Khóm (hay thơm, dứa) chứa nhiều loại vitamin và vi chất dinh dưỡng quan trọng - bao gồm vitamin C, magiê, mangan và folate, nhưng lại có hàm lượng calo và chất béo thấp.
Nhờ vậy, loại trái cây có vị thơm ngọt và mọng nước này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng, đã được khoa học chứng minh như sau:
+ Tăng cường sức khỏe tiêu hóa. Lợi ích này là do khóm chứa bromelain. Chuyên gia dinh dưỡng Mỹ Bess Berger cho biết bromelain là một enzyme tiêu hóa giúp phân hủy thức ăn, đặc biệt là chất đạm, cũng như hỗ trợ tiêu hóa các dưỡng chất. Còn theo chuyên gia dinh dưỡng Rachel Fine - người sáng lập tổ chức cố vấn dinh dưỡng To The Pointe Nutrition (Mỹ), bromelain và hàm lượng cao chất xơ của khóm là sự kết hợp tuyệt vời giúp hỗ trợ tiêu hóa. “Bromelain là enzyme tiêu hóa trong khi chất xơ thì trì hoãn quá trình hấp thụ đường, giúp mức đường huyết tăng ổn định hơn và duy trì năng lượng giữa các bữa ăn chính và bữa ăn nhẹ” - Fine giải thích.
+ Giảm viêm khớp. Tình trạng khớp xương bị viêm và sưng là bệnh mãn tính thường gặp ở người lớn tuổi, trong đó, việc điều trị chủ yếu nhắm tới giảm nhẹ cảm giác đau đớn và khó chịu. Điều thú vị là enzyme bromelain trong trái khóm được phát hiện là giúp giảm đau do viêm khớp. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Clinical Rheumatology, bệnh nhân viêm khớp uống bổ sung bromelain đã giảm đáng kể triệu chứng đau chỉ sau 1,5 tháng.
+ Tăng cường lượng vitamin C nạp vào cơ thể. Nhiều người chọn uống nước ép cam hoặc ăn cam nguyên trái để bổ sung vitamin C. Trên thực tế, 1 chén khóm cung cấp hàm lượng vitamin C còn nhiều hơn 1 trái cam cỡ vừa - vào khoảng 79mg so với 69mg và gần bằng 1 ly nước ép cam (96mg). Được biết, hàm lượng vitamin C được khuyến nghị bổ sung hằng ngày là 75mg đối với phụ nữ và 90mg đối với nam giới.
+ Củng cố hệ miễn dịch. Nhờ dồi dào vitamin và dưỡng chất có lợi, khóm có thể giúp cơ thể phòng chống cảm lạnh hoặc bệnh khác. Chuyên gia sức khỏe Trista Best cho biết: “Khóm có ích trong điều trị cảm lạnh và ho, nhờ bromelain có đặc tính kháng viêm và làm tan đờm. Tính chất tiêu đờm của bromelain giúp phá vỡ và loại bỏ hoàn toàn dịch nhầy - một nguyên nhân gây ho. Ngoài ra, hàm lượng vitamin C trong khóm cũng có thể giúp giữ cho hệ miễn dịch luôn khỏe mạnh.
+ Hỗ trợ giảm cân. Vị ngọt tự nhiên của khóm giúp thỏa mãn cơn thèm đồ ngọt, mà lại không cung cấp quá nhiều calo hoặc đường. Hơn nữa, loại trái này cũng chứa hàm lượng chất xơ cao nên có thể được xem là món ăn nhẹ hoàn hảo cho những người muốn giảm cân. Một chén khóm chỉ chứa 82 calo, chưa tới 1gr chất béo, 2gr chất xơ và 16gr đường tự nhiên. “Nhờ chứa hàm lượng cao chất xơ, vitamin, khoáng chất và nước, khóm có thể giúp bạn cảm thấy no và là lựa chọn tuyệt vời cho một bữa ăn nhẹ lành mạnh” - chuyên gia Jesse Feder nhận xét.
+ Bổ sung chất chống ôxy hóa. Cũng giống như cải xoăn, các loại quả mọng, trái cây họ cam quýt..., khóm rất giàu flavonoid - chất chống ôxy hóa có lợi ích kháng viêm, chống virus và phòng ngừa tổn thương do ôxy hóa. Trong một đánh giá được công bố trên Tạp chí Foods, flavonoid trong khóm được ví là “chất chống ôxy hóa liên kết”, nghĩa là nó tạo ra tác dụng có ích kéo dài hơn cả các chất chống ôxy hóa thông thường khác.
+ Cung cấp một lượng lớn mangan vô cùng bổ ích. Mangan là một vi chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe xương, giúp cân bằng đường huyết và phòng ngừa bệnh tật. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy dùng kết hợp mangan với kẽm, đồng và magiê sẽ góp phần cải thiện sức khỏe xương và giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cơ thể cũng cần mangan để phân hủy đường trong máu. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng mangan thấp hơn có liên quan đến việc khởi phát bệnh tiểu đường. Ngoài ra, mangan cũng là một chất chống ôxy hóa mạnh được chứng minh là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách chống lại tác hại của các gốc tự do.
Thông thường, một chén khóm chứa 1,5mg mangan, đồng nghĩa ăn trái này giúp chúng ta dễ dàng dung nạp đủ lượng mangan mà cơ thể cần bổ sung hằng ngày là 2,3mg.