Nhân kỷ niệm 35 năm ngày Tạp chí Kinh tế nông thôn xuất bản ấn phẩm đầu tiên, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, có cuộc trò chuyện với phóng viên về đóng góp của Tạp chí trong công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội, nhân rộng phong trào kinh tế VAC; khó khăn, thách thức và định hướng tuyên truyền cho Tạp chí trong thời gian tới.
Chủ tịch đánh giá như thế nào về Kinh tế nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, từ tháng 4/2020 đến nay, khi chuyển đổi từ Báo sang Tạp chí?
Báo Kinh tế nông thôn có phạm vi độc giả rộng lớn, chủ yếu là cán bộ, hội viên của Hội, bao gồm các nhà vườn, chủ trang trại và nông dân; nay chuyển sang loại hình Tạp chí thì việc lựa chọn các chủ đề, nội dung thông tin để vừa đáp ứng tiêu chí của một tạp chí, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin của hội viên đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, rất đa dạng là một bài toán không dễ dàng. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên và nhân viên của Tạp chí cũng cần có thời gian để thích ứng, cần được tập huấn, đào tạo để có kỹ năng tác nghiệp mới phù hợp với yêu cầu của tạp chí. Một vấn đề nữa là nguồn kinh phí cho hoạt động của tạp chí cũng gặp khó khăn hơn so với trước đây.
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ với cán bộ, phóng viên Kinh tế nông thôn dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong điều kiện đó, lãnh đạo và các biên tập viên, phóng viên, nhân viên của Tạp chí đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, vượt khó để thích ứng với tình hình mới. Các số Tạp chí in đã được phát hành định kỳ đều đặn, nội dung phong phú, phản ánh kịp thời thông tin về hoạt động của các cấp Hội trong toàn quốc; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và phát triển kinh tế vườn nói riêng. Đặc biệt, Tạp chí điện tử đã mạnh dạn đổi mới, áp dụng sáng tạo công nghệ mới, đa phương tiện trong việc truyền tải thông tin và có nội dung, hình thức khá hấp dẫn đối với người đọc. Hội Làm vườn Việt Nam đánh giá cao vai trò, sự đóng góp thiết thực của Tạp chí đối với công tác Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC thời gian qua.
Tuy nhiên, Tạp chí cần có nhiều hơn các bài viết có nội dung mang tính tổng kết thực tiễn, tư vấn, phản biện hoặc hướng dẫn kỹ thuật chuyên sâu về lĩnh vực phát triển kinh tế vườn và VAC.
Để đáp ứng yêu cầu thông tin trong thời đại công nghệ 4.0, theo Chủ tịch, Tạp chí Kinh tế nông thôn cần phải làm gì và thay đổi như thế nào ?
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần thiết thực, hiệu quả vào việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ của Hội Làm vườn Việt Nam, trong thời gian tới, Tạp chí cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, luôn bám sát, thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích hoạt động của Tạp chí. Lãnh đạo và tập thể biên tập viên, phóng viên, nhân viên cần tiếp tục nhận thức đúng, đầy đủ về tính chất hoạt động của Tạp chí, là diễn đàn của những người làm vườn Việt Nam, cơ quan thông tin về lý luận, khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển kinh tế vườn và VAC; tuyên truyền về hoạt động của Hội Làm vườn Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ, khẳng định vai trò, ý nghĩa của nghề làm vườn và mô hình kinh tế VAC, mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở nước ta; đồng thời, khơi dậy, nuôi dưỡng lòng say mê, yêu thích hoạt động làm vườn của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ ở cả nông thôn và thành thị.
Cần tập trung nâng cao chất lượng nội dung Tạp chí in, Tạp chí điện tử theo hướng tăng cường tính khoa học, tính thực tiễn.
Về nội dung, Tạp chí cần quan tâm hơn đến tổng kết thực tiễn, thông tin khoa học nhằm nắm bắt, phát hiện vấn đề, nhu cầu của bạn đọc, xác định sát, đúng trọng tâm, chủ đề, đề tài để tổ chức, biên tập, đăng tải nội dung đảm bảo chất lượng; tổng hợp thông tin, cung cấp luận cứ, tham gia định hướng công tác xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học, khuyến nông và đánh giá hiệu quả tiến bộ kỹ thuật, tư vấn, phản biện các vấn đề có liên quan trong lĩnh vực kinh tế vườn và VAC.
Thứ hai, tập trung xây dựng, nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ biên tập viên, phóng viên, nhân viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào công tác quản lý và hoạt động nghiệp vụ; phóng viên, biên tập viên cần thường xuyên cập nhật công nghệ, ứng dụng công nghệ đa phương tiện để đổi mới, nâng cao tính thuyết phục của Tạp chí cả về hình thức và nội dung. Tạp chí cần xây dựng đội ngũ biên tập viên, phóng viên tinh gọn, có đạo đức nghề nghiệp, trình độ lý luận, thực tiễn chuyên ngành, am hiểu về pháp luật và nghiệp vụ báo chí.
Thứ ba, xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên; tăng cường phối hợp với các đơn vị và hội viên của Hội trong ngành Nông nghiệp và PTNT ở Trung ương và địa phương.
