Mặc dù mới chỉ bắt đầu vào mùa nắng nóng, nhưng trong những ngày qua nhiệt độ ở các tỉnh miền Trung tăng cao làm gia tăng tình trạng khô hạn. Nhiều hồ nước ở các địa phương này đều đang ở mức thấp, ứng phó với tình trạng khô hạn đang được các địa phương chủ động triển khai.
Nghệ An các hồ chứa nước chỉ đạt dưới 50% dung tích
Thông tin từ Chi cục Thuỷ lợi, Nghệ An có 1.061 hồ chứa, tính đến thời điểm này có 126 hồ chứa chỉ đạt dưới 50% dung tích, trong đó có 108 hồ chứa do địa phương quản lý, 18 hồ chứa do các công ty TNHH thủy lợi quản lý.
Hồ chứa nước Khe Dứa xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ chỉ còn 40% dung tích nước. Ảnh: Văn Trường (chụp ngày 4/4/2024).
Đập Choạc thuộc xóm Yên Viên, thuộc xã Tiến Thành (Yên Thành) có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 30ha lúa trên địa bàn, tuy nhiên vào thời điểm này đập Choạc đang ở trong tình trạng cạn khô đáy.
Thời điểm này tại đập Choạc xóm Yên Viên một số khu vực ở xã Tiến Thành, huyện Yên Thành đã khô cạn, trâu, bò ra tận gần giữa khu vực lòng hồ để ăn cỏ. Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết: Đập Choạc thuộc xóm Yên Viên tưới cho trên 30 ha lúa, hiện nay nguồn nước tại đây chỉ còn trên 30% dung tích.
Ông Phan Văn Vũ - Chủ tịch UBND xã Tiến Thành cho biết, toàn xã Tiến Thành có 8 hồ chứa, phục vụ nước tưới cho trên 270 ha lúa xuân, tuy nhiên nguồn nước hồ chứa đang rất khó khăn. Có 3 hồ chứa đang được nâng cấp, 5 hồ chứa còn lại nguồn nước chỉ đạt từ 30-45%. Nguyên nhân là trong năm vừa qua tại khu vực này mưa ít nên nguồn nước chảy vào hồ chứa hạn chế.
Huyện Tân Kỳ các hồ chứa nước cũng đều nằm trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Đại diện Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi huyện Tân kỳ cho biết: Đơn vị quản lý 7 hồ chứa trên địa bàn, tưới cho 1.200 ha lúa, đến nay có 5/7 hồ chứa mực nước chỉ đạt 35-50%. Trong đó có hồ chứa nước Trường Thọ xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ hiện chỉ còn trên 35% dung tích nước, hồ chứa nước Khe Dứa xã Nghĩa Phúc còn 40% dung tích nước.
Nguy cơ thiếu nước cho hoạt động sản xuất nông nghiệp đang hiện hữu, nếu không bảo đảm được nguồn nước tưới cho cây cối, hoa màu, đặc biệt là cho cây lúa đang trong thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông sẽ gây thiệt hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh miền Trung này. Không những thiếu nước cho hoạt động sản xuất, mà ngay đến nước sinh hoạt bà con cũng đang phải chật vật mới có đủ nước để sử dụng hàng ngày.
Người dân miền núi Quảng Bình thiếu nước sinh hoạt
Nhiều hộ dân bản Cây Cà, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đang phải chật vật lo nước sạch cho ăn uống hàng ngày, bởi nước giếng khoan ở đây đã bị cạn kiệt, không đủ nước để bơm lên để sử dụng, nếu có thì độ phèn rất cao sử dụng vào ăn uống rất dễ sinh bệnh tật.
Nguồn nước sông Long Đại ở mức thấp mặc dù mới đầu mùa nắng (ảnh VOV)
Ông Hồ Ngọc Dũng cho biết, khu vực gia đình ông sinh sống có 15 hộ dân, đang phải xuống sông Long Đại để gánh nước về sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước sông hiện nay chỉ dùng để tắm giặt, còn nước dùng cho ăn uống thì không đảm bảo vệ sinh. Hiện nay bà con ở đây đang sử dụng chung 1 giếng khoan nhưng nước bị cạn kiệt, nếu có thì cũng rất ít nước, mà nước lại bị nhiễm phèn nên rất khó sử dụng.
Người dân xã Trường Sơn chủ yếu sử dụng nguồn nước từ các con đập nhỏ, các khe suối tự chảy. Đầu mùa hè, khe suối cạn nước, đập tích nước quy mô nhỏ lại phục vụ nhiều thôn bản nên xảy ra thiếu nước. Đập tự chảy tại bản Cây Sú xây dựng từ năm 2020 cung cấp nước sinh hoạt cho các thôn bản trong xã. Mới đầu mùa nắng nhưng khe suối đã khô cạn.
