Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiến hành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng. Nhiều đại biểu đã quan tâm tới vật liệu mới thay thế cho cát sông. Nếu cát biển làm vật liệu thay thế cát sông có thể sẽ hạn chế được sạt lở ở ĐBSCL.
Tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặt vấn đề: Đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long cần hoàn thành khoảng 400km đường cao tốc, cần tới 39.000.000 mét khối cát san lấp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác nên nhu cầu san lấp cát là rất lớn. Nhưng nếu tiếp tục khai thác quá mức gây sạt lở, sụt lún và rất có thể dẫn tới xung đột.
Đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.
Đại biểu Trần Văn Sáu đặt chất vấn về giải pháp nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình trọng điểm Quốc gia? Và khi nào thì có vật liệu thay thế cát sông?
Cùng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, việc sử dụng vật liệu mới, vật liệu thay thế trong xây dựng là xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Để các tổ chức, người dân có hiểu biết và thói quen sử dụng các vật liệu xây dựng an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, giải quyết được các nguồn vật liệu xây dựng truyền thống đang dần cạn kiệt, bộ đã có giải pháp như nào để phát triển vật liệu xây dựng mới đáp ứng công trình xanh, kiến trúc bền vững trong thời gian tới?.
Nghiên cứu cát biển làm vật liệu thay thế
Chia sẻ với lo lắng của ĐBQH về tình trạng thiếu vật liệu làm các công trình giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đang nghiên cứu cát biển làm vật liệu thay thế cát sông, các nghiên cứu bước đầu cho thấy kết quả rất khả thi.
Về nghiên cứu vật liệu xây dựng mới thay thế vật liệu truyền thống, Bộ trưởng cho biết, trong thời gian vừa qua, khi kiểm tra tiến độ triển khai dự án đường cao tốc tại Đồng bằng Sông Cửu Long, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường nghiên cứu vật liệu thay thế cho cát sông khi triển khai dự án giao thông trọng điểm. Hiện nay, nhu cầu dùng cát sông làm vật liệu cho xây dựng công trình giao thông là rất lớn, chúng ta đang thiếu cát nền phục vụ xây dựng.
Qua nghiên cứu, hiện nay, tổng nhu cầu dùng cát để làm vật liệu cho công trình giao thông ở ĐBSCL chiếm tới 39 triệu mét khối, trong khi khu vực ĐBSCL chỉ có khoảng 26 triệu, như vậy số lượng vật liệu để làm cát nền còn thiếu rất lớn.
Theo Bộ trưởng GTVT, việc nghiên cứu cát biển thay thế cát sông là nhu cầu cấp thiết, và hiện đang được triển khai quyết liệt, lấy mẫu, làm xét nghiệm và bước đầu thấy rằng nếu dùng cát biển thay cho cát sông, thì riêng khu vực ĐBSCL lượng cát biển có thể lên 150 tỉ triệu khối, nếu thành công, lượng cát này dùng được cho cả nước.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng.
Qua tiến độ nghiên cứu triển khai, Bộ GTVT có thể dự kiến khoảng cuối 2023 sẽ có kết quả về việc có sử dụng cát biển để thay thế cho cát sông được hay không. Qua những nghiên cứu ban đầu cho thấy phương án lấy cát biển thay thế cát sông là rất khả thi, tuy nhiên, cần tiếp tục xác minh thêm các yếu tố kỹ thuật khác.
Bộ trưởng Thắng cũng cho biết, thế giới hiện có Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản và các nước Trung Đông đã áp dụng vật liệu này. Cùng với cát biển, tro xỉ cũng là vật liệu có thể thay thế được. Bộ Xây dựng phối hợp và có văn bản hướng dẫn quy chuẩn tiêu chuẩn, Bộ GTVT đã có văn bản thông báo nhà thầu có thể sử dụng vật liệu từ tro xỉ thay thế cát sông phục vụ san nền dự án thuộc công trình của Bộ.
Sạt lở ngày càng nghiêm trọng
Nguy cơ ĐBSCL dần dần tan rã do thiếu phù sa và cát không còn là giả thuyết trên các báo cáo khoa học. Thực tế hiện nay từ vùng đầu nguồn sông Cửu Long đến cuối Mũi Cà Mau, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trọng.
Tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long, ngày 15/7/2022 tại ấp Vĩnh Bình (xã Vĩnh Trường, H.An Phú, An Giang) xảy ra 2 điểm sạt lở gần nhau thuộc bờ Tây sông Hậu, với chiều dài khoảng 50 m, ngang khoảng 2 m. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh An Giang xảy ra 16 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch, với chiều dài 808 m. Sạt lở xảy ra chủ yếu ở các huyện Châu Phú, An Phú, Chợ Mới…, thiệt hại khoảng 954 triệu đồng.
