Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản/phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD. Mặc dù đem lại giá trị lớn nhưng ngành gỗ Việt Nam cũng đang đối mặt với sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách của các thị trường xuất khẩu.
Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, Chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends khẳng định bức tranh ngành gỗ Việt chịu ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Bức tranh ngành gỗ trước các tác động mới
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết dự báo năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản/phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 16,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt gần 9 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này đạt trên 230 triệu USD.
Như vậy, tính riêng thị trường Hoa Kỳ, ngành gỗ Việt đã xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm, điều này cho thấy Hoa Kỳ là thị trường chủ lực và quan trọng hàng đầu của ngành gỗ Việt.
Theo ông Đỗ Xuân Lập, Hoa Kỳ sẽ có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới với các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này trong tương lai, mức thuế dự kiến sẽ đưa ra là 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.
“Ngành gỗ Việt Nam có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Hoa Kỳ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc nhưng cũng có thể chịu các tác động tiêu cực. Hoa Kỳ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ, điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất", ông Đỗ Xuân Lập dự báo.
Tiến sỹ Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends cũng khẳng định bức tranh ngành gỗ Việt chịu ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, do đó các chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng trong thời gian tới sẽ tạo nên những thay đổi tác động đến ngành gỗ của Việt Nam.
Tiến sỹ Tô Xuân Phúc dự báo các chính sách của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tạo ra 3 dòng dịch chuyển chính trong thời gian tới gồm: Dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia; dịch chuyển về dòng vốn đầu tư Trung Quốc sang các nước khác và chính sách dịch chuyển về lao động nhập cư. Những chính sách này sẽ có tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần linh hoạt thích ứng
Tiến sỹ Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Việt Nam cho rằng chính sách của chính quyền Trump mang đến cả cơ hội và thách thức. Do đó, Việt Nam cần linh hoạt trong việc thích ứng, tận dụng cơ hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh nội địa.
Chỉ ra các thách thức cụ thể, Tiến sỹ Huỳnh Thế Du cho biết Hoa Kỳ yêu cầu gỗ xuất khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý và môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam chú ý vấn đề về chứng minh nguồn nguyên liệu không vi phạm luật pháp quốc tế.
Doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng với các yêu cầu mới từ chính sách Hoa Kỳ.
“Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp. Hoa Kỳ có thể điều tra và áp thuế nếu phát hiện gian lận xuất xứ hoặc chuyển tải từ nước thứ ba, ví dụ: Trung Quốc chuyển hàng qua Việt Nam để né thuế", Tiến sỹ Huỳnh Thế Du dự báo.
Sự thay đổi về các chính sách của Hoa Kỳ cũng sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các nhà cung cấp khác. Những quốc gia như Malaysia, Indonesia và Thái Lan có thể tận dụng lợi thế để tăng xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ, gây áp lực cạnh tranh lên sản phẩm củaViệt Nam. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ ngành gỗ nội địa, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo tiến sỹ Huỳnh Thế Du, doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng với các yêu cầu mới từ chính sách Hoa Kỳ, tăng cường đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế.
Từ những thách thức và cơ hội của ngành gỗ trong thời gian tới, tiến sỹ Tô Xuân Phúc cho rằng các doanh nghiệp cần sẵn sàng ứng phó với các cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía Hoa Kỳ bằng cách nâng cao năng lực pháp lý và cải thiện quản trị rủi ro. Về dài hạn, nếu biết tận dụng cơ hội từ sự dịch chuyển đầu tư và thương mại toàn cầu, ngành gỗ Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu khu vực.
Ông Đỗ Xuân Lập cũng nhận định ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn từ bối cảnh thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, ngành gỗ đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện, từ phối hợp liên ngành đến nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp nhằm ứng phó hiệu quả và thích ứng với xu thế mới.
