Ban Chỉ đạo 197 của TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023.
Trong nội dung Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 nêu rõ: "Kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện; trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ".
Dư luận xã hội và người dân Thủ đô rất đồng tình ủng hộ, nhưng để thực hiện được Kế hoạch này rất cần chính quyền các cấp phải thực hiện và xử lý nghiêm đối với tất cả các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, “không có vùng cấm” và “không có ngoại lệ” nhưng cũng phải bảo đảm được quyền kinh doanh, quyền mưu sinh của người dân
Hà Nội đã từng có “chiến dịch” ra quân giành lại vỉa hè
Kế hoạch số 1/KH-BCĐ197 được coi là một cuộc “ra quân” rất quyết liệt của Ban Chỉ đạo 197 thành phố với mục đích giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lâu nay bị các hàng quán, cơ sở kinh doanh lấn chiếm. Việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa gây mất an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông, khi phải đi xuống dưới lòng lề đường. Hiện tượng lấn chiếm hè đường xảy ra đã lâu, chính quyền đã nhiều lần “ra quân” dẹp vấn nạn này, nhưng xem ra các cuộc ra quân xử lý như “bắt cóc bỏ đĩa”
Hà Nội đã từng có "chiến dịch" ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ
Trước đó vào năm 2017 thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức một “chiến dịch” để giành lại vỉa hè cho người đi bộ, lãnh đạo thành phố thời kỳ đó đã chỉ ra những nguyên nhân căn bản của việc lấn chiếm vỉa hè để làm nơi kinh doanh, trông giữ ô tô, xe máy.
Người đứng đầu của thành phố lúc đó còn chỉ rõ các quán bia hơi, điểm trông giữ xe ô tô, xe máy lấn chiếm vỉa hè đều có sự “chống lưng” của lãnh đạo chính quyền phường và công an phường, quận.
Lãnh đạo thành phố đã yêu cầu giám đốc Công an TP giao trách nhiệm cho trưởng công an phường, cả cảnh sát trật tự, cảnh sát khu vực phải cũng vào cuộc.
Nhưng "đâu lại vào đấy" (ảnh báo Dân Việt)
Nhưng chỉ sau 1 tuần ra quân, tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội đang có dấu hiệu tái diễn tình trạng bị lấn chiếm để kinh doanh. Điều đáng nói, những điểm lấn chiếm lại chỉ cách trụ sở Công an phường vài chục mét. Nhiều tuyến phố không chỉ là vỉa hè, mà ngay cả lòng đường, người đi bộ cũng khó khăn khi đi qua những tuyến phố này. Hầu hết những điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè và lòng đường đều là những hộ có diện tích nhà hàng khá rộng. Chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè lại “chìm xuống” sau khi hàng loạt các cơ quan báo chí phản ánh việc tái lấn chiếm vỉa hè ở thủ đô Hà Nội.
Nguyên nhân thất bại của cuộc chiến giành lại vỉa hè
Thủ đô Hà Nội có bề dày văn hóa và lịch sử hàng nghìn năm, kể từ khi Lý Công Uẩn ban “Chiếu dời đô” từ Kinh đô Hoa Lư về thành Đại La, bởi ở đây có thế đất vượng khí cho muôn đời sau.
Hà Nội được hình thành lên bởi người dân từ các làng nghề khắp nơi về làm ăn, buôn bán nên được gọi là Kẻ Chợ. Thế cho nên Hà Nội có các con phố đều bắt đầu bằng chữ “Hàng”, nói lên điều này để thấy việc sản xuất, kinh doanh đều được những người làm ăn, buôn bán đều sử dụng mặt không gian phía trước cửa nhà để kinh doanh đã có từ rất lâu rồi. Nhiều khi đã ăn sâu vào trong tiềm thức của những người sinh sống ở Hà Nội, thậm chí vỉa hè đã trở thành “văn hóa đường phố” của Thủ đô ta.
Cuộc sống mưu sinh của người dân đã gắn với vỉa hè
Tờ The Guardian đã xếp Hà Nội là một trong 7 thành phố ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á và top 20 thành phố ẩm thực đường phố ngon nhất thế giới, bởi những quán ăn nhỏ lề đường, nồi niêu cũ kỹ, bàn ghế sơ sài nhưng lại đông nghẹt khách.
