Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vừa được cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), dự thảo Nghị định có tính khả thi nhưng nên xem xét bổ sung một số chính sách cho phù hợp thực tiễn.
Cần bổ sung chính sách bồi thường về đất ưu đãi hơn đối với người dân
Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định, HoREA đã có Văn bản số 52/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp. Trong đó, Hiệp hội nhấn mạnh dự thảo Nghị định có tính khả thi, đáp ứng được tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, HoREA đề nghị bổ sung một số chính sách bồi thường về đất ưu đãi hơn đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống trước ngày 01/07/2014 tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 9, dự thảo Nghị định.
Dự thảo Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất kỳ vọng sẽ đáp ứng được tình hình thực tiễn. Trong ảnh: Dự án tái định cư D2D xã Lộc An (Long Thành - Đồng Nai).
Cụ thể, ngoài các chính sách hỗ trợ về ổn định đời sống, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, cần bố trí tái định cư cho người tự nguyện tặng cho Nhà nước quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ trên, HoREA nhận thấy, tại Điều 9 của dự thảo Nghị định đối với “hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở trước ngày 01/07/2014 tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất” cũng chỉ được bồi thường về đất tương tự như đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống trước ngày 01/07/2014 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất tại các địa phương bình thường quy định tại Điều 8 của dự thảo Nghị định.
Theo quy định chưa có chính sách bồi thường về đất ưu đãi hơn đối với các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống hoặc đất nông nghiệp hoặc đất ở tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Vì thế, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 9 dự thảo Nghị định bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống trước ngày 01/7/2014 tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn mà không có giấy tờ quyền sử dụng đất theo hướng:
Đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống hoặc đất nông nghiệp hoặc đất ở đã được sử dụng ổn định trước ngày 18/12/1980 thì được bồi thường về đất theo quy định tại khoản 1, Điều 8, Nghị định này.
Đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống hoặc đất nông nghiệp hoặc đất ở đã được sử dụng ổn định từ ngày 18 /12/1980 đến trước ngày 15/10/1993 thì được bồi thường về đất theo quy định tại khoản 2, Điều 8, Nghị định này.
Cùng với đó, đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống hoặc đất nông nghiệp hoặc đất ở đã được sử dụng ổn định từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2014 thì được bồi thường về đất theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Nghị định này.
Ngoài ra, HoREA kiến nghị UBND cấp tỉnh xem xét, trình HĐND cùng cấp quyết định chính sách đặc thù về bồi thường ưu đãi hơn đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống hoặc đất nông nghiệp hoặc đất ở trước ngày 01/07/2014 tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Quy định “bố trí tái định cư” phù hợp thực tế
Tại Điều 28 của dự thảo Nghị định, HoREA nhận thấy tại khoản 8, Điều 111, Luật Đất đai 2024 quy định: “Trường hợp người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở và được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư nhưng tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu”.
Tại văn bản này, HoREA thống nhất quy định chi tiết về bố trí tái định cư có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, suất tái định cư tối thiểu quy định tại khoản 8, Điều 111 của Luật Đất đai như:
Suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở hoặc bằng nhà ở hoặc bằng tiền để phù hợp với việc lựa chọn của người được bố trí tái định cư.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng đất ở, nhà ở thì diện tích đất ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại địa phương và diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp suất tái định cư tối thiểu được quy định bằng nhà ở thì diện tích nhà ở tái định cư không nhỏ hơn diện tích căn hộ tối thiểu theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Ngoài ra, suất tái định cư tối thiểu được tính bằng tiền thì khoản tiền cho suất tái định cư tối thiểu tương đương với giá trị một suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, nhà ở tại nơi bố trí tái định cư.
Cùng với đó, theo quy định tại các khoản 1, 2 của Điều này và tình hình cụ thể của địa phương, UBND cấp tỉnh quy định suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, bằng nhà ở và bằng tiền.
Đối với trường hợp thực hiện các dự án giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải thu hồi đất ở trong thửa đất có nhà ở mà người có đất thu hồi có nhu cầu tái định cư tại chỗ thông qua hoán đổi vị trí đất ở về phía sau trong phần diện tích đất nông nghiệp còn lại của thửa đất sau thu hồi thì việc bố trí tái định cư trong trường hợp này được thực hiện theo hướng:
Bố trí tái định cư tại chỗ trên cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất nông nghiệp sang đất ở trong hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2, Điều 195 và khoản 2, Điều 196 của Luật Đất đai.
Miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở khi bố trí tái định cư quy định tại điểm a khoản này trong trường hợp người có đất thu hồi đồng ý phương án bồi thường về đất nông nghiệp đối với phần diện tích đất bị thu hồi.
Trường hợp thực hiện các dự án giao thông, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải thu hồi đất ở trong thửa đất có nhà ở mà người có đất thu hồi đã tự nguyện tặng cho Nhà nước quyền sử dụng đất nêu trên, đồng thời có nhu cầu tái định cư tại chỗ thông qua hoán đổi vị trí đất ở về phía sau trong phần diện tích đất nông nghiệp còn lại của thửa đất thì việc bố trí tái định cư trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này và được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.