Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 12 năm 2023 | 14:49

Hà Giang nâng cao nhận thức về môi trường cho người dân vùng đồng bào dân tộc

Hiện nay, tại một số vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn Hà Giang vẫn còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số vùng nông thôn miền núi mà nguyên nhân trước hết và chủ yếu là do ý thức, truyền thống và tập quán lạc hậu do chính người dân gây ra.

Thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn vùng đồng bào dân tộc

Trên địa bàn một số vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc của Hà Giang, do điều kiện cơ sở hạ tầng còn khó khăn và người dân chưa có ý thức về bảo vệ môi trường, người dân thường hành động tuỳ tiện theo thói quen, theo phong tục. Đó là chăn nuôi gia súc theo cách thả rông, khiến cho chất thải của gia súc vương vãi xung quanh nhà ở và đường đi, khi gặp nắng thì bốc mùi, gặp mưa thì bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước, tạo môi trường cho dịch bệnh phát triển. Thói quen nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn khiến môi trường sống của các hộ dân bị ô nhiễm nặng nề.

Vỏ chai, lọ chứa thuốc trừ sâu độc hại do người dân vứt bỏ trên nương rẫy là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.

Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn nói chung và ô nhiễm nông thôn vùng đồng bào dân tộc nói riêng còn do người dân sử dụng không đảm bảo an toàn các loại hoá chất bảo vê thực vật trong nông nghiệp (thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc trừ cỏ dại...). Một điều dễ nhận thấy là sau khi phun thuốc trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại, người nông dân rửa bình bơm và đổ thuốc thừa ở bất cứ nơi nào mà không chú ý đảm bảo an toàn tới nguồn nước; bao bì, chai lọ chứa hoá chất độc hại bị vứt bỏ quanh nhà, quanh mương máng hoặc trên nương rẫy... Điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, dẫn đến phát sinh các loại bệnh tật mà người dân không thể nhận thức ra ngay được.

Bên cạnh đó, tại các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc, các loại rác thải chưa được thu gom đúng cách và bị thải bỏ bừa bãi ra môi trường xung quanh cộng với phân gia súc, gia cầm vương vãi càng làm cho môi trường sống thêm ô nhiễm nặng.

Hơn nữa, trong quá trình làm nông nghiệp, người dân phải tiếp xúc trực tiếp với phân gia súc, gia cầm. Nếu không có biện pháp nuôi nhốt, thu gom và xử lý các nguồn phân gia súc, gia cầm hợp lý và khoa học thì vấn đề ô nhiễm môi tường ở các vùng nông thôn miền núi hiện nay ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Nâng cao ý thức của người dân vùng đồng bào dân tộc về môi trường

Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường sống tại một số vùng đồng bào dân tộc một phần là do phong tục, tập quán và thói quen lạc hậu của người dân đã trực tiếp gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp gây phát sinh và làm gia tăng bệnh tật tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa như các bệnh về đường ruột, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp...

Trong khi đó, tỉnh Hà Giang còn nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết ngay vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn vùng đồng bào dân tộc bằng các biện pháp thu gom và xử lý rác thải theo phương pháp tiên tiến thì biện pháp cấp bách trước mắt là phải nâng cao nhận thức về môi trường sống đối với người dân vùng đồng bào dân tộc.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng tại các huyện vùng cao của tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Thậm chí đã phải áp dụng biện pháp mạnh như phạt tiền, phạt lao động công ích... đối với những cá nhân và gia đình tái vi phạm nhiều lần về vệ sinh môi trường nông thôn như chăn nuôi gia súc thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn, đổ thuốc bảo vệ thực vật thừa xuống nguồn nước, vứt rác thải bừa bãi ra môi trường…

Từ đó người dân đã có ý thức, chủ động và tự giác hơn trong việc thu gom rác thải, chuyển chuồng trại gia súc ra xa nhà và không thả rông gia súc. Từ công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan chức năng, các huyện vùng núi đã từng bước cải thiện môi trường sống, giảm thiểu bệnh tật cho cộng đồng dân cư tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn miền núi của tỉnh về trước mắt cũng như lâu dài.

Tận dụng nguồn rác thải nông nghiệp góp phần bảo vệ môi trường nông thôn

Ngày nay, sản xuất nông nghiệp đang tạo ra lượng rác thải khổng lồ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là các loại rác thải hữu cơ. Ngay cả với rác thải sinh hoạt, nguồn rác hữu cơ cũng chiếm tỷ trọng lớn.

