Nông nghiệp xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã giúp nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Nông nghiệp Thanh Hóa tập trung tích tụ đất đai phát triển theo hướng quy mô lớn.
Nhiều mô hình nông nghiệp doanh thu hàng tỷ đồng
Thực hiện Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 7/11/2022 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Tại các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa... nhiều mô hình sản xuất rau, dưa vàng, dưa lưới, hoa an toàn, ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu từ 2,5 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng đến 700 triệu đồng/ha/năm. Đây là những mô hình nông nghiệp hiện đại, được lắp đặt hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động...
Ông Nguyễn Văn Điều ở thôn Bắc Trung, xã Nga Thành (Nga Sơn) cho biết, gia đình đầu tư gần 6.000m2 nhà màng và lắp đặt các hệ thống tưới tự động để sản xuất dưa các loại. Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, ông áp dụng công thức luân canh 3 vụ dưa vàng và 1 vụ hoa/năm ứng dụng công nghệ cao. Sản xuất trong nhà lưới hoàn toàn chủ động được thời vụ, tránh được thời tiết cực đoan như giá rét, nắng nóng ảnh hưởng đến cây trồng, lại hầu như không có sâu bệnh. Theo tính toán của ông Điều, mô hình canh tác đã cho doanh thu 3 đến 3,5 tỷ đồng/ha/năm và lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang cho doanh thu cao.
Chị Phạm Thị Thu, xã Cát Vân, huyện Như Xuân chia sẻ, Mắc-ca là loại cây trồng mới được đưa về trồng tại vùng đồi của huyện, những năm gần đây cho hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đầu năm 2020, gia đình chị đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để mua cây giống mắc-ca về trồng thử nghiệm, xen canh với trồng sắn, ổi, mít... theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Sau 4 năm, cây mắc-ca đã cho thu hoạch, với năng suất khoảng 3,5 tấn/ha. Nhận thấy loại cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chị tiếp tục mở rộng diện tích lên 3,5ha và đầu tư hệ thống máy sấy khô hạt. Sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong tỉnh và trên mạng xã hội; doanh thu đạt khoảng 900 triệu đồng/năm.
Hay mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng nước lợ trong bể xi măng, trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng công nghệ thâm canh, siêu thâm canh theo hướng công nghệ cao cũng đang phát triển tại các huyện Hậu Lộc với diện tích gần 34 ha, Hoằng Hóa gần 80 ha, Nga Sơn 12 ha. Bình quân mỗi vụ nuôi cho năng suất đạt 32 tấn/ha, doanh thu đạt 3,5 đến 4 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới chủ động kiểm soát được các yếu tố điều kiện nuôi, một năm có thể nuôi 3 vụ tôm, hiệu quả kinh tế cao gấp 8 - 10 lần nuôi quảng canh.
Khó khăn vướng mắc
Mặc dù, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn hạn chế về quy mô, đối tượng áp dụng, tỷ lệ chưa tương xứng trong tổng quy mô sản xuất nông nghiệp, cũng như tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thanh Hóa.
Hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập, tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tư duy sản xuất nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn; thiếu doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Chất lượng dịch vụ của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chưa cao nên việc bảo quản, chế biến, chế biến sâu còn hạn chế làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Thiên, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại nông nghiệp CNC Thiên Trường 36 (Đông Sơn) cho biết, là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, nhận thấy việc ứng dụng CNC đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, để xây dựng được vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, đòi hỏi phải tích tụ, tập trung được diện tích đất đủ lớn và đội ngũ người sản xuất có trình độ, đam mê với nông nghiệp. Đồng thời, phải có được doanh nghiệp đầu tàu để dẫn dắt, hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng CNC.
“Tuy đã nhận diện được những khó khăn và đầu tư hàng chục tỉ đồng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, song công ty chưa thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh” – Ông Thiên nói.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn hạn chế về quy mô, tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tư duy sản xuất nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn chưa tương xứng trong tổng quy mô sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND ngày 16/10/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa mới chỉ giới hạn ở đất được thuê quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân khác được nhà nước giao đất lâu dài. Điều này tạo vướng mắc cho chủ đầu tư muốn tích tụ được diện tích đủ để được hưởng chính sách. Đồng thời, tâm lý bám đất, sợ mất đất của bà con nông dân cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong quá trình tích tụ.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện Nghị quyết còn gặp nhiều vướng mắc do chưa có hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện.
Tập trung tích tụ đất đai
Để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 13 đã đề ra, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy vai trò chủ thể của người dân và doanh nghiệp trong phát triển sản xuất nông nghiệp; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao...
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa, để thực hiện có hiệu quả chính sách tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao như đã đề ra, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra các giải pháp cụ thể, mang tính bền vững. Trong đó, công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh, giải quyết tốt tâm lý hoài nghi bị mất đất, giữ đất của một bộ phận nông dân dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất không hiệu quả song vẫn không chuyển nhượng, cho thuê đất. Tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình tích tụ, tập trung đất đai thí điểm. Huy động nguồn lực đầu tư; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp và hộ nông dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.
Các doanh nghiệp thực hiện tích tụ tập trung đất bằng cách thuê, thầu và hợp tác để nông dân địa phương góp đất sản xuất.
Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đạt 3.500 ha diện tích sản xuất quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn công nghệ cao. Trong đó, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ số, thông minh đạt 1.000 ha trở lên, giá trị canh tác đạt từ 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Trong nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đạt tiêu chuẩn công nghệ cao từ 60 ha trở lên, giá trị sản xuất đạt 700 tỷ đồng. Có 340 tàu cá khai thác xa bờ công suất lớn, ứng dụng các thiết bị công nghệ cao, sản lượng khai thác ước đạt 27.000 tấn.
Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, để đạt được kết quả trên, ngành nông nghiệp và các địa phương cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các mô hình cụ thể, điển hình tiên tiến trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó tạo động lực cho doanh nghiệp, HTX và người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trong trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả đã được khẳng định ở các địa phương trong tỉnh.
Cùng với đó, tập trung rà soát, lồng ghép các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM để hoàn thiện hạ tầng về thủy lợi, điện, giao thông nội đồng... phục vụ cho các vùng sản xuất tập trung ở các địa phương trong tỉnh. Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh đã ban hành đang còn hiệu lực trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.