Chỉ tính đến tháng 6/2022, An Giang có tổng 56 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 180.580 m (năm 2021 là 53 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 171.580 m). Trong đó, có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ đặc biệt nguy hiểm, 36 đoạn ở mức độ nguy hiểm. Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết dòng chảy bắt đầu mạnh khi nước lũ từ thượng nguồn Mê Kông đổ về sẽ gia tăng áp lực bào mòn nhanh vào chân bờ sông, tình hình sạt lở sẽ càng phức tạp.
Xuôi dòng Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long cũng là địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở bờ sông gần đây. Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Vĩnh Long, trong 6 tháng đầu năm 2022, sạt lở xảy ra ở 29 điểm, làm mất hơn 1 km bờ sông, kênh, rạch.
Nhiều đoạn đê biển ở Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại các tỉnh ven biển, tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là Cà Mau. Khoảng 2 tháng qua, các vụ sạt lở đê biển thường xuyên xảy ra. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, trong số 254 km bờ biển của tỉnh này, hiện có 189 km trong tình trạng sạt lở, một số đoạn sụt lún. Ở bờ biển Tây, bình quân sạt lở từ 20 - 25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm; bờ biển Đông bình quân sạt lở từ 45 - 50 m/năm. Cà Mau kiến nghị Trung ương, trong giai đoạn 2021 - 2025 xem xét hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp đê biển - nơi cấp bách nhất hiện nay là đoạn kênh Năm Rạch Chèo đến bờ Nam Sông Đốc, dài khoảng 23 km, nhu cầu vốn khoảng 700 tỉ đồng.
ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái học ĐBSCL nhận xét: Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở ĐBSCL hiện nay là thiếu phù sa và cát, do thủy điện chặn cát và phù sa, và do khai thác cát. Nguyên nhân gốc vẫn còn thì hệ quả sẽ vẫn còn tiếp diễn. Biện pháp công trình rất đắt đỏ và không hữu hiệu, bảo vệ nơi này thì sạt nơi khác và dần dần chính công trình chống sạt lở cũng sụp đổ. Do đó, không nên làm bờ kè tràn lan. Chỉ nên làm kè bảo vệ những nơi nào thật sự xung yếu, trước mắt không thể bỏ. Thay vào đó, kinh phí làm kè nên được dùng để di dời người dân khỏi những nơi nguy cơ cao.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ phân tích: Thiếu phù sa là câu chuyện chung và nguyên nhân chính của đồng bằng; nhưng từng khu vực lại có những vấn đề riêng. Cụ thể như tại vùng đầu nguồn An Giang, việc sạt lở bờ sông là do thiếu hụt phù sa cộng với khai thác cát quá mức làm thay đổi dòng chảy gây sạt lở. Còn ở Cà Mau, bên cạnh sạt lở còn có tình trạng sụt lún đất. Nguyên nhân của tình trạng này là do các công trình ngăn mặn, giữ nước mưa phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, khi nước mặn bị ngăn mà nước mưa không đủ thì làm đất bị ẩm co ngót lại gây nên sụt lún. Nhiều khi chúng ta làm nhưng không có sự am hiểu về sinh thái tự nhiên nên không mang lại hiệu quả, chỉ là đau đâu trị đó nên chỉ trị được phần ngọn mà cái gốc vẫn còn. Đầu tiên tôi cho là mình nên trả lại tự nhiên như nó vốn có và học cách sống thích ứng với tự nhiên. Trước khi quyết định một việc gì hay đầu tư xây dựng một công trình phải đặt ngược vấn đề lại, xem xét hết những nguy hại có thể có của nó vì trước đây ta chỉ xem xét đến mặt tích cực của dự án.
Vào tháng 5/2022, tạp chí khoa học Science (Mỹ) đăng một báo cáo nghiên cứu với tựa đề Cứu ĐBSCL đang chìm. Đây là kết quả làm việc của 21 nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Hà Lan... và VN. Theo bài báo, cuối thế kỷ 20 trở về trước, mỗi năm vùng châu thổ ĐBSCL nhận từ 140 - 160 triệu tấn phù sa sông Mê Kông. Hiện nay, hơn một nửa trong số đó bị kẹt lại trong các hồ chứa thủy điện ở Trung Quốc. Theo nhóm tác giả, để cứu ĐBSCL cần đầu tư vào các giải pháp “thuận thiên” để bảo vệ bờ biển trên quy mô lớn dọc theo vùng duyên hải của đồng bằng. Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn cung cấp nước mặt, điều chỉnh nhu cầu nước và tái sử dụng nước. Ngoài nỗ lực ngay tại vùng ĐBSCL cũng cần sự phối hợp của các nước thượng nguồn và trên toàn lưu vực theo hướng hạn chế xây dựng các đập thủy điện có tác động lớn, có thể thay thế các dự án thủy điện đã được quy hoạch bằng các trang trại điện gió và mặt trời khi có thể. Giảm dần và tiến đến dừng khai thác cát lòng sông. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.