Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024 | 17:31

Huyện Chương Mỹ: Quyết liệt xử lý cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm

Dù chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng lĩnh vực chăn nuôi đang tạo ra thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nói riêng và trên toàn quốc nói chung.

Bức xúc vì ô nhiễm môi trường

Thời gian gần đây, người dân các xã: Đồng Lạc, Đông Sơn, Phú Nghĩa, Lam Điền... liên tục phản ánh và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trang trại nuôi lợn xả chất thải không qua xử lý vào hệ thống công trình thủy lợi gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, tắc nghẽn dòng chảy...

Ghi nhận của các cơ quan báo chí được biết, thực tế trên tuyến kênh Lái Lũ (dài gần 2,3km, đi qua địa phận xã Đồng Lạc) có tới 9 vị trí đặt ống xả nước màu đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Không những vậy, nhiều đoạn bờ cũng bị một số hộ dân lấn chiếm xây chuồng trại, chặn lối thủy nông viên kiểm tra, duy trì tuyến kênh.

Tương tự, kênh An Sơn dài gần 6km cũng đang “chết dần”, vì phải chứa hàng nghìn mét khối chất thải từ trang trại chăn nuôi lợn ở các xã: Đông Sơn, Đông Phương Yên, Phú Nghĩa đổ vào.

Tổ công tác xã Đồng Lạc (huyện Chương Mỹ) kiểm tra hệ thống hầm biogas tại cơ sở chăn nuôi tập trung ở thôn Yên Lạc.

Theo người dân các địa phương, tuyến kênh bị ô nhiễm như vậy là do các chủ trang trại xả chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý. “Bà con quanh đây ai cũng khổ sở vì mùi hôi thối bốc ra từ các hộ chăn nuôi này. Chúng tôi muốn mở cửa nhà không được mà đóng cửa cũng không ngăn được mùi hôi cũng bay vào nhà...”, ông Nguyễn Ngọc Hoàn ở xã Đồng Lạc nói.

Không chỉ người dân, nhiều thủy nông viên được giao nhiệm vụ quản lý, duy trì tuyến kênh cũng bức xúc vì ô nhiễm. “Chúng tôi đã gửi nhiều văn bản đề nghị các xã, thị trấn và huyện Chương Mỹ ngăn chặn tình trạng xả rác thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý vào kênh mương. Thế nhưng, nhiều địa phương chưa tích cực, quan tâm chỉ đạo xử lý...”, Phó Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Đình Đức bày tỏ.

Thống kê của Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho thấy, trên địa bàn huyện có 583 trang trại chăn nuôi; trong đó có 138 trang trại nuôi lợn, 445 trang trại nuôi gà, vịt. Các trang trại chăn nuôi này đã tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân... Song, chất lượng không khí và nguồn nước tại nhiều địa phương bị suy giảm, ô nhiễm, gây bức xúc trong nhân dân, tạo áp lực trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới...

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm

Với quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế, Huyện ủy Chương Mỹ đã có chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường.

Triển khai chỉ thị này, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở chăn nuôi tập trung. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, thống kê các điểm xả chất thải vào công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường, công trình thủy lợi...

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Lò Văn Cường, trên địa bàn xã hiện có 22 trang trại chăn nuôi lợn, quy mô từ 300 đến 500 con/lứa/trang trại và các trang trại này đều nằm xa khu dân cư. Kiểm tra thực tế, phần lớn chủ trang trại đã xây dựng hầm biogas, bể lắng để xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng không bảo đảm chất lượng nước xả vào công trình thủy lợi và cũng không cung cấp được hồ sơ pháp lý về môi trường...

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND huyện Chương Mỹ đã quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 8 chủ trang trại ở xã Phú Nghĩa với tổng số tiền 289 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường...

Còn theo Chủ tịch UBND xã Đồng Lạc Nguyễn Duy Hánh, xã đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung trên địa bàn; yêu cầu các hộ gia đình dừng ngay việc xả chất thải chăn nuôi không qua xử lý ra môi trường; xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường... “Trong quý II này, nếu các hộ không thực hiện đầy đủ yêu cầu trên, xã sẽ cưỡng chế...”, ông Nguyễn Duy Hánh khẳng định.

Từ thực tế trên cho thấy, vấn đề môi trường đã và đang trở thành thách thức đối với hoạt động sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng.

Để tránh những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ các trang trại và tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, huyện Chương Mỹ cần quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước, chỉ cho phép các trang trại chăn nuôi tập trung hoạt động khi bảo đảm các yêu cầu đặt ra, như: Đủ khoảng cách xa khu dân cư, có hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu môi trường, trồng cây xanh cách ly và các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch bệnh...

Mặt khác, cơ quan chức năng của huyện cần kiên quyết đóng cửa các trang trại không đáp ứng yêu cầu, hoặc cố tình vi phạm để tình trạng ô nhiễm kéo dài, chậm khắc phục... Các cơ quan chức năng chuyên ngành cũng cần thực hiện việc kiểm tra, quan trắc môi trường định kỳ theo quy định đối với các khu chăn nuôi tập trung lớn để làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm và công khai các chỉ số môi trường cho người dân tham gia giám sát...

