá bán thấp nhất 5 USD/tấn CO2, mang lại cho  Quảng Nam 110-130 tỷ đồng/năm, cao hơn nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, bằng 2-2,5 lần đầu tư ngân sách hàng năm của Trung ương và địa phương vào lâm nghiệp.

Cùng với Quảng Nam, nhiều địa phương khác cũng đang đi theo hướng bán tín chỉ carbon và đã xác định hoàn toàn có “hàng hóa CO2” từ rừng đem bán. Theo đó, Tuyên Quang đứng đầu cả nước về độ che phủ rừng. Mỗi năm có khoảng 4 triệu tín chỉ carbon để bán, người mua cũng không thiếu.

Cần hoàn thiện sớm khung pháp lý

Trên tực tế, bán tín chỉ carbon thực chất là bán không khí, thu kinh phí. Vì vậy, để tín chỉ carbon rừng của Việt Nam sớm được giao dịch trên sàn giao dịch quốc tế, việc xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện, đủ các cơ chế về chính sách, kỹ thuật, con người là điều kiện cần hiện nay.

Mặc dù lợi ích từ việc bán tín chỉ carbon là rất rõ ràng, tuy nhiên, quá trình hình thành thị trường carbon và phát hành tín chỉ vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài muốn mua tín chỉ carbon tại Việt Nam nhưng gặp không ít trở ngại. Tất cả là do chúng ta chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Theo đó, quyền bán - quyền mua không biết phải triển khai như thế nào?

Ông Vũ Tuấn Phương, Giám đốc văn phòng chứng chỉ rừng bền vững (VFCO), cho rằng: “Chúng ta phải có khung pháp lý quy định đầy đủ giữa các bên, có thể trao đổi với nhau phải giảm phát thải, bên nào có thể thực hiện cung cấp dịch vụ tín chỉ carbon cho bên nhu cầu giảm phát thải. Thứ hai, chúng ta cần có một năng lực nhất định để thực hiện các hoạt động báo cáo, thẩm định, giám sát. Thứ ba, tất cả các cơ sở dữ liệu phải minh bạch”.

Để thay đổi thực tế trên, Cục Lâm nghiệp đang tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156. Trong đó có nội dung về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Khi Nghị định sửa đổi, bổ sung được ban hành, sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý trong việc thực hiện chuyển nhượng trao đổi carbon rừng.

“Việc đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Việc tạo ra quy định sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Nếu không có công cụ, chính sách, chúng ta khó có thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Phương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, mặc dù nội dung carbon rừng đã được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, vấn đề chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng vẫn thiếu những quy định cụ thể để có thể thúc đẩy các tiến trình đàm phán thương mại. Để khắc phục bất cập này, trước tiên cần nhận diện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, từ đó có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp.

Trước tiên, cần quy định carbon là một loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt của rừng và gắn với quyền sở hữu. Trên cơ sở đó, định hình thị trường carbon rừng tại Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại hóa carbon trong thời gian tới. Về quy định quản lý nhà nước đối với carbon rừng, cần bổ sung quy định carbon rừng là một trong các chỉ tiêu điều tra, kiểm kê, theo dõi diễn biến rừng theo giai đoạn, hằng năm.

Trên thực tế, thị trường tín chỉ carbon rừng mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu tại Việt Nam và vẫn còn những lúng túng nhất định khi triển khai. Do vậy, song song với việc hoàn thiện khung pháp lý, các cơ quan ban ngành cần đưa ra nhiều kế hoạch nhằm bảo tồn, phục hồi diện tích rừng đã mất nhằm tăng trữ lượng carbon rừng trên địa bàn. Cùng với đó, mở rộng diện tích rừng,   thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống, sinh kế người dân sống phụ thuộc vào rừng và giữ rừng ngày một tốt hơn.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top