Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 26 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024 | 9:20

Khi người dân được hưởng lợi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức đánh giá giữa kỳ các nhiệm vụ về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp (Tiểu dự án 1 - Dự án 3) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025. Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT để biết thêm về những kết quả, khó khăn cũng như định hướng triển khai chương trình trong thời gian tới.

Thưa ông, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cục Kinh tế hợp tác và PTNT làm đầu mối) được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp thực hiện một số tiểu dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ông có thể cho biết kết quả sau hơn 3 năm thực hiện?

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT).

Bộ Nông nghiệp và PTNT được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ban ngành liên quan tổ chức thực hiện trên địa bàn; kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, HĐND các tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức thực hiện dự án. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững đã được các cấp từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, thành phố ban hành đầy đủ, trong đó đã thể hiện được nguyên tắc, cơ chế đổi mới trong quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các hoạt động, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình. Từ đó tạo khung hướng dẫn pháp lý để các địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật từ khâu xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực đến việc triển khai thực hiện từng dự án thành phần.

Giai đoạn 2021-2023, tổng kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ 1.222.672 triệu đồng vốn sự nghiệp; ngân sách địa phương đối ứng 84.767 triệu đồng; huy động nguồn khác 14.085 triệu đồng. Năm 2024, tổng kinh phí ngân sách trung ương phân bổ 869.764 triệu đồng; các cơ quan Trung ương được giao nhiệm vụ và các tỉnh đang tập trung thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao của năm 2024.

Theo báo cáo của 46/63 tỉnh, thành phố, ước thực hiện đến hết năm 2024 là 1.209 tỷ 647 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 55%, trong đó kinh phí Trung ương cấp giải ngân đạt 57%; đã hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp cho 2.981 dự án với 60.668 hộ tham gia và tổ chức tập huấn 1.301 lớp cho  28.458 người. Cơ bản đến nay đã hoàn thành mục tiêu về số dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, 100% số hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật trồng, chăn nuôi, chăm sóc, bảo quản, sử dụ công cụ, dụng cụ, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Kết quả đó đã góp phần cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và giúp người nghèo có sinh kế, tăng thu nhập để giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Bản Thi (Chợ Đồn - Bắc Kạn) phấn khởi khi được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1 - Dự án 3.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%  so với năm 2022);  tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 16,5% (giảm 4,52%). Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1,9% (giảm trên 1%), tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5% (giảm trên 3%/năm), đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Ông có thể chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các tiểu dự án?

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi gặp một số khó khăn, vướng mắc như:

Văn bản của Trung ương chỉ quy định chung về nguyên tắc, còn lại giao cho địa phương quy định cụ thể, trong khi địa phương chưa có kinh nghiệm nên lúng túng khi thực hiện. Các văn bản hướng dẫn còn nhiều bất cập về cơ chế lồng ghép nguồn lực các chươg trình MTQG, cơ chế phân cấp, phân quyền, cơ chế quay vòng; trình tự, thủ tục, hồ sơ về dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và liên kết theo chuỗi giá trị. Các tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn chậm dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện. Văn bản của Trung ương ban hành sửa đổi, bổ sung nhiều lần dẫn đến văn bản của địa phương cũng phải sửa đổi theo và các dự án đã lập chưa được phê duyệt phải lập và trình lại nên việc thực hiện chậm tiến độ, nhiều dự án phải chuyển sang năm sau thực hiện.

Cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình được Chính phủ ban hành thực hiện chung cho cả 3 CTMTQG; trong khi CTMTQG giảm nghèo bền vững có đối tượng hạn chế hơn các chương trình khác nên gặp khó khăn trong triển khai thực hiện, ví dụ như quy định về điều kiện “tối thiểu 50% người dân tham gia là đối tượng hỗ trợ của các CTMTQG” làm cho các địa phương gặp khó trong việc vận động đối tượng ngoài Chương trình MTQG giảm nghèo tham gia dự án và lúng túng trong việc hỗ trợ cho đối tượng này. Đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số không có đất, tư liệu sản xuất, trình độ thấp; chất lượng cuộc sống của nhóm hộ thoát nghèo và hộ cận nghèo còn ở mức thấp.

Việc phân bổ vốn, giao kế hoạch vốn chậm; nguồn vốn dự án không được giao cho cả giai đoạn, mà chỉ thực hiện giao từng năm nên gặp khó khăn trong thực hiện đối với dự án cần triển khai trong nhiều năm (dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị). Huy động nguồn lực từ xã hội còn khó khăn.

Việc hướng dẫn mức hỗ trợ tối đa cho từng hộ/từng loại dự án do địa phương áp dụng cho phù hợp với từng tỉnh. Do không có mức trần cho đối tượng của từng loại dự án nên tại địa phương, cán bộ cơ sở và người dân có tâm lý đề xuất nội dung hỗ trợ sao cho tận dụng tối đa quy định về mức hỗ trợ cho từng hộ của địa phương, do đó, có nguy cơ dẫn đến hỗ trợ PTSX lại quay lại cách làm của giai đoạn trước là hỗ trợ riêng lẻ dưới dạng cấp phát cây con giống, vật tư cho từng hộ gia đình.

Cam là một trong những cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh Tuyên Quang.

