Thời gian qua, giá hồ tiêu giảm mạnh, trong khi chi phí đầu tư không ngừng tăng. Ở chiều ngược lại, sầu riêng lại đang được bán với giá cao, có thời điểm lên đến 180.000 đồng/kg. Điều này thúc đẩy nông dân phá bỏ hồ tiêu để chuyển sang trồng sầu riêng nhằm tìm lối thoát cho riêng mình.
Tuy nhiên, đó có phải là giải pháp bền vững hay không khi mà hầu hết việc chuyển đổi hiện nay đều tự phát?
Chặt bỏ “vàng đen” một thời
Tại các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nông dân đang chặt bỏ hồ tiêu để chuyển sang trồng loại cây khác, nhiều nhất là sầu riêng. Nguyên nhân chính là do giá hồ tiêu xuống thấp suốt thời gian dài, bà con chán nản, giảm đầu tư chăm sóc vườn tiêu, khiến nhiều trụ tiêu bị bệnh, giảm năng suất khoảng 30% so với thời kỳ đỉnh cao.
Riêng tại Đắk Lắk, trong 5 năm qua, diện tích hồ tiêu của tỉnh này đã giảm hơn 5.000ha, trong tổng số hơn 40.000ha, năng suất ước đạt 30 tạ/ha, sản lượng ước gần 80.000 tấn. Giá cả giảm, trong khi giá nhân công, phân bón, vật tư tăng cao dẫn đến lợi nhuận từ hồ tiêu đạt thấp.
Nhiều diện tích hồ tiêu giảm để trồng xen cây sầu riêng.
Ông Nguyễn Văn Đang, người trồng hồ tiêu ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), chia sẻ: Hơn 5 năm trước, Tây Nguyên được mệnh danh là thủ phủ hồ tiêu. Thời kỳ hoàng kim, có người gọi hồ tiêu là “vàng đen” của Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Giá hồ tiêu thời đó tăng vọt từng ngày, dao động 100.000 - 200.000 đồng/kg nên nhiều gia đình thoát nghèo, giàu lên, trở thành tỷ phú nhờ loại cây này.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, cộng với “bão” giá ập đến khiến giá tiêu lao dốc không phanh, chỉ còn 60.000 - 80.000 đồng/kg, có thời điểm chạm đáy - 45.000 đồng/kg. Thu không đủ chi nên bà con không còn mặn mà với loại cây này. Trong khi nông dân các vùng lân cận trúng đậm sầu riêng, giá bán liên tục tăng khiến ai nấy đều sốt ruột.
“Lúc này, vợ chồng tôi bàn bạc mượn anh em ít vốn mua 300 cây sầu riêng giống về trồng thay thế 3ha trong tổng số 5ha tiêu. Vụ vừa rồi mới thu hoạch, giá bán dao động 70.000 - 130.000 đồng/kg, tùy theo từng loại, trừ chi phí, gia đình thu được hơn 250 triệu đồng. Trồng sầu riêng sướng hơn hồ tiêu rất nhiều, bởi hồ tiêu phải tốn công chăm sóc, thu hái, phân bón nhưng giá cả bấp bênh. Còn giá sầu riêng có xu hướng đi lên vì thị trường rất ưa chuộng loại trái cây này. Phương châm của tôi là sầu riêng phát triển tới đâu thì chặt bỏ hồ tiêu đến đó, tiến tới trồng sầu riêng trên toàn bộ diện tích đất của gia đình”, ông Đang nói.
Một số hộ dân còn giữ lại diện tích trồng cây hồ tiêu.
Đang chọn lựa cây giống, vợ chồng ông Lương Xuân Tài ở huyện Chư Sê (Gia Lai) cho hay: Nhà tôi có 2ha cà phê xen hồ tiêu. Năm vừa rồi năng suất kém quá, hồ tiêu bị bệnh chết nhiều, giá cả lại xuống thấp, trong khi bà con ở một số địa phương ở Đắk Lắk đang trúng đậm sầu riêng. Vì vậy, khi đến vụ sầu riêng, gia đình mua giống trồng xen với 2ha cây cà phê. Hiện giá cây giống sầu riêng cao chót vót, lên đến 100.000 đồng/cây đối với sầu riêng cơm vàng hạt lép, bởi đây là loại trái cây “hot” nhất thị trường. Tuy giá đầu tư hơi cao nhưng bù lại giá bán sầu riêng cũng cao nên tôi vẫn hy vọng thu được lợi nhuận.
