Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 | 11:7

Mùa quả ngọt ở Hòa Bình

Trung tuần tháng 12, thời điểm chính vụ thu hái nhiều loại trái cây ở các địa phương của tỉnh Hòa Bình. Nhiều nơi, nông dân tất bật thu hái quả bán cho các tiểu thương ở khắp nơi về thu mua tại vườn và cả qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội.

Năm nay, cây có múi ở Hòa Bình được mùa, người dân rất phấn khởi chuẩn bị đón một mùa Xuân mới no đủ, ấm áp.

Quả ngọt ở Vân Sơn

quýt cổ Nam Sơn tại xã Vân Sơn (Tân Lạc). Các nhà vườn trên địa bàn xã "quên ăn, quên ngủ” để thu hoạch, đảm bảo cung cấp cho tư thương thu mua tận vườn. Niên vụ 2024, quýt cổ tiếp tục "được mùa, được giá”, người dân phấn khởi chuẩn bị đón một mùa Xuân mới no đủ, ấm áp.

Vườn quýt cổ của gia đình anh Bùi Văn Tuấn ở xóm Xôm, xã Vân Sơn (Tân Lạc) dự kiến niên vụ 2024 cho thu nhập cao.

Dọc con đường vào xóm Xôm, tấp nập xe tải mang biển kiểm soát của các tỉnh lân cận đến chở quýt cổ Nam Sơn về các chợ đầu mối tiêu thụ. Do cây có múi được trồng dọc theo sườn đồi nên việc thu hoạch của bà con có đôi chút khó khăn. Người dân phải sử dụng xe máy để tăng bo hàng tập kết tại các bãi đất trống, nơi được lựa chọn để đóng hàng bằng các thùng xốp 10kg, 20kg… 

Ông Lương Đình Cương, tư thương ở chợ Long Biên (Hà Nội) cho biết: "Hơn 10 năm thu mua hoa quả tại Hòa Bình, đây là lần đầu tiên tôi đến với các nhà vườn tại vùng cao Tân Lạc. Qua nếm thử cho thấy cây có múi trồng tại khu vực này có hương vị thơm mát, vị ngọt thanh. Hiện nay, giá thu mua tại vườn dao động khoảng 24.000 đồng/kg, cao hơn một chút so với các giống cam, quýt tại một số địa phương lân cận. Quá trình thu mua, tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm để các nhà vườn tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Hy vọng trong nhiều năm tới sẽ liên kết với địa phương để tiêu thụ sản phẩm cây có múi của bà con  trên địa bàn”.

Tại nhà vườn quýt cổ của gia đình anh Bùi Văn Tuấn ở xóm Xôm cũng chất hàng hóa chờ tư thương vận chuyển. Hơn 15 người lao động tham gia các công đoạn từ thu hái, vệ sinh và đóng hàng. Niên vụ này, sản lượng vườn cây có múi của anh Tuấn đạt trên 30 tấn, giá thành bình quân đạt 35.000 đồng/kg, tổng thu ước đạt gần 1 tỷ đồng. Tư thương thu mua tận vườn đến từ Hà Nội và các tỉnh lân cận. Anh Tuấn phấn khởi chia sẻ: "Hơn 10 năm trồng quýt cổ Nam Sơn, tôi đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý để phát triển mô hình. Hiện nay, quýt cổ Nam Sơn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường và được nhiều người biết bởi mẫu mã đẹp, vỏ mỏng, nhiều nước và hương thơm đặc trưng. Thời gian tới, gia đình có kế hoạch nhân rộng diện tích, tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đồng thời chú trọng thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm chuyên nghiệp, ấn tượng với khách hàng”.

Qua khảo sát tại các nhà vườn, năm nay quýt cổ Nam Sơn sai quả, mã đẹp. Chất lượng cũng được nâng cao sau nhiều năm người dân tích lũy kinh nghiệm chăm bón. Diện tích cây có múi trên địa bàn xã Vân Sơn hiện có trên 400 ha, trong đó quá nửa diện tích ở thời kỳ kinh doanh. Quýt cổ Nam Sơn bao gồm các giống quýt ngọt, quýt dẹt bánh xe… Cùng với đó, nhiều hộ thí điểm trồng các giống cam V2, đường Canh… để đa dạng mẫu mã sản phẩm. 

Dự kiến niên vụ 2024, tổng sản lượng quýt cổ trên địa bàn ước đạt trên 1.000 tấn. Giá thành ổn định ở mức 30.000 - 35.000 đồng/kg, đầu vụ có thể lên tới 55.000 - 60.000 đồng/kg. So với mọi năm, việc tiêu thụ quýt cổ Nam Sơn thuận lợi hơn khi các tuyến đường liên thôn, xóm đã được đầu tư xây dựng. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tư thương thu mua tại vườn. Bên cạnh đó, người dân tích cực quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube để mọi người biết đến nhiều hơn. 

