Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2023 | 20:0

Không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên

Đối thoại với thanh niên, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tôi tin chắc là, với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông chúng ta đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tới dự Hội nghị đối thoại. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thanh niên, lực lượng xung kích

Thanh niên là bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo, phát triển thanh niên và xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh.

Đáp lại những chăm lo đó, thanh niên ngày nay luôn tích cực tham gia hoạt động nhiều phong trào, nhất là trong Tháng Thanh niên năm nay. Trong cái nắng gay gắt như đổ lửa làm cho mùi hôi bốc lên từ các con rạch  càng nặng hơn, nhưng không vì thế mà làm chùn bước các tình nguyện viên. Tuần qua, Thành đoàn TP.HCM tổ chức lễ ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần thứ 148 năm 2023 và triển khai thực hiện công trình thanh niên “Sông Sài Gòn - con sông thành phố tôi” bằng việc nạo vét Rạch Lăng 2 thuộc tuyến rạch Xuyên Tâm, đồng thời cải tạo cảnh quan tuyến đường sắt Bắc - Nam trên địa bàn quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp.

Tại đây, hàng trăm thanh niên tình nguyện đã bắt tay vào việc cải tạo Công trình thanh niên Rạch Lăng 2. Đây là một nhánh nhỏ của dòng sông Sài Gòn, có chiều dài khoảng 1,5 km thuộc địa bàn phường 5 (quận Gò Vấp) và phường 13 (quận Bình Thạnh), vốn bị bỏ hoang nhiều năm nay và trở thành nơi cho ruồi, muỗi sinh sôi.

Mồ hôi ra như tắm, quần áo lấm lem bùn do đảm nhận nhiều công việc như kéo, hốt và khiêng rác lên xe ép để chuyển đi, Cao Hoàng Phương Nhi, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở tại TP.HCM), tâm sự: “Mình cảm thấy rất vui khi được tham gia hoạt động tình nguyện này, được đóng góp một phần công sức để làm cho con rạch thêm xanh, sạch hơn, tạo môi trường trong lành cho bà con nơi đây. Theo mình, ngoài việc học, mỗi sinh viên nên dành ra chút ít thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện để góp phần giúp ích cho xã hội ngày một tốt hơn”.

Phó bí thư Thường trực Thành đoàn TP.HCM Ngô Minh Hải chia sẻ: “Ngày Chủ nhật xanh lần thứ 148 gắn với việc thực hiện Công trình thanh niên “Sông Sài Gòn - con sông thành phố tôi”, góp phần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên trong việc tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng mỹ quan đô thị, thói quen sống thân thiện với môi trường trong đoàn viên, thanh niên và người dân”.

Thanh niên TP.HCM ra quân Ngày Chủ nhật xanh lần thứ 148 năm 2023.

Nỗ lực của mỗi thanh niên là rất quan trọng

Tại Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023, chủ đề “Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0”, bạn Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam, Trường Đại học Thương mại đặt câu hỏi: Thực tế, dù các trường đại học đã có nhiều hoạt động tăng cường để nâng cao kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên, nhưng để thực hiện chiến lược “đổi mới căn bản và toàn diện” đối với giáo dục, chúng cháu thấy các giải pháp để nâng cao khả năng sáng tạo, tư duy ứng dụng của sinh viên còn rất nhiều hạn chế. Vậy, thời gian tới, để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, giáo dục đại học trong thời gian tới sẽ được đổi mới ra sao?

Trả lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Đảng, Nhà nước xác định giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, có rất nhiều chính sách ưu tiên. Đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, có nhiều việc phải làm, trong khi nguồn lực có hạn, đây là đặc điểm mà chúng ta cần chia sẻ. Khi bắt đầu đổi mới, ước tính GDP cả nước khoảng 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 100 USD, nhưng đến năm 2022, quy mô GDP hơn 409 tỷ USD, GDP bình quân đầu người 4.110 USD. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 (năm 2022) lên 65 (năm 2023). Điều này cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân.

Theo Thủ tướng, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh như vậy của đất nước, bám sát tình hình thực tế để thấy, trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn nâng cao tiềm lực, năng lực đào tạo của các cơ sở, nâng cao chất lượng các giáo trình, chương trình đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu mới của thế giới vừa phù hợp hoàn cảnh đất nước. Bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước về chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, sự đùm bọc của nhân dân, nỗ lực của mỗi người là điều quan trọng nhất.

Các cụ nói: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, tức là với nguồn lực có hạn, chúng ta phải sử dụng làm sao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường từ khó khăn để vươn lên, làm thế nào để phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của mỗi người. Điều chúng ta còn thiếu nhiều là kỹ năng sống và kỹ năng nghề, kiến thức có thể được đào tạo, truyền thụ qua nhiều kênh khác nhau nhưng phải làm sao để chúng ta có kỹ năng sống thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh và khi làm việc thì có kỹ năng nghề cao, có khả năng cạnh tranh.

Đào tạo toàn diện con người về đức, trí, thể, mỹ

Bạn Phạm Thị Hậu, đoàn viên thanh niên công nhân đang làm việc KCN Vĩnh Lộc (TP.HCM) nêu ý kiến tại Hội nghị: Trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 có quy định mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho thanh niên. Theo đó, nhiều chỉ tiêu được xác lập thực hiện hằng năm như: Thanh niên được trang bị kiến thức, kỹ năng rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, được tiếp cận các dịch vụ thân thiện về tư vấn chăm sóc sức khỏe, chăm sóc y tế định kỳ…

Tuy nhiên, trên thực tế, cơ sở hạ tầng và các mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe thanh niên trong và ngoài trường học, tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất chưa hoặc không đáp ứng được yêu cầu này. Chính phủ, Bộ Y tế có giải pháp nào để chăm lo tốt nhất về sức khỏe, nâng cao thể chất cho thanh niên, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn nhân lực chất lượng cao?

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, để triển khai Chiến lược phát triển thanh niên, thời gian qua, trong lĩnh vực y tế, đã có nhiều chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được ban hành rất đồng bộ để tập trung phát triển trí lực của thanh niên. Ví dụ, vấn đề kiện toàn các thể chế liên quan đến công tác bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe của nhân dân, trong đó có thanh niên. Có nhiều luật như Luật Bảo vệ chăm sóc sức khỏe, Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Luật Phòng bệnh cũng đã được triển khai, xây dựng trong thời gian qua, trong đó có nhiều giải pháp đề cập đến chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, cũng như sức khỏe thanh thiếu niên.

Chia sẻ thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: Sức khỏe là một trong những vốn quý nhất của con người. Muốn có sức khỏe thì phải rèn luyện toàn diện, cả về bản lĩnh, ý chí, nghị lực, sức chịu đựng… Muốn rèn luyện thì phải có môi trường để rèn luyện, với sự chăm lo của Đảng, Nhà nước; phải có chăm sóc về mặt y tế khi ốm đau, bệnh tật.

Tóm lại, phải đào tạo toàn diện con người về đức, trí, thể, mỹ, các chủ thể liên quan đều phải có trách nhiệm, đưa ra giải pháp phù hợp, đồng bộ để bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân nói chung và sức khỏe của thanh niên nói riêng, đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, để mỗi người dân khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh.

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top