Rác hiện nay được phân thành 3 loại gồm: Chất thải tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải khác. Người dân vẫn có thói quen để chung tất cả các loại rác thải rắn sinh hoạt. Trong khi việc phân loại rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích.

Cụ thể, chất thải tái chế có thể dùng để bán cho các cơ sở tái chế; Chất thải thực phẩm có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ. Nếu thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn và tái sử dụng nguồn rác thải tái chế, rác thải hữu cơ, lượng rác còn lại cần thu gom, xử lý sẽ giảm rất nhiều.

Tại Hà Nội, mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn nhiều năm qua được triển khai khá hiệu quả. Điển hình tại huyện Đan Phượng, theo bà Trần Thị Việt Mỹ, Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Đan Phượng có lượng chất thải rắn sinh hoạt ước tính khoảng 88 tấn/ngày. Thành phần rác thải sinh hoạt chủ yếu là rác hữu cơ chiếm 50%-54%; nilon, nhựa chiếm 11.5%-14.5%... Việc thu gom, vận chuyển và xử lý luôn được các cấp các ngành của huyện quan tâm, cộng với ý thức, sự tham gia tích của Đan Phượng được xanh - sạch - đẹp.

Từ những tháng đầu năm nay, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã phối hợp với Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) thí điểm phân loại và xử lý rác tại nguồn nhằm giảm rác thải sinh hoạt tại 4 xã: Trung Châu, Thọ Xuân, Đồng Tháp, Thượng Mỗ. Tham gia làm mô hình thí điểm có 200 hộ gia đình thuộc 4 xã trên (mỗi xã là 50 hộ tiêu biểu nòng cốt). Đến nay, mô hình đã thu được nhiều kết quả khả quan.

Hướng dẫn cách pha chế chế phẩm sinh học và ủ rác thải hữu cơ cho người dân

Ông Hoàng Văn Thân, Bí thư Chi bộ thôn Tiến Bộ, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng chia sẻ, việc làm này đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hình thành thói quen phân loại rác, tái chế rác xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp tại các vùng nông thôn của huyện.

Được hội nông dân triển khai mô hình từ tháng 2, phân loại rác thải tại nguồn, gia đình ông Thân đã thay đổi thói quen của mình bằng cách phân loại rác thải ngay tại nhà. Những gì thuộc rác thải hữu cơ ông mang ủ lấy phân bón cho vườn bưởi nhà mình. Các loại rác thải vô cơ được ông thu gom đúng nơi quy định vừa sạch nhà, đẹp ngõ, cây cối lại có nguồn phân bón an toàn, bảo đảm.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ cho biết, xã Thượng Mỗ hiện có 8 thôn, trong đó có 3 thôn đã triển khai làm điểm mô hình phân loại rác hữu cơ, 1 ngõ làm điểm phân loại rác thải tại nhà như thế này nhằm lấy nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng. Người dân rất hào hứng với mô hình này bởi bản thân họ cũng mong muốn nguồn rác được xử lý ngay tại nhà, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường sống.

Ông Thiều Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng chia sẻ, việc thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân cần có quá trình và khi người dân nhận thấy lợi ích từ những mô hình như thế này sẽ tích cực hưởng ứng, tham gia. Hội nông dân huyện Đan Phượng hiện đang triển khai điểm tại 4 xã, phấn đấu đến năm 2025 có 100% hội viên nông dân thu gom và phân loại rác thải tại nguồn.

Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào phân loại rác thải và xử lý rác tại nhà trên địa bàn toàn huyện, Hội nông dân huyện Đan Phượng sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và Xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Phòng Tài nguyên môi trường huyện… tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nhà và sử dụng chế phẩm vi sinh biến rác thải hữu cơ thành phân bón.

Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, trong những năm gần đây, để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch và xử lý chất thải, phế phẩm nông nghiệp, huyện đã tăng cường hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ. Đồng thời khuyến khích tổ chức, hộ gia đình áp dụng các giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng để giúp thân thiện với môi trường. Từ đó cũng góp phần cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn chủ yếu được xử lý làm thức ăn cho trâu, bò (khoảng 11%); Cày mục ủ hoai tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau (85%) và đun nấu, làm nấm, tiểu thủ công nghiệp (khoảng 4%).

Vì vậy, để chủ động ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền yêu cầu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng không đúng quy định.

Bên cạnh đó, để bảo vệ môi trường nông thôn, tránh làm hoai phí nguyên liệu hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên... để đẩy mạnh hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Đồng thời, khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn áp dụng các giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng thân thiện với môi trường nhằm cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ tuoitrethudo, baotainguyenmoitruong...)
Ý kiến bạn đọc
Top