Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 2 năm 2023 | 19:58

Ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm vào Việt Nam

Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong thời gian gần đây tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng.

Ngày 26/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công điện khẩn số 1030/CĐ-BNN-TY về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, an toàn thực phẩm và sức khỏe cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các cấp của địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025".

Các tỉnh, thành phố cũng khẩn trương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Nam.

Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).

Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép vào Việt Nam, gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên thị trường.

Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu (ảnh minh hoạ).

Các địa phương báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh qua Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo, giấu dịch, làm lây lan dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao Cục Thú y và đơn vị liên quan tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

ĐBSCL kiểm soát, ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu từ Campuchia

Vừa qua, Viện Pasteur TP.HCM đã gửi công văn khẩn đến Sở Y tế các tỉnh, thành phía Nam về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus sau khi tại tỉnh Prey Veng của Campuchia.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh một số địa phương trong vùng ĐBSCL đã chủ động tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phát hiện, phòng chống dịch bệnh gia cầm như không tiêu thụ, buôn bán, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm chết không rõ nguyên nhân.

An Giang là địa phương có đường biên giới với chiều dài gần 100 km, giáp hai tỉnh Kandal và Takeo của nước bạn Campuchia. Ngay sau khi có thông tin liên quan đến 2 ca nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 tại Campuchia, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các địa phương và các sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng gia cầm thẩm lậu qua biên giới từ Campuchia về Việt Nam, ngăn chặn virus cúm A/H5N1 có thể xâm nhập vào địa phương.

Cụ thể, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương khu vực biên giới kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển gia cầm từ Campuchia về Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, buôn bán gia cầm sống và các sản phẩm chế biến từ gia cầm. Ngoài ra phải giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên đàn gia cầm, kịp thời phát hiện và xử lý sớm các ổ dịch nếu có.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, bên cạnh việc kiểm soát dịch tại các cửa khẩu ngành chức năng của An Giang cũng khuyến cáo người dân phun khử khuẩn và không mua gia cầm không rõ nguồn gốc.

“Hiện nay đã siết chặt các trạm kiểm dịch tại các cửa khẩu; đặc biệt, không cho nhập hàng gia cầm từ Campuchia qua. Thứ 2 là khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi gia cầm tiến hành phun ngừa khử khuẩn. Đồng thời không mua những động vật, gia cầm trôi nổi. Đặc biệt, siết chặt các tiểu thương không cho mua các sản phẩm gia cầm trôi nổi từ Campuchia qua” - ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Tại Đồng Tháp, địa phương đã chủ động kiểm soát dịch tại các cửa khẩu và tiến hành phun thuốc ở khu vực biên giới. Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi có công văn khẩn của Viện Pasteur TP.HCM địa phương cũng đã tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của cúm gia cầm và hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cũng thông tin, trước mắt địa phương thắt chặt cửa khẩu, đồng thời cho phun độc, khử trùng khu vực biên giới để ngăn ngừa cúm gia cầm.

“Trước mắt là mình thắt chặt cửa khẩu của mình, đây là công cụ rất là tốt. Thứ hai, ngăn ngừa phun độc, tiêu độc, khử trùng vùng biên giới. Ngay đầu tiên tăng cường kiểm dịch các chốt trạm kiểm dịch và các lực lượng tuần tra. Về phía nội địa của mình các giải pháp là cho lực lượng thú y của địa phương tiến hành phun xịt, khử trùng, tiêu độc, tuyên truyền cảnh báo trong nhân dân có phát hiện thì phải báo ngay cho thú y ở cơ sở để người ta đến người ta chặn dịch ngay từ ban đầu” - ông Võ Thành Ngoan nói.

Trước tình hình dịch có cúm gia cầm có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn, các địa phương có khu vực biên giới đã chủ động công tác thắt chặt tại các cửa khẩu, tiến hành phun thuốc và ngăn chặn tình trạng gia cầm thẩm lậu qua biên giới. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin cũng như khuyến cáo người dân khi thấy gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh báo cho ngành chức năng để xử lý, tiêu huỷ theo quy định.

P.V (t/h)

 

Ý kiến bạn đọc
Top