Các đại biểu đề nghị đánh giá thêm về tình hình thực hiện các dự án nhà ở thương mại hiện nay để có chính sách thí điểm đúng, trúng, qua đó, tháo gỡ khó khăn, ngăn chặn tình trạng thu gom, đầu cơ đất.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Nghị quyết nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.” Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính, hạn chế việc Nhà nước thu hồi đất dễ dẫn đến khiếu kiện của người dân...
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết; đề nghị Chính phủ đánh giá chi tiết, toàn diện thực tiễn phát triển nhà ở thương mại, hiệu quả của việc sử dụng quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá thực trạng của việc mua gom, đầu cơ đất đai; giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực của việc thí điểm.
Về tên gọi của Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, có 3 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, Nghị quyết này chỉ quy định thí điểm về trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; vì vậy, tên Nghị quyết phải là “Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất không phải đất ở.”
Loại ý kiến thứ hai đồng tình với tên gọi do Chính phủ đề xuất tại Tờ trình.
Loại ý kiến thứ ba cho rằng, nghị quyết này chỉ thực hiện thí điểm đối với hai nội dung là loại đất và thủ tục thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, do đó đề nghị tên Nghị quyết là “Nghị quyết thí điểm về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.”
Nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với loại ý kiến thứ nhất.
Về tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm (Điều 3), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ cơ sở của việc đưa ra tiêu chí không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch; nguyên tắc thực hiện đối với trường hợp có nhiều dự án đề nghị thí điểm, đặc biệt tại một số địa phương có nhiều dự án đang vướng mắc (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh).
Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án thí điểm, trong đó lưu ý về thứ tự ưu tiên lựa chọn thí điểm và tiêu chí dự án.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân.
Các đại biểu đề nghị đánh giá thêm về tình hình thực hiện các dự án nhà ở thương mại hiện nay như thế nào, vướng mắc chủ yếu ở những địa phương nào và tính chất vướng mắc là gì để có chính sách thí điểm đúng, trúng, qua đó, tháo gỡ khó khăn, đồng thời ngăn chặn tình trạng thu gom, đầu cơ đất đai để “chạy quy hoạch,” phòng ngừa cơ chế “xin-cho” sau khi Nghị quyết được ban hành./.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.