Năm 2024 là một năm phát triển ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD, có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Năm 2024 là một năm phát triển ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu.
11 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Năm 2024 là một năm phát triển ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD tăng trên 18% so năm 2023.
Trong đó, có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,8 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD). Xét về tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều đạt hai con số: cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.
Về thị trường, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 12,3 tỷ USD (11 tháng 2024); Trung Quốc đứng thứ hai với 12, 2 tỷ USD; tiếp đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Theo ông Lê Thanh Hoà, mục tiêu đặt ra cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 là 55 tỷ USD. Tuy nhiên tính đến nay, giá trị xuất khẩu đã vượt xa mục tiêu đề ra, đạt hơn 62 tỷ USD; trong đó, giá trị thặng dư thương mại đạt trên 6 tỷ USD. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa thị trường, đưa thuế quan nhiều mặt hàng xuống thấp hoặc về 0%. Song song đó, công tác đàm phát mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng được các bộ, ngành tích cực triển khai, giúp nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam ngày càng vươn xa.
Ông Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: Sản xuất nông nghiệp trong nước duy trì ổn định, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Bối cảnh đưa ra là nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...
Sự chuyển mình vượt thách thức
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm nay, ngành nông nghiệp gặp nhiều thách thức, đặc biệt cơn bão số 3 vào đầu tháng 9 gây thiệt hại vô cùng lớn, chỉ riêng ngành nông nghiệp thiệt hại tới 31 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là điểm sáng, cho thấy sự chuyển mình vươn lên tầm cao mới.
Có được kết quả như ngày hôm nay, đầu tiên, phải kể đến sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Sau cơn bão số 3, Chính phủ đã có Nghị quyết 143/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 100 chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tái thiết lại sản xuất.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, toàn ngành nông nghiệp đã tỏa đi các địa phương đánh giá mức độ thiệt hại, đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất, ưu tiên các nhóm cây ngắn ngày, các loại thủy cầm, gia cầm; khuyến khích các địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão lũ tăng tốc sản xuất, trọng điểm là thúc đẩy các tỉnh Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long để tăng thủy sản nuôi trồng, tăng nguồn thực phẩm.
Việt Nam đang mở cửa ở những thị trường mới, đặc biệt thị trường Halal ở Trung Đông.
Sự chuyển mình của ngành nông nghiệp hôm nay cũng là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Việc khắc phục hạn mặn, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại đã tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch song phương giữa các bên tăng trưởng đột phá.
“Tôi tin tưởng những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ký được các nghị định thư về các sản phẩm động vật, thủy sản. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu sẽ đạt được mức tăng trưởng rất lớn. Không chỉ tăng tốc xuất khẩu vào các thị trường truyền thống, Việt Nam đang mở cửa ở những thị trường mới, đặc biệt thị trường Halal ở Trung Đông”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Halal được đánh giá là một thị trường tiềm năng, đầy cơ hội để Việt Nam dần chinh phục và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường này. Hiện nay, một số doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi như Deheus, Hùng Nhơn… đang rà soát lại khâu chế biến, an toàn thực phẩm, vùng nguyên liệu, để trong tương lai không xa nữa thì thịt gà chế biến của Việt Nam sẽ tiến vào thị trường Halal. Ngoài ra, một số sản phẩm khác như nông sản và một số sản phẩm từ thủy sản cũng sẽ vào được thị trường Halal.
Khó khăn đối với thị trường Halal hiện nay là thị trường này đòi hỏi các tiêu chí rất chặt chẽ và kỹ lưỡng; đồng thời, các nước không thừa nhận lẫn nhau, nên khi mở cửa thị trường của nước nào là phải chắc thị trường đó. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng nông sản Việt Nam sẽ vào thị trường Halal với quy mô và tỷ suất hàng hoá lớn...
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, những năm tới nông sản Việt Nam cũng có thêm cơ hội trong mở rộng thị trường xuất khẩu sang những khu vực tiềm năng như Trung Đông và cả một số nước châu Phi. Dư địa tăng trưởng còn nhiều, song Lãnh đạo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cũng còn không ít thách thức phía trước khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu.
Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh bền vững. Để triển khai đồng bộ giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 và những năm tới, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Ưu tiên thúc đẩy ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Đồng thời đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Để xuất khẩu hiệu quả, bền vững cần bổ sung cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, phát triển các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất – chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, ngành hàng tiếp tục khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, mở rộng thị phần tại những thị trường tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...; tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.
Về phía nông dân cần nâng cao kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Trong 5 năm vừa qua, vượt qua tác động lớn của dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản của Việt Nam liên tục tăng trưởng từ 41,4 tỷ USD năm 2020 lên hơn 62 tỷ USD năm 2024. Trong năm 2025, xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn còn có nhiều cơ hội và dư địa tăng trưởng.
Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết sản xuất trong nước duy trì ổn định, dự báo nhóm hàng nông sản vẫn có thể đạt tăng trưởng tốt trong quý 1/2025. Nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...
Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng lưu ý xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức mới. Kết quả bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ đầu tháng 11/2024 có thể xuất hiện nhiều thay đổi chính sách vĩ mô lớn tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2025 như tiền tệ, thuế, rào cản thương mại... Các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản trong đó có Việt Nam.
Để thích ứng với bối cảnh thách thức như trên, Lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Đồng thời, đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Cụ thể, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao; phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật trong xuất khẩu…/.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.