Đáp ứng các yêu cầu xanh từ thị trường
Đánh giá về xu hướng thị trường năm 2025, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho rằng, đây sẽ vẫn là một năm khó đoán định của ngành gỗ. Bên cạnh việc theo dõi sát sao các chính sách của chính quyền mới ở Mỹ - thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các yếu tố như chi phí đầu vào tăng, vận tải biển và các chi phí logistic, sức mua thị trường có thể biến động.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Giám đốc điều hành CTCP Lâm Việt kiêm Trưởng ban xúc tiến thương mại, Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) Nguyễn Thanh Lam cho biết, tình hình xuất khẩu gỗ của doanh nghiệp sang Mỹ năm 2025 có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng.
Yếu tố xanh vẫn là một trong những tác động đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2025 và dài hạn.
Tuy nhiên, ông Lam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần quan tâm về các tác động xung quanh thị trường, ví dụ như những chính sách của chính quyền mới tại Mỹ, việc Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường. Ông Lam cho rằng, những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Tại thị trường châu Âu, gỗ xuất khẩu có thể sẽ khó khăn hơn do tác động từ triển vọng kinh tế vĩ mô của khu vực này.
Ngày 4/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp – hai nền kinh tế hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Tổ chức này cho rằng, khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của các nước trên.
Cụ thể, OECD kỳ vọng nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm 2025, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%. Pháp cũng bị giảm kỳ vọng 0,3% trong dự báo tăng trưởng của nước này, từ 1,2% xuống còn 0,9%.
OECD cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt từ các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới sẽ gây ra rủi ro đối với tăng trưởng toàn cầu. Theo tổ chức này, việc gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại có thể làm tăng chi phí và giá cả, cản trở đầu tư, làm suy yếu đổi mới sáng tạo cũng như giảm tăng trưởng của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, yếu tố xanh vẫn là một trong những tác động đến xu hướng xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2025 và dài hạn hơn, khi mà nhiều quy định của các thị trường đang được triển khai, thực thi như quy định chống phá rừng (EUDR) hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu...
Dù vậy, song hành với các thách thức đáp ứng các yêu cầu xanh từ thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cũng sẽ có cơ hội để nâng cao năng lực của mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Lam, EUDR sẽ buộc các doanh nghiệp ngành gỗ đầu tư và chuyển đổi số tốt hơn. Doanh nghiệp đáp ứng EUDR sẽ không chỉ thể hiện sự minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc gỗ mà còn thể hiện năng lực chuyển đổi xanh của doanh nghiệp tốt hơn.
Đối với việc EUDR gia hạn thêm một năm, Giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Thường Lạng cho rằng, Việt Nam sẽ có thời gian để điều chỉnh chiến lược, đặc biệt là việc chống phá rừng.
Việt Nam cũng có thời gian để điều chỉnh về chuỗi cung ứng, cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu gỗ.
“Điều quan trọng ở đây là chúng ta không bị động, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của Nhà nước, có sự cảnh báo sớm và điều chỉnh chiến lược, chính sách và chuỗi cung ứng, đặc biệt để doanh nghiệp biết được hạn chế, không chế dần tất cả hành vi được coi là sai phạm tiêu chuẩn,” ông Nguyễn Thường Lạng cho hay.
Trước đó, tại kỳ họp ngày 13 - 14/11/2024, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua đề xuất hoãn thực thi EUDR trong 12 tháng.
Theo quyết định mới, các doanh nghiệp lớn sẽ phải tuân thủ Quy định chống phá rừng (EUDR) từ ngày 30/12/2025, trong khi các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ có thời gian đến ngày 30/6/2026. Thời gian bổ sung kéo dài 12 tháng này sẽ giúp các nhà vận hành trên toàn cầu có thời gian thực hiện quy định EUDR một cách thuận lợi ngay từ đầu mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu của quy định.
Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí…/.
Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề: “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức mới đây đã truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế, chính sách mới và quan trọng đến với bà con nông dân trên cả nước, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Công ty Cổ phần VinDT - công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và sát hạch lái xe do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng thành lập - đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Đào tạo và Sát hạch lái xe Hạ Long (Quảng Ninh) tại thôn Chân Đèo, xã Thống Nhất, Hoành Bồ, thành phố Hạ Long.