Xã Trường Sơn có 1.300 hộ dân, trong đó hơn 400 hộ dân bị thiếu nước sạch sinh hoạt. Trong những năm gần đây, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đề nghị tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung tại các khu vực nông thôn và miền núi. Trước đó, huyện Quảng Ninh cũng đã hỗ trợ kinh phí đối với các xã có nhu cầu cấp bách về nước sạch, như xã An Ninh, Vạn Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn với số tiền 400 triệu đồng.
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh tỏ ra lo lắng: “Nếu nói về nguồn nước đủ điều kiện theo quy chuẩn là nước sạch thì trên địa bàn chưa có, chỉ mới là nước sinh hoạt chung. Mong muốn của người dân và chính quyền địa phương cấp trên có nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư nguồn nước tự chảy từ các khe suối lớn về cho người dân sinh hoạt”.
Theo thống kê, nhiều khu dân cư, thôn, bản thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Bình đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng. Tỉnh Quảng Bình cũng có các giải pháp giúp người dân có nước sạch nhưng nguồn lực có hạn nên hiện nay hơn chục nghìn hộ dân từ vùng núi đến vùng ven biển đang rất khó khăn về nguồn nước sạch.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trong thời gian tới, xác định nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài, vì vậy sẽ ảnh hưởng do hạn hán. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo và phòng chống hạn, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu nước, điều tiết các hồ nước và đảm bảo các nguồn dự trữ nước”.
Chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước là nhiệm vụ quan trọng
Hà Tĩnh là một địa phương thuộc các tỉnh miền Trung nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng khô hạn rất lớn. Theo dự báo nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán từ tháng 3 đến tháng 7, vì thế tỉnh Hà Tĩnh đang thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết để đối phó với tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn.
Hồ Kẻ Gỗ cạn trơ đáy vào năm 2023 (Ảnh Lê Minh)
Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trong các ngày 3-4 vừa qua, toàn tỉnh có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 38-40 độ C, riêng TP Hà Tĩnh và Hương Khê khả năng nhiệt độ tiếp tục cao trên 40 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất 30-40%.
Ông Trần Đức Thịnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) cho biết, trước dự báo thời điểm hiện tại và những tháng tới nắng nóng kéo dài, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm mặn.
Theo ông Thịnh, trường hợp hạn hán kéo dài, việc tích trữ nước để sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho ngành nông nghiệp là rất quan trọng. Địa phương sẽ không để tình trạng thiếu nước sinh hoạt khi mùa khô đến, đồng thời đang tính toán các phương án, tích trữ, tiết kiệm nước để phục vụ cho nông dân tưới tiêu vụ đông xuân và hè thu.
Thời điểm hiện tại, lượng nước tích trữ tại các ao hồ, công trình thủy lợi trên địa bàn đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu. Tuy nhiên, vào cuối tháng 5 này người dân bắt đầu bước vào sản xuất vụ hè thu nên cần lượng nước tưới tiêu lớn, song với dự báo nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới tiêu có thể xảy ra.
Còn tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An) theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Tân kỳ cho biết đơn vị đã thực hiện điều tiết, dồn ép nước hợp lý, thực hiện tưới theo phương châm “gần thấp tưới sau, xa cao tưới trước”. Lên phương án đặt máy bơm dã chiến tại một số vùng khe, suối, sông cụt, bơm nước hồi quy lên để “cứu” lúa giai đoạn nắng nóng.
Để bảo đảm nguồn nước sạch sinh hoạt cho bà con, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình đã báo cáo với tỉnh bố trí nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa, đặc biệt là mở rộng phạm vi cấp nước đối với những công trình nước sạch, kéo dài tuyến ống cấp nước cho bà con ở vùng cuối công trình. Địa phương cũng tuyên truyền người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm trong mùa nắng, ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản và các ngành sản xuất trọng yếu khác.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết đang diễn ra hiện nay, các ngành chức năng và bà con nông dân cần theo dõi sát sao dự báo thời tiết, đồng thời phải chủ động và áp dụng những biện pháp canh tác hiện đại, tưới nhỏ giọt và dự trữ nước cho những cánh đồng lúa đang vào thời kỳ trổ bông. Đồng thời các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực thủy nông, cần tranh thủ để nạo vét kênh, mương máng, tu sửa gia cố lại các hồ đập đảm bảo an toàn để tích nước khi mùa mưa bão về.
Theo baonghean.vn, vov.vn, baoquangbinh.vn
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.