Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến hai nhóm góp ý để xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản về đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin về đất đai.
Đo đạc lập bản đồ địa chính đảm bảo tính thống nhất
Theo HoREA, trong Điều 3 của Dự thảo Nghị định quy định: “Việc đo đạc lập bản đồ địa chính phải bảo đảm các nguyên tắc như thống nhất trong bộ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
Tuy nhiên, HoREA góp ý, cần sửa đổi bổ sung do nếu đảm bảo tính thống nhất trong bộ quy chiếu và hệ toạ độ quốc gia VN-2000 sẽ không đảm bảo tính ổn định của quy phạm pháp luật. Bởi lẽ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 83/2000/QĐ-TTg ngày 12/07/2000 quy định về “sử dụng Hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia Việt Nam” với “Tên Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia mới: VN-2000” thay thế “Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ Hà Nội - 72 đang sử dụng”.
Do vậy, không loại trừ khả năng “Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000” có thể bị bãi bỏ hoặc thay thế tại một thời điểm nào đó nên không cần thiết quy định cụ thể “Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000”, mà chỉ nên quy định “Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
Hiệp hội nhận thấy, điểm b khoản 2 Điều 8 Dự thảo nghị định quy định thực hiện “trích đo bản đồ địa chính khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin liên quan đến thửa đất”, nhưng chưa quy định thực hiện đối với “khu đất” nên cần bổ sung vào điểm b này để giải quyết nhu cầu của tổ chức, cá nhân, nhất là nhu cầu của các nhà đầu tư.
Mặt khác, tại điểm đ, khoản 2, Điều 4 của Dự thảo Nghị định quy định: “Hoạt động đo đạc lập bản đồ địa chính gồm: đ) Số hóa, chuyển hệ tọa độ bản đồ địa chính thực hiện ở những khu vực chỉ có bản đồ địa chính giấy lập trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ HN-72 nay chuyển thành bản đồ địa chính số trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia VN-2000 (sau đây gọi là hệ VN -2000) theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 3 của Nghị định này” cần được sửa đổi bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Nguyên nhân được đưa ra, do cụm từ Hệ quy chiếu và Hệ toạ độ quốc gia VN-2000 không chính xác, sau Điều 4 của Dự thảo Nghị định không còn điều, khoản nào sử dụng cụm từ này.
HoREA vừa gửi văn bản góp ý bổ sung hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản về đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin về đất đai.
Các trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận
Trong Dự thảo Nghị định, tại điểm a, khoản 1, Điều 38 quy định về các trường hợp được cấp đổi Giấy chứng nhận như người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 01/8/2023 sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định này được HoREA góp ý để sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, Hiệp hội nhận thấy, điểm a, khoản 1, Điều 38 Dự thảo Nghị định chỉ quy định “cấp đổi Giấy chứng nhận” đối với người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 1/8/2023, nhưng lại chưa tính đến nhu cầu “cấp đổi Giấy chứng nhận” của người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận sau thời điểm 01/8/2024 theo quy định của Luật Đất đai 2024 và Nghị định này, cũng có nhu cầu “cấp đổi Giấy chứng nhận” với nhiều lý do khác nhau mà Nhà nước phải đáp ứng.
Liên quan vấn đề này, tại điểm a, khoản 1 và khoản 2, Điều 41 Dự thảo Nghị định quy định: Trình tự, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật (nền nhà) trong dự án bất động sản có:
Văn bản của cơ quan có thẩm quyền quản lý về nhà ở, công trình xây dựng xác nhận nhà ở, công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật (nền nhà) trong dự án đủ điều kiện đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng….
Trường hợp người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng trực tiếp thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận thì nộp hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1, Điều 21 của Nghị định này, trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ thì chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng gửi bản sao Biên nhận đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận của cơ quan tiếp nhận hồ sơ có công chứng hoặc chứng thực thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm nộp các giấy tờ theo quy định cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Vấn đề này, HoREA đề nghị bổ sung “Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai” để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 21 của Dự thảo Nghị định.
Mặt khác, Hiệp hội cho rằng, cần bổ sung quy định: Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng gửi bản sao Biên nhận đã nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận của cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định có công chứng, chứng thực thì chủ đầu tư dự án có trách nhiệm nộp các giấy tờ theo quy định cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định pháp luật.
Vấn đề này nhằm xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án phải cung cấp hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày khách hàng gửi bản sao Biên nhận đã nộp hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ có công chứng, chứng thực, để không xảy ra tình trạng chủ đầu tư dự án cố tình chây ỳ, không hỗ trợ khách hàng trong trường hợp khách hàng tự mình đi làm Giấy chứng nhận.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.