Khắc phục ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Để khắc phục tình trạng này ngành chăn nuôi cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự chung tay của các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, ước tính mỗi năm bình quân có 61 triệu tấn phân và hơn 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính. Chỉ một số ít được xử lý, tái sử dụng (làm khí sinh học, ủ phân phục vụ cây trồng, nuôi giun, cho cá ăn…), còn lại phần lớn là được thải ra môi trường, gây lãng phí và ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, phát sinh dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng.

Thực tế cho thấy, nạn ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lâu nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo cho dù nhiều địa phương (như: Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai, Tây Ninh…) đã mạnh tay xử lý các nông hộ, gia trại, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi vi phạm các quy định về môi trường.

Nguyên nhân là bởi chăn nuôi tự phát còn nhiều, tỷ lệ số hộ áp dụng biện pháp xử lý chất thải của vật nuôi (phân, nước tiểu, chất thải lỏng, chất thải rắn…), chất thải khác từ các cơ sở giết mổ (lông da, sừng, móng, nội tạng…), từ dịch bệnh (gia súc, gia cầm chết) theo quy định còn thấp, nhất là tại một số nơi phương thức chăn nuôi thả rông của người dân vẫn phổ biến.

Thêm vào đó, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốn kém, cho nên họ không đầu tư, mà thường xả thải trực tiếp ra cống rãnh thoát nước, chảy tập trung về các ao nằm xen kẽ trong khu dân cư, ứ đọng lại gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm.

Bên cạnh đó, công nghệ chăn nuôi, công nghệ xử lý môi trường chưa đáp ứng được tốc độ phát triển chăn nuôi; thiếu chính sách cụ thể, hoặc có nhưng chưa triển khai được do không phù hợp thực tế để giúp các trang trại chăn nuôi xử lý chất thải; diện tích đất chăn thả cho gia súc lớn (trâu, bò, dê, cừu…) hạn hẹp, nơi có quy hoạch, nơi không có, cho nên khó đầu tư cho việc xử lý chất thải…

Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần triển khai ngay một số giải pháp: Tập trung phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi (một trong năm đề án ưu tiên thuộc Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045).

Từ đó, các địa phương cố gắng thực hiện, mở ra một hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, đạt hiệu quả tốt; trong đó chú trọng việc vận hành tái chế chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường.

Cần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi bằng nhiều hình thức nhất là đối với chăn nuôi tập trung, cơ sở đã nằm trong vùng quy hoạch tạo sự chuyển biến rõ nét về việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm xử lý môi trường, an toàn dịch bệnh khi tham gia quá trình chăn nuôi hoặc xây dựng cơ sở sản xuất giết mổ, sơ chế, chế biến; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao, ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường tái chế, sản xuất các chất thải để phục vụ lại cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt; nhân rộng các mô hình, điển hình đã làm tốt, hiệu quả về tái chế chất thải chăn nuôi thời gian qua, đi tắt, đón đầu các công nghệ mới tiên tiến; tiếp tục rà soát, quan tâm hơn các chế độ, chính sách về môi trường để bảo đảm tính khả thi, phù hợp tổ chức triển khai đồng bộ hiệu quả, đơn cử như có thêm chính sách hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng hệ thống xử lý chất thải như hỗ trợ tín dụng cho hộ và cơ sở chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học, công trình xử lý chất thải bằng nguồn vốn từ quỹ bảo vệ môi trường.

Đồng thời, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nhất là việc xả thải các chất thải từ chăn nuôi, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật ra môi trường.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm xử lý môi trường trong chăn nuôi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho biết: Hiện đơn vị này đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi bò trên nền đệm lót sinh học.

Đây là công nghệ mới giúp giảm ô nhiễm môi trường do các chất thải được phân giải, từ đó mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống không ô nhiễm; góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.

Thanh Xuân (Tổng hợp từ nhandan, hanoimoi, moitruongvadothi...)
Ý kiến bạn đọc
  • Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    Chặng đường 25 năm bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn

    “Trong những ngày đầu tháng 12 này, Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng với Đô thị cổ Hội An tròn 25 năm ngày được Unesco công nhận Di sản văn hóa của nhân loại. Niềm vinh dự này, không phải địa phương nào cũng có được, tôi xin được chia sẻ niềm vui và niềm tự hào này đối với thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên, chúc cho công tác bảo tồn các di sản ngày càng tốt đẹp, đạt được những thành công hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nói.

  • Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Kon Tum: Hội diễn giới thiệu 15 ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông

    Ngày 2/12, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết, qua phát động đã có 15 ca khúc tham gia cuộc thi sáng tác ca khúc viết về huyện Tu Mơ Rông.

  • Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Hà Tĩnh tổ chức Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

    Tối 28/11, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

Top