Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 10 năm 2022 | 9:49

Điểm tựa vững chắc cho người nghèo

Trong nhiều năm qua, tín dụng chính sách của Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Gia Lai có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

Gia Lai hiện có trên 46% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới gần 90%, do tư duy làm ăn thiếu căn cơ cộng với thiếu vốn sản xuất nên rất khó thoát nghèo.

Trước thực tế này, tỉnh Gia Lai đã huy động mọi nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Gia Lai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hằng năm trên 3% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025.

Gia đình ông Kpuih Tít ở làng Lung Prông (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là một trong những hộ được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Năm 2017, gia đình ông đăng ký vay vốn chương trình hộ cận nghèo của NHCSXH huyện với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư trồng 800 cây cà phê. Chỉ 2 năm sau, gia đình ông đã trả hết nợ vay và  thoát nghèo.

Với quyết tâm thoát nghèo bền vững, năm 2020, gia đình ông tiếp tục vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Đức Cơ để trồng 400 cây điều và chăm sóc vườn cà phê. Ông Kpuih Tít chia sẻ: “Vốn vay ngân hàng đều được gia đình sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Cây cà phê, cây điều phát triển tốt, cho sản lượng ổn định, tạo nguồn thu để gia đình trả nợ đúng hạn”.

Anh Hoàng Tuấn Thành ở thôn Tân Tiến (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cho biết: “Nguồn sinh kế của gia đình chủ yếu từ 6 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) cà phê và 2 sào cam, na Thái. Muốn vườn cây có năng suất, chất lượng cao, cho thu nhập đều đặn thì phải đầu tư chăm sóc bài bản. Từ năm 2018 đến nay, nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện để đầu tư chăm sóc vườn cây, gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn. Vừa qua, tôi tiếp tục vay 40 triệu đồng để đầu tư vào sản xuất”.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất hướng đến làm giàu chính đáng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao.

Anh A Nhok ở Làng Tpôn (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) vui mừng cho biết, cơ hội thoát nghèo đến với gia đình anh khi được chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống sinh sản. Có được điều kiện sản xuất, gia đình anh đã nỗ lực đầu tư chăm sóc và đến giờ đã cho thành quả với 3 lứa bò con. Bên cạnh đó, gia đình anh còn được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư mở rộng thêm 2 ha đất trồng mì (sắn) và cỏ. Có nguồn thu nhập nên hiện tại gia đình anh đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê Nguyễn Hữu Tỵ chia sẻ: Để giúp nông dân có vốn phát triển sản xuất, Hội Nông dân đã tích cực phối hợp ủy thác NHCSXH. Qua 20 năm thực hiện ủy thác cho vay, đến nay, tổng dư nợ do Hội Nông dân quản lý là 122,1 tỷ đồng, chiếm trên 35% tổng dư nợ ủy thác với 4.335 hộ vay, tăng 111,4 tỷ đồng so với năm 2010. Nguồn vốn ủy thác này đã góp phần giúp hội viên nông dân trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Bệ đỡ giúp người nghèo có vốn làm ăn và vươn lên làm chủ cuộc sống

Qua 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả ấn tượng. Từ 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm thì sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78, Chi nhánh đã triển khai 17 chương trình tín dụng với doanh số cho vay đạt 16.848 tỷ đồng với 783.512 lượt khách hàng vay vốn.

Nhờ có nguồn vốn từ NHCS mà gia đình anh A Nhok ở làng Tpôn (xã Yang Nam, huyện Kông Chro) đã thoát nghèo.

Tổng dư nợ đến ngày 31/8/2022 đạt 5.797 tỷ đồng, tăng 5.711 tỷ đồng so với năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25,3%, với 146.447 hộ còn dư nợ. Riêng dư nợ cho vay đối với hộ đồng bào DTTS đạt 2.978 tỷ đồng (chiếm 51,4% tổng dư nợ) với 87.573 hộ vay vốn.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở.  Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt NHCSXH các huyện, thị xã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tích cực rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thu hồi các khoản nợ tồn đọng. Nhờ đó, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố và nâng cao.

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai Lê Văn Chí cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã giúp hơn 225.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và vươn lên thoát nghèo bền vững; thu hút và giải quyết cho 35.000 lao động có việc làm ổn định; trong đó, có 666 đối tượng chính sách được đi xuất khẩu lao động và làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 64.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng 14.000 căn nhà để ở cho hộ nghèo và gần 230 căn nhà cho người có thu nhập thấp.

Cùng với đó, nguồn vốn chính sách còn giúp an sinh xã hội vùng sâu, vùng xa như: xây dựng hơn 200.000 công trình NS&VSMTNT. Đồng thời, giúp hơn 125.000 hộ SXKD, thương nhân tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào SXKD, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, từ nguồn vốn chính sách xã hội địa phương cũng đã giúp 68 đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho hơn 1.000 lao động vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa qua.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng giai đoạn, giảm từ gần 20% năm 2002 xuống còn 14,32% năm 2010 và chỉ còn 5,38% vào cuối năm 2020. Điều này cho thấy, vị thế và vai trò của NHCSXH ngày càng được khẳng định là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Gia Lai hiện chỉ còn dưới 4% tỷ lệ hộ nghèo, đây là kết quả đáng khích lệ, mang lại từ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, song song với việc chuyển giao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến tận tay người nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được khẳng định là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây cũng chính là bệ đỡ tinh thần giúp người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số có thể vươn lên làm chủ cuộc sống.

Thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để mở rộng cho vay, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.          

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
Top