Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 12 năm 2024 | 8:0

Thanh Chương: Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông, lâm, thủy sản

Để quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn, thời gian qua, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, huyện Thanh Chương đã gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sản phẩm cam của huyện Thanh Chương tại 2 nông, trang trại với diện tích 10 ha đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Trong năm 2024, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác quản lý ATTP trên địa bàn. Tổ chức 3 lớp cho 370 chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến nông, lâm, thuỷ sản và thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho 45 cá nhân và cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kết hợp với Trung tâm VHTT - TT huyện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đảm bảo ATTP trên đài phát thanh của huyện 8 lần, đài truyền thanh của các xã, thị trấn 236 lần, của các thôn, xóm, bản  702 lần. Cấp phát, treo được 124 băng rôn khẩu hiệu tại các trục đường chính.

Để đảm bảo vấn đề ATTP ngay từ khâu sản xuất, Thanh Chương đã tổ chức  cho 851 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, chế biến ký cam kết. Đồng thời tập huấn về quy trình sản xuất, chăn nuôi an toàn cho các chủ hộ. Cử cán bộ phụ trách công tác ATTP của huyện, xã, thị trấn tham gia các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác đảm bảo ATTP nhằm phục vụ tốt cho công tác chuyên môn.

Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân, các chủ cơ sở về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; một số văn bản quy phạm pháp luật mới lĩnh vực ATTP, giống cây trồng, thuốc BVTV, phân bón; hướng dẫn thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học…, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về ATTP trong sản xuất nông sản; nâng cao hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận, xác nhận an toàn. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP. Tuyên truyền các mô hình, điển hình tiêu biểu trong công tác đảm bảo ATTP, đồng thời công khai các cơ sở vi phạm về lĩnh vực này.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương thường xuyên hướng dẫn người trồng rau sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc.

Ông Trần Phi Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương, cho biết: “Qua công tác tuyên truyền, bà con nông dân đã nhận thức và thực hiện nghiêm quy trình đảm bảo ATTP trong sản xuất, chăn nuôi như: Chỉ dùng thuốc vi sinh, tuy nhiên cũng hạn chế đến mức thấp nhất chứ không lạm dụng. Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, thời gian quy định để đảm bảo sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng”.

Đến thời điểm hiện nay, Thanh Chương đã có 16 mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 3 mô hình sản xuất hữu cơ, 4 mô hình sản xuất rau sạch trong nhà màng, với 42 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao.

Tăng cường quản lý, sử dụng thuốc BVTV an toàn

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng cũng như các yêu cầu khắt khe tại các thị trường lớn trên thế giới, người nông dân và doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề ATTP trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực sản xuất xanh, sản xuất an toàn của ngành nông nghiệp thì tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ, các chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng… trong sản xuất nông nghiệp, mà cụ thể là trồng trọt và chăn nuôi, vẫn còn diễn ra.

Theo ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, thực tế không thể phủ nhận, thuốc BVTV hóa học là một trong những yếu tố gây mất ổn định môi trường. Nguyên nhân là do khi nhận thấy ưu điểm của thuốc BVTV hóa học, người nông dân đã ỷ lại, lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua mọi biện pháp BVTV khác. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ mất ATTP, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất, nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại. Do đó, việc tuyên truyền để người nông dân hiểu đúng, dùng đúng các loại thuốc BVTV, thuốc thú y và các chất phụ gia theo quy định của ngành nông nghiệp, ngành y tế và khuyến cáo của nhà sản xuất là rất cần thiết.

“Để nông nghiệp phát triển bền vững, việc quan trọng nhất là làm thế nào để tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng-nồng độ và đúng cách), phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, vật nuôi và môi trường. Hiểu được điều này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Thanh Chương đã đẩy mạnh tuyên truyền để cộng đồng và nông dân hiểu rõ về vai trò của chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, đảm bảo thực hiện đồng bộ, nghiêm túc”, ông Thanh chia sẻ.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thanh Chương tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chất lượng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, trọng tâm là đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; việc quản lý sử dụng thuốc BVTV hóa học, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản. Trong đó, triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước về ATTP. Xử lý nghiêm và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Phối hợp đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch. Khuyến khích tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có kiểm soát. Từ đó, xây dựng và mở rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để có các sản phẩm chất lượng, an toàn.

Chú trọng quảng bá các mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức, trình độ nông dân về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, chuỗi sản xuất nông sản an toàn..., nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, đáp ứng các quy định về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu...

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng đôn đốc triển khai các dự án nhà ở xã hội

    Thủ tướng đôn đốc triển khai các dự án nhà ở xã hội

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

  • Khơi thông ngồn lực đất đai, hướng đến phát triển bền vững

    Khơi thông ngồn lực đất đai, hướng đến phát triển bền vững

    Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” với chủ đề: “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn”, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tổ chức mới đây đã truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế, chính sách mới và quan trọng đến với bà con nông dân trên cả nước, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang hướng tới phát triển bền vững và giảm phát thải carbon.

  • Khách sạn Dream Dragon Resort đạt giải thưởng cao quý “Dự án đáng sống 2024”

    Khách sạn Dream Dragon Resort đạt giải thưởng cao quý “Dự án đáng sống 2024”

    Mới đây, khách sạn Dream Dragon Resort thuộc Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng đã được vinh danh tại giải thưởng “Dự án đáng sống 2024” hạng mục Khách sạn được yêu thích nhất.

Top