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách giảm nghèo ở cơ sở chưa được thường xuyên nên có nơi người dân chưa nắm bắt được thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách giảm nghèo bền vững; nhận thức, trách nhiệm của người dân tham gia vào công tác giảm nghèo còn hạn chế; một số xã chưa làm tốt công tác tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người dân trong thực hiện chương trình giảm nghèo.

Bộ, Cục đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì sau hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình, thưa ông?

Trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và người đứng đầu, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện được thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; quán triệt, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chương trình một cách hiệu quả. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong chỉ đạo, điều hành thực hiện dự án.

Kịp thời cụ thể hóa các quy định của Trung ương, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, quy định theo thẩm quyền của địa phương làm cơ sở quản lý, tổ chức triển khai thực hiện dự án trên địa bàn; kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực hiện.

Tăng cường phân cấp, trao quyền, phát huy tính chủ động của chính quyền cơ sở trong xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các thủ tục đầu tư, kịp thời phân bổ, giao kế hoạch vốn và thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai thực hiện dự án. Phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo, nỗ lực vươn lên của người dân; khuyến khích thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù, cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với năng lực đảm nhận của cán bộ và người dân địa phương.

Việc tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ căn cứ trên các quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn của chủ chương trình, dự án thành phần; thực hiện đúng đối tượng, đúng phạm vi, có sự tham gia của người dân, đối tượng hưởng lợi; bảo đảm các nguyên tắc dân chủ, công khai, không trùng lắp nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có sự tham gia, giám sát của cộng đồng, của xã hội; bảo đảm mục tiêu của Tiểu dự án 1 - Dự án 3.

Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thông tin, tuyên truyền gắn với thực hiện có hiệu quả các nội dung hỗ trợ của dự án. Nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân biết, chủ động tham gia dự án.

Có giải pháp, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm chương trình, đặc biệt ưu tiên cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, thôn. Việc đào tạo cần tập trung vào các kỹ năng lập kế hoạch, lập, thẩm định dự án, quản lý tài chính, các kỹ năng về mua sắm đấu thầu và giám sát việc triển khai thực hiện các dự án.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lạng Sơn kiểm tra trực tiếp công tác chuẩn bị tại hộ dân trên địa bàn huyện Văn Lãng tham gia Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, đánh giá, thu thập, xử lý thông tin về kết quả thực hiện dự án. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện, sử dụng nguồn lực, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm, nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu lực chấp hành pháp luật trong triển khai thực hiện dự án.

Tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng để nâng cao hiệu quả hoạt động và sử dụng nguồn lực. Người dân và cộng đồng tham gia vào quá trình xác định nhu cầu, đối tượng thụ hưởng, lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện dự án. Tiếp tục phát huy nỗ lực vươn lên, khuyến khích sự chủ động tham gia của người dân cùng với việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình sử dụng và phân bổ nguồn lực, thực thi chính sách.

Thời gian tới, Bộ, Cục có kiến nghị, đề xuất gì đến Chính phủ, thưa ông?

Các địa phương cần rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn; thực hiện ban hành, rà soát sửa đổi Nghị quyết của HĐND tỉnh hoặc Quyết định của UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện dự án hỗ trợ PTSX theo tinh thần Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình, xét duyệt để triển khai thực hiện dự án; chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, xã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ PTSX thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đảm bảo về nội dung, tiến độ, nguồn kinh phí.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giao vốn Chương trình MTQG cho cả giai đoạn theo trung hạn để các địa phương chủ động phân kỳ vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch hàng năm thay cho việc hàng năm phải xây dựng và chờ phê duyệt, phân bổ vốn xong mới triển khai thực hiện nên chậm.

Để tránh lặp lại nội dung và chồng chéo giữa các dự án, tiểu dự án của các Chương trình MTQG, đề nghị các chủ trương trình trong thời gian tới thiết kế các dự án, tiểu dự án dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG thành một dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế đảm bảo lương thực cân bằng dinh dưỡng giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho người nghèo; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Để chính sách giảm nghèo thực hiện hiệu quả, không thể không nhắc đến vai trò của công tác truyền thông nâng cao nhận thức giảm nghèo. Ông có đề xuất gì đối với hoạt động truyền thông công tác giảm nghèo trong thời gian tới?

Công tác thông tin, tuyên truyền vận động là một trong các nội dung, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện chương trình, được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, thường xuyên bằng các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú.

Bộ Nông nghiệp và PTNT thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và người dân về triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thông qua việc xây dựng các phóng sự và tin bài tuyên truyền về chính sách, kinh nghiệm triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các nền tảng xã hội, kênh truyền hình, báo chí thực hiện theo Thông tư số 06/2022/TTBTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ TTT&TT; tổ chức đối thoại chính sách về giảm nghèo, hội thảo.

Có thể nói, công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Truyền thông đã kịp thời đăng tải các thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách đến đông đảo bà con, chính quyền các cấp; kịp thời thông tin những khó khăn cần tháo gỡ, đặc biệt là thông tin những mô hình hay cách làm sáng tạo, kịp thời biểu dương, khích lệ những địa phương làm có hiệu quả.

Thời gian tới, Cục rất mong sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cơ quan báo chí, truyền thông, đặc biệt là những cơ quan báo chí chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT tuyên truyền, thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!

 

Hoàng Văn (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Top