Mạng lưới cộng tác viên có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao chất lượng nội dung của Tạp chí. Vì vậy, cần quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cộng tác viên, có biện pháp để huy động sự tham gia viết bài, cộng tác của các nhà nghiên cứu, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực VAC, nhất là các chuyên gia đang là hội viên của Hội. Cần tổ chức các hội nghị cộng tác viên, kênh trao đổi thông tin, tương tác hai chiều, thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao phù hợp...
Xuất khẩu rau quả là một điểm sáng của xuất khẩu nông sản năm 2022. Thưa Chủ tịch, năm 2023, Hội sẽ định hướng, hội viên phát triển kinh tế VAC như thế nào để tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) cũng như các nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch mang lại? Tạp chí Kinh tế nông thôn phải đổi mới cách tuyên truyền để hội viên, nông dân nắm rõ và thực hiện việc này?
Tuyên truyền, hướng dẫn, góp phần đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng rau quả để tận dụng cơ hội mà các hiệp định thương mại thế hệ mới mang lại và phát huy tiềm năng lợi thế của sản phẩm nghề làm vườn Việt Nam tại các thị trường giá trị cao là một trong những nội dung ưu tiên trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho hội viên của Hội Làm vườn Việt Nam.
Để rau quả Việt Nam xuất khẩu hưởng được lợi thế ưu đãi thuế quan do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đem lại, cần đặc biệt quan tâm đến 3 vấn đề: Thứ nhất, hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch thực vật liên quan đến sản phẩm. Thứ hai, hàng hóa phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm. Thứ ba, sản phẩm phải đáp ứng các quy định bắt buộc về xuất xứ.
Tạp chí Kinh tế nông thôn cần quan tâm hướng dẫn để người sản xuất và các doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu, thực hiện các quy định và nhận biết các thay đổi quy định của các nước nhập khẩu; phải đầu tư cả về chiều sâu và bề rộng, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và toàn bộ quy trình sản xuất, chứ không chỉ ở chặng cuối để vượt qua thách thức về các hàng rào kỹ thuật này.
Để có các bài viết mang tính chất như tài liệu hướng dẫn như vậy, cần có sự tham gia viết bài của các cộng tác viên là những người am hiểu sâu về lĩnh vực an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, xúc tiến thương mại… Các bài viết trên Tạp chí không những chỉ giới thiệu các quy định của nước nhập khẩu mà cần chú trọng việc hướng dẫn thực hiện quy trình sản xuất cụ thể như thế nào để đáp ứng các quy định đó. Các mô hình thành công của chuỗi liên kết sản xuất - xuất khẩu rau quả tại các địa phương cần được giới thiệu rộng rãi hơn nữa để nhân rộng.
Tổ chức Hội được củng cố, hoạt động ngày càng có sự đổi mới. Xin Chủ tịch định hướng chỉ đạo tuyên truyền trong thời gian tới để Tạp chí hoàn thành nhiệm vụ mà Hội giao phó, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của hội viên, nông dân?
Trong thời gian tới, cùng với việc đăng tải các thông tin về hoạt động của các cấp Hội trong cả nước, Tạp chí cần quan tâm hơn nữa đến một số nội dung sau:
Một là, cần có các bài viết mang tính học thuật, tổng kết thực tiễn, góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học về mô hình kinh tế VAC hiện đại.
Một điều đáng chú ý là mô hình kinh tế VAC chính là mô hình kinh tế tuần hoàn đơn giản và sớm nhất trong nông nghiệp tại Việt Nam. Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Chương trình “Mỗi xã một mô hình kinh tế tuần hoàn”. Tại các vùng nông thôn, mô hình VAC chính là nền tảng để phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Các mô hình kinh tế tuần hoàn có thể được phát triển và vận hành ở các quy mô khác nhau, không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi khuôn vi vườn hộ, mà có thể ở quy mô trang trại, quy mô thôn, xã hoặc rộng hơn. Đây chính là cơ hội và động lực để Hội Làm vườn Việt Nam tiếp tục tổng kết kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng tầm các mô hình VAC theo hướng nông nghiệp tuần hoàn.
Hai là, cần quan tâm hơn đến việc đăng tải các thông tin liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng, người sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước của các nước và Việt Nam đều đặc biệt quan tâm đến an toàn thực phẩm rau quả. Tạp chí nên cân nhắc, nên có một chuyên mục riêng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng nói chung, góp phần xây dựng văn hóa an toàn thực phẩm tại Việt Nam.
Ba là, cần có nhiều hơn các bài viết có tác dụng khuyến khích, khơi dậy và tạo cảm hứng cho người đọc yêu thích, say mê công việc làm vườn, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ví dụ, các mô hình “Vườn trong trường học” là hình thức tuyên truyền, giáo dục rất hiệu quả cho thế hệ trẻ cần được phổ biến kinh nghiệm để nhân rộng…
Kế thừa và phát huy truyền thống 35 năm đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng ta hy vọng và tin trưởng rằng, những năm tới, Tạp chí Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức, thực sự xứng đáng là cơ quan ngôn luận, là diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của những người làm vườn Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch! Kính chúc Chủ tịch và gia đình năm mới sức khoẻ, hạnh phúc, bình an! Chúc Hội của chúng ta ngày càng lớn mạnh.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.