Ông Hà Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn khẳng định: "Quýt cổ là cây trồng chủ lực giúp bà con trên địa bàn từng bước giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo thống kê, thu nhập bình quân hiện nay ước đạt 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 13,7%, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích bà con mở rộng diện tích cây có múi theo quy hoạch chung. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăm sóc để nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Thành lập hợp tác xã nhằm tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ hàng hóa đảm bảo giá thành ổn định. Từ đó tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu quýt cổ Nam Sơn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Các vùng bưởi vào vụ thu hoạch

Thời điểm này, các vùng trồng bưởi trong tỉnh bước vào vụ thu hoạch. Nhiều nơi nông dân tất bật thu hái bưởi bán cho các tiểu thương ở khắp nơi về thu mua tại vườn và cả qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội. Những ngày giữa tháng 12, cảnh quan ở nhiều khu phố, thôn, xóm trên địa bàn huyện Tân Lạc trở nên bắt mắt hơn, không khí rộn ràng, tấp nập hơn khi những vườn bưởi đang vào chính vụ thu hoạch.

Sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc được Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa đóng gói và được đưa đi xuất khẩu bởi Công ty CP ECO Hòa Bình vào cuối tháng 11/2024.

Chúng tôi đến thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc), hương bưởi thơm nhẹ len lỏi từng ngõ xóm. Trong vườn, những quả bưởi chín với màu vàng óng ả, lúc lỉu nặng trĩu cành cây. Ghé thăm vườn bưởi 14 năm tuổi của gia đình ông Phạm Văn Hồi, khu Tân Phong, hàng trăm quả bưởi vừa hái đã được đóng vào bao, xếp lên xe đẩy để trả đơn cho tiểu thương. Ông Hồi cho biết: Vườn bưởi của gia đình có diện tích gần 3.000 m2 với các loại bưởi da xanh, bưởi đỏ, bưởi Diễn, được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, bưởi da xanh đã thu hoạch từ tháng 8, hiện đã là cuối vụ; bưởi đỏ thu hoạch từ cuối tháng 10, thời điểm này gia đình tiếp tục thu hoạch thêm bưởi Diễn. Với các kích cỡ như quả bi, loại 8 lạng đến 1,2kg, loại từ 1,2 - 1,5kg, từ 1,5 - 2kg và từ 2kg trở lên, giá bưởi da xanh dao động từ 10.000 - 40.000 đồng/kg. Bưởi đỏ và bưởi Diễn chủ yếu bán theo quả chứ không tính cân. So với niên vụ trước, giá bưởi năm nay giảm nhẹ.

Những năm qua, với sự cải tiến trong quy trình kỹ thuật, tư duy sản xuất của nông dân ngày càng tiến bộ, chất lượng sản phẩm bưởi đã nâng lên và được người tiêu dùng đánh giá cao. Theo số liệu của phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc, toàn huyện hiện có trên 1.100ha bưởi các loại đang cho thu hoạch. Tính đến ngày 30/9/2024, toàn huyện có trên 217ha bưởi được cấp chứng nhận VietGAP, hữu cơ, được cấp mã số vùng trồng nội địa và xuất khẩu. Một số diện tích trồng bưởi tập trung ở các xã: Thanh Hối, Đông Lai, Tử Nê có giá trị thu nhập cao, đạt khoảng 380 - 415 triệu đồng/ha; giá trị trung bình trên 1ha trồng bưởi của huyện đạt 194,45 triệu đồng.

Dự kiến sản lượng bưởi năm 2024 ước đạt trên 17.600 tấn, được tiêu thụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Để đồng hành cùng nông dân trong tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm ở trong và ngoài địa bàn như: tham gia các lễ hội, hội chợ, các chương trình quảng bá sản phẩm trong tỉnh; duy trì các điểm bán bưởi trong huyện, trong tỉnh; tích cực kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu...

Cùng với huyện Tân Lạc, nông dân tại các vùng trồng bưởi ở địa bàn các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy... cũng tất bật thu hoạch để chuẩn bị cho các đơn hàng gần xa. Hiện, toàn tỉnh có tổng diện tích trồng bưởi các loại khoảng 5.400ha, trong đó huyện Tân Lạc có trên 1.100ha, huyện Lương Sơn gần 800ha, huyện Yên Thủy khoảng 600ha... Dự kiến sản lượng bưởi niên vụ 2024 đạt khoảng 105 nghìn tấn, đến giữa tháng 1/2025 sẽ kết thúc thu hoạch bưởi Diễn. 