Nhưng khi đã trở thành một thủ đô hiện đại, văn minh, một thủ đô của hòa bình đương nhiên cũng phải có những thay đổi cho phù hợp để vừa giữ được nét truyền thống cổ xưa, vừa mang dáng dấp một thành phố hiện đại. Việc lấn chiếm hè đường kinh doanh không thể coi là nét văn hóa được, trừ khi tuyến phố đó được quy hoạch là tuyến phố văn hóa ẩm thực.
Đi tìm nguyên nhân vì sao không dẹp được vấn nạn lấn chiếm vỉa hè, người viết bài này đã lân la tại các quán hàng ăn trên vỉa hè ở các phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm), Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình) và nhiều tuyến phố ở những quận khác không phải trung tâm, để tìm hiểu nguyên nhân nào mà chính quyền không thể thực hiện được giành lại vỉa hè cho người đi bộ.
Hầu hết những chủ quán ăn, các cửa hàng kinh doanh trên tất cả các tuyến phố của Hà Nội đều cho biết, cuộc sống mưu sinh của họ đều trông vào vỉa hè, bởi không gian cửa hàng quá chật hẹp, không đủ diện tích để bày bán hàng hóa. Do đó bằng mọi cách người kinh doanh, buôn bán tận dụng và lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh.
Một nguyên nhân nữa để chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ không thành công là do chính quyền không cương quyết, thậm chí còn “làm ngơ” cho những cửa hàng kinh doanh này lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. Điều này chính một lãnh đạo của thành phố trước đây đã từng chỉ ra.
Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền mưu sinh, dưới sự quản lý trậ tự công bằng
Sáng 3/3, Hà Nội phát động lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng (TTATGT, TTĐT, TTCC) trên địa bàn năm 2023.
Theo thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, trong giai đoạn đầu, thành phố giao các quận, huyện chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chấp hành việc giải tỏa vi phạm hè phố, lòng đường tại khu vực làm việc. Các quận, huyện cũng được yêu cầu vận động các hộ kinh doanh ký cam kết chấm dứt vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu cho hè phố, lòng đường.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đọa 197 TP.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ ra quân, ông Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo 197 TP.Hà Nội, yêu cầu các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý toàn diện các vi phạm trên các lĩnh vực trên địa bàn; huy động toàn diện các lực lượng, phương tiện tham gia phá dỡ khi cần cưỡng chế; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm theo hình thức "cuốn chiếu" làm từng tuyến phố, từng khu vực, không bỏ sót vi phạm.
Ông Sơn đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã đánh giá thực trạng TTĐT trên địa bàn, nguyên nhân và giải pháp; phân tích mối tương quan giữa duy trì TTĐT và phát triển kinh tế, đặc biệt là "kinh tế đêm".
"Chúng ta phải nghĩ đến chính sách như vậy. Về mặt cơ sở pháp lý thì thành phố hoàn toàn có thể làm được. Ví dụ như, xây dựng đề án quản lý hè phố, lòng đường để quản lý chặt chẽ, chống lấn chiếm gây mất mỹ quan đô thị. Các cơ quan nghiên cứu, sớm đề xuất, tổ chức diễn đàn để tham vấn ý kiến chuyên gia… sớm có nghị quyết để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, bền vững và cũng giảm tải nhiệm vụ cho lực lượng cơ sở", ông Sơn nói.
Công tác quản lý trật tư đô thị không phải thành phố không làm thường xuyên, nhưng hiệu quả chỉ cao khi có những “chiến dịch” ra quân để lập lại trật tự văn minh đô thị, khi có quá nhiều vi phạm làm dư luận xã hội và nhân dân bức xúc.
Một phần vì những cửa hàng kinh doanh, cửa hàng ăn uống không ý thức được việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh là vi phạm pháp luật, một phần do chính quyền sở tại không cương quyết, triệt để xử lý vi phạm, thậ chí còn có việc bao che để cho những sai phạm này xảy ra.
Dó đó để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường không còn là câu chuyện “nhức nhối” đối với Thủ đô, thiết nghĩ chính quyền và các lực lượng chức năng phải thật nghiêm minh trong công tác kiểm tra và xử lý, không có “vùng cấm” hay “không có ngoại lệ”, phải xử lý thật công bằng và khách quan, không có “chỗ xử, chỗ không” làm cho nhân dân bất bình. Có như vậy chúng ta sẽ thấy Thủ đô mới văn minh hơn, đẹp đẽ hơn trong con mắt của người dân trong cả nước và du khách nước ngoài khi đến Hà Nội.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.