Tính toán bài toán lãi lỗ trong vụ thu hoạch sầu riêng so với hồ tiêu, ông Tài cho biết, trung bình, chi phí sản xuất, chăm sóc, nhân công thu hái hồ tiêu khoảng 140 triệu đồng/ha. Trong khi giá hồ tiêu đầu vụ thu hoạch đến nay dao động 71.000 - 74.000 đồng/kg, có thời điểm đạt 82.000 đồng/kg, thì người nông dân chỉ lãi hơn 38 triệu đồng/ha. “Lợi nhuận thấp, có nguy cơ thua lỗ nếu năng suất không đạt nên đến thời điểm hiện tại, nhiều chủ vườn hồ tiêu đã chuyển sang trồng sầu riêng”, ông Tài cho biết thêm.
Ngành hồ tiêu trong nước bấp bênh
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cho biết, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, chiếm 11% thị phần toàn cầu năm 2022, trong đó đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm, năm 2020, diện tích đạt hơn 130.000ha, năm 2023 còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn. Hiện lợi nhuận sầu riêng cao hơn 20 lần so với hồ tiêu. Do đó, dự báo hồ tiêu sẽ còn giảm diện tích do nông dân chặt bỏ để chuyển sang trồng sầu riêng.
Theo các chuyên gia, giá hồ tiêu liên tục giảm trong đã tác động không nhỏ đến việc đầu tư phân bón, chăm sóc của người nông dân đối với loại cây này. Bên cạnh đó, do lạm phát kinh tế toàn cầu kéo dài và bất ổn trên thị trường tài chính làm các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản… tăng trưởng chậm lại, khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu giảm, dẫn đến giá thu mua giảm. Lượng hồ tiêu vụ mùa 2023 trong dân và doanh nghiệp không còn nhiều. Từ giờ đến cuối năm, hồ tiêu xuất khẩu chủ yếu từ lượng tồn kho từ các năm trước đó. Đây được cho là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu nội địa hiện nay tăng. |
Theo bà Liên, đây là điều bình thường khi xét về tư duy kinh tế. Hiện, cây sầu riêng đang có hiệu quả kinh tế nổi trội khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đối với vườn hồ tiêu, việc tái canh diễn ra thường xuyên khi xuất hiện cây chết, già cỗi hoặc năng suất thấp, người dân có thể thay bằng sầu riêng, mít, bơ... Bà con là người quyết định sẽ tái canh cây gì trên đất của mình nhưng cần lưu ý Trung Quốc cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng trồng thuần. Sầu riêng trồng xen canh với các cây trồng khác không đủ điều kiện để cấp mã số xuất sang Trung Quốc.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), nhận định, dưới tác động yếu tố dịch bệnh, chuyển đổi sang cây trồng khác, đặc biệt là cây sầu riêng, diện tích hồ tiêu có thể giảm mạnh. “Việt Nam có thể chỉ còn 60.000 - 70.000ha hồ tiêu, bằng một nửa so với số liệu công bố năm 2021. Trong đó, tổng diện tích hồ tiêu tại tỉnh Gia Lai khoảng trên 13.500 ha, tập trung ở các huyện Chư Sê, Đăk Đoa, Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai. Với thực tế giá tiêu ở mức thấp kéo dài như hiện nay, diện tích sẽ còn giảm, kéo theo sản lượng giảm. Trước thực trạng giá hồ tiêu lên xuống thất thường nhiều năm qua, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân thận trọng trong việc chuyển đổi cây trồng mà chú trọng chăm sóc, phục dưỡng diện tích tiêu đang cho năng suất ổn định, nhằm phát triển bền vững cây hồ tiêu”, ông Bình nói.
Theo nhiều nông dân ở Tây Nguyên, để tiết giảm chi phí đầu tư, người trồng hồ tiêu huy động nguồn nhân công trong gia đình thu hái hoặc hái đổi công trong xóm, trong vùng. Ngoài ra, nên trồng xen canh hồ tiêu với cà phê, sầu riêng, bơ... để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển hồ tiêu bền vững, ngoài kỳ vọng về giá, nông dân kiến nghị, các cấp, ngành tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, có giải pháp ổn định về giá các loại mặt hàng này nhằm giúp nông dân có nguồn thu ổn định, yên tâm sản xuất.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.