Mùa thu hoạch bưởi đến cũng là lúc các địa phương tập trung cho một mùa xuất khẩu mới. Niên vụ này, có 3 loại bưởi được xuất khẩu là bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh là mặt hàng mới được xuất khẩu lần đầu tiên. Tuy nhiên, do tác động của thiên tai, đặc biệt là sau cơn bão số 3, tỷ lệ mẫu mã quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giảm do sâu bệnh phát sinh sau mưa kéo dài, dù chất lượng bên trong của quả rất tốt, đảm bảo độ Brix.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để tăng sản lượng xuất khẩu bưởi trong niên vụ này, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đã cấp 35 mã số vùng trồng cho sản phẩm bưởi để xuất khẩu sang các thị trường: Australia, Newzealand, Anh, Mỹ, EU, Hàn Quốc; tăng diện tích được cấp chứng nhận GlobalGAP. Sở NN&PTNT cũng ban hành quy trình canh tác đối với bưởi xuất khẩu để đảm bảo việc tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu. Với nhu cầu của các doanh nghiệp đặt hàng trong năm nay, tổng sản lượng bưởi xuất khẩu có thể đạt từ 250 - 300 tấn. Đối với định hướng tiêu thụ bưởi, ngoài tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, các địa phương cần chú ý sử dụng hiệu ứng từ hoạt động xuất khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Từ đó không chỉ riêng các sản phẩm bưởi mà cả những mặt hàng nông sản khác của tỉnh cũng có chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước.

Thúc đẩy tiêu thụ

Năm 2024, Sở Công Thương tỉnh Hòa Bình tiếp tục hoàn thành xây dựng 2 điểm bán hàng với tên gọi "Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Lương Sơn và thành phố Hòa Bình. Ngay khi đi vào hoạt động, 2 điểm bán hàng đã trở thành địa chỉ mua sắm uy tín tại địa phương bởi chất lượng, mẫu mã cũng như giá cả đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Năm 2024, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. 

Năm 2024, Sở Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã thu hút đông đảo người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Điểm bán hàng Việt Nam là mô hình cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước, được ngành Công Thương đề xuất và triển khai nhằm khuyến khích tiêu dùng nội địa, xây dựng niềm tin vào thương hiệu Việt. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo động lực để người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm nội địa, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Tính đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh thực hiện 10 điểm bán hàng Việt. 

Cùng với việc nhân rộng mô hình Điểm bán hàng Việt Nam, thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức có hiệu quả các chương trình, góp phần lan toả, vận động người dân hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nhiều nội dung đã đem lại những chuyển biến tích cực, thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng như: tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP; tổ chức hội chợ nông sản; đấu tranh, tố giác các hành vi kinh doanh hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; hỗ trợ các chủ thể OCOP, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, phát triển thị trường… 

Tính riêng năm 2024, Sở Công Thương tiếp nhận và giải quyết trên 26,8 nghìn hồ sơ thông báo hoạt động khuyến mại; xác nhận đăng ký thực hiện khuyến mại cho 19 tổ chức, các nhân trên địa bàn. Hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp qua "Gian hàng Việt trực tuyến” trên 3 sàn thương mại điện tử như: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sàn Postmart.vn; Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel sàn voso.vn; Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ - thuộc Tập đoàn FPT sendo.vn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp, nông thôn được thực hiện hiệu quả. Hỗ trợ các đơn vị tham gia giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hòa Bình.

Cũng trong năm 2024, ngành Công Thương đã tham mưu, chủ trì tổ chức 6 hội chợ với khoảng 800 gian hàng, thu hút trên 150 triệu lượt khách tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn tham gia 10 hội chợ khắp cả nước; vận động, hướng dẫn, tổ chức cho hơn 30 lượt doanh nghiệp của tỉnh tham gia chương trình hội chợ tại các tỉnh và thành phố trong cả nước... Qua các hoạt động đã giúp các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiếp cận với những tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng. 

Đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt, nhiều năm qua, tỉnh Hòa Bình triển khai nghiêm túc và hiệu quả chương trình bình ổn giá, nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong các dịp lễ, Tết. Năm 2024, có 5 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, tổng số tiền doanh nghiệp tự bình ổn gần 48,3 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. 

Kết quả đạt được là đáng ghi nhận, song theo ông Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn bộc lộ những hạn chế, như trong hoạt động tổ chức hội chợ, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được nhiều nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng; nguồn ngân sách cho hoạt động xúc tiến thương mại, kinh phí tuyên truyền và triển khai chương trình hành động còn hạn chế...

"Trong năm 2025, ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin thị trường đến mọi tầng lớp nhân dân; cung cấp thông tin giúp người tiêu dùng trong tỉnh nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp. Ngành cũng tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại gắn liền với quảng bá du lịch Hoà Bình. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường... từng bước tạo thói quen mua sắm và ưu tiên sử dụng hàng hoá do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất”, ông Thắng cho biết thêm.

Theo baohoabinh.com.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top