Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024  
Thứ năm, ngày 5 tháng 12 năm 2024 | 15:4

Cơ hội để cá tra Việt vươn xa

Dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD. Mùa cao điểm cuối năm là cơ hội để doanh nghiệp cải thiện giá xuất khẩu.

Triển vọng ngành hàng chủ lực

Cá tra được xem là sản phẩm chủ lực của Việt Nam nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng. Thời gian qua, người dân ĐBSCL đã phát triển nghề nuôi cá tra lên một tầm vóc mới, với việc hình thành những trang trại. Nhiều vùng nuôi chuyên nghiệp được ứng dụng khoa học, kỹ thuật.

Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD. Mùa cao điểm cuối năm là cơ hội để doanh nghiệp cải thiện giá xuất khẩu.

Diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL hiện dao động từ 5.700-6.000ha, tập trung  ở các địa phương Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre. Trong đó, Đồng Tháp là một trong những tỉnh trọng điểm của ngành nuôi trồng và chế biến cá tra. Địa phương cũng xác định ngành hàng cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất của ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh.

Sản lượng cá tra 2024 ước đạt 167 triệu tấn. Nguồn: Báo Lao động

Năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra của Đồng Tháp ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2023. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630ha, với sản lượng ước đạt 540.000 tấn. Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối ổn định, giá bán cá tra thương phẩm ở mức 26.400 - 27.600 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất giảm nên người nuôi có lợi nhuận.

Đồng Tháp hiện có 27 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đông lạnh với tổng công suất khoảng 700.000 tấn/năm. Sản lượng chế biến cá tra ước đạt 465.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD. Mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra cũng được cải thiện đáng kể, với trên 83% các hộ nuôi cá tra đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn và chế biến.

Ông Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết thêm: Đồng Tháp có thế mạnh về thuỷ sản là con cá tra, đã được xuất qua nhiều thị trường. Nói về con cá thì Đồng Tháp có những thương hiệu lớn như Vĩnh Hoàn, Hùng Cá,… Những doanh nghiệp lớn đã xây dựng được thương hiệu, có chuỗi phân phối nguyên hệ thống, nhà máy, vùng nuôi, nguyên liệu, làm theo các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.  

Để cá tra Việt vươn xa

Dù chịu sức ép trong năm 2024 nhưng triển vọng ngành cá tra năm 2025 vẫn nhiều điểm sáng, có khả năng giúp loại thủy sản chủ lực này của Việt Nam bứt phá.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn, cho biết, sản lượng của nhóm các loại cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam, gồm cá rô phi, cá tuyết (cá cod), cá Alaska pollock đang suy giảm khoảng 20% trong ba năm gần đây, xuống còn khoảng 7 triệu tấn. Điều này khiến quota đánh bắt hầu hết các loài cá thịt trắng, nhất là cá tuyết tiếp tục giảm trong năm 2025.

Thêm vào đó, do cá tuyết được định vị là dòng sản phẩm cao cấp hơn cá tra, giá bán khá cao nên một số phân khúc cá tra hoàn toàn có thể cạnh tranh. “Căn cứ vào bức tranh toàn cầu về nguồn cung cá thịt trắng, tôi nhận thấy cá tra cần phải nắm bắt cơ hội khi sản lượng của những loại này năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ giảm, nhất là vùng Bắc Đại Tây Dương nên quota đánh bắt cũng giảm”, bà Tâm nói.

Theo bà Tâm, để nắm bắt cơ hội và đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm tới thì cần phải quan tâm đến chất lượng con giống, thức ăn và quy hoạch vùng nuôi. Cùng với đó là tìm kiếm cơ hội ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là  Ả Rập Xê Út, Panama, Brazil và châu Âu. Về thị trường Ả rập Xê út, sản phẩm cá tra của chúng ta vẫn nằm ở trên kệ siêu thị nhưng vẫn phải nghĩ đi bằng con đường xuất khẩu chính thống vào thị trường này. Thứ hai là phải bỏ được  lệnh cấm nhiều năm ở thị trường này, từ đó giúp tăng uy tín cho cá tra. Ngoài ra, thị trường Nam Mỹ như Panama, Guatemala  cách đây 4-5 năm chúng ta cũng bị một số cảnh báo. Mặc dù thị trường này không lớn nhưng mà đây cũng là cơ hội ngách để vừa tăng uy tín cho cá tra, vừa tăng cơ hội bán hàng.

Theo Bộ Công Thương, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là “chìa khóa” mở thêm “cánh cửa” cho xuất khẩu nông, thủy sản Việt Nam. Với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông, thủy sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam xâm nhập vào thị trường Halal. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận lẫn nhau ở các quốc gia, với tất cả mặt hàng.

Bà Nguyễn Minh Phương (Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương) cho rằng, việc hiểu và tuân thủ các tiêu chuẩn Halal vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp thủy sản khi tiếp cận những thị trường Halal cần nâng cao uy tín trong sản xuất ra các sản phẩm không chỉ tham gia các thị trường thông thường, những thị trường truyền thống mà còn sang được các thị trường khu vực Trung Đông. Tiêu chuẩn Halal  rất cao, khi sản phẩm tạo được thị trường của các nước đạo Hồi thì lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó sẽ cao hơn.

Hướng đến sản xuất xanh

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, các nước nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, ngay từ đầu vào phải chọn lựa cá giống tốt, sạch bệnh để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi thế cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng cá tra. Bên cạnh đó, quy trình nuôi, chế biến, xuất khẩu phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải.

“Cùng với đó là hình thành quy trình khép kín trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và tìm kiếm, phát triển các thị trường tiềm năng. Trong xu thế chung kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là tăng trưởng xanh không thể nào khác được, ai đi trước, bắt nhịp với thế giới sẽ thắng, ta hội nhập sâu rộng nông sản vào hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, chúng ta phải bắt kịp cái này”.

Hiện nay, quy trình nuôi cá tra tại nước ta được kiểm soát chặt chẽ theo các quy định và tiêu chuẩn xuất khẩu VietGAP, Global GAP. Những triển vọng và cơ hội cho ngành hàng chủ lực này được dự báo còn nhiều và sẽ bứt phá trong năm tới nếu các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt khi các thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa các nước khu vực này với Việt Nam”, ông Tiến cho biết thêm.

Trong khi đó, với dự báo chính sách thương mại mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, ngành cá tra Việt Nam nói riêng và thuỷ sản nói chung có cơ hội gia tăng xuất khẩu. Mỹ có khả năng áp thuế rất lớn với cá rô phi Trung Quốc, giúp ngành thuỷ sản Việt Nam, trong đó có cá tra, có cơ hội tốt hơn trong năm 2025, nhiều chuyên gia nhận định.

Bà Tô Thị Tường Lan cũng lạc quan về triển vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2025 khi kết quả sơ bộ mới nhất về thuế chống bán phá giá vào Mỹ (kỳ xem xét hành chính lần thứ 20- POR20) có 8 doanh nghiệp được hưởng thuế suất bằng 0. “Nếu kết quả cuối cùng (cuối quý 1/2025 công bố) vẫn giữ như vậy, thì đây là cơ hội rất lớn cho cá tra vào Mỹ”, bà Lan nói.

Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi khác cho ngành cá tra Việt Nam, bao gồm lượng tồn kho ở các thị trường chính giảm, trong khi cá tra nguyên liệu từ nay đến hết quý 1/2025 thiếu hụt cục bộ, nhất là cá size lớn, giúp ngành cá tra tăng được giá bán.

Năm 2025, ngành cá tra Việt Nam có kế hoạch là sẽ duy trì sản lượng  khoảng 1,65 triệu tấn, giảm khoảng 20.000 tấn so với năm 2024; dự báo kim ngạch xuất khẩu 2 tỉ USD. Rõ ràng, ngành hàng chủ lực này có triển vọng tận dụng các cơ hội để gia tăng xuất khẩu trong năm 2025 nhưng cần giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại để con cá tra Việt Nam có thể đi xa hơn.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng đôn đốc triển khai các dự án nhà ở xã hội

    Thủ tướng đôn đốc triển khai các dự án nhà ở xã hội

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

  • Khơi thông ngồn lực đất đai, hướng đến phát triển bền vững

    Khơi thông ngồn lực đất đai, hướng đến phát triển bền vững

    Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề: “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức mới đây đã truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế, chính sách mới và quan trọng đến với bà con nông dân trên cả nước, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.

  • Khách sạn Dream Dragon Resort đạt giải thưởng cao quý “Dự án đáng sống 2024”

    Khách sạn Dream Dragon Resort đạt giải thưởng cao quý “Dự án đáng sống 2024”

    Mới đây, khách sạn Dream Dragon Resort thuộc Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng đã được vinh danh tại giải thưởng “Dự án đáng sống 2024” hạng mục Khách sạn được yêu thích nhất.

Top