Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 9 năm 2023 | 15:50

Nguồn vốn mở lối thoát nghèo

Bám sát đường lối phát triển kinh tế của địa phương, nguồn vốn từ NHCSXH đã phát huy hiệu quả, góp phần ổn định, nâng cao thu nhập cho bà con các dân tộc ở thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng - Lào Cai).

Vững tin làm kinh tế

Thôn Cốc Né, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Mường, Giáy, Tày, Nùng, Sán Chỉ...; có 105 hộ nhưng đến 46 hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Trần Ngọc Hải, Trưởng thôn Cốc Né cho biết, đời sống của bà con các dân tộc chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp. Trước đây, chúng tôi trồng chè cung cấp nguyên liệu cho Nông trường quốc doanh Phong Hải (sau này chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV chè Phong Hải). Tuy nhiên, do làm ăn kém hiệu quả, người trồng chè chán nản, bỏ cả vùng nguyên liệu, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa và chăn nuôi nhỏ. Vài năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi, phân bón... ngày càng tăng, tác động xấu đến phát triển sản xuất của bà con. Nhưng nhờ các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn của NHCSXH, nhiều gia đình  mạnh dạn đầu tư làm kinh tế và hầu hết mang lại hiệu quả.

Cán bộ tín dụng của NHCSXH Bảo Thắng xuống làm việc với các hộ dân.

Tháng 4/2022, gia đình ông Đặng Thành Công (dân tộc Dao), thôn Cốc Né, vay 100 triệu đồng theo chương trình tín dụng hộ nghèo đầu tư cải tạo ao nuôi cá và xây dựng thêm chuồng trại nuôi lợn. Ông Công chia sẻ: “Dù có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi nhưng “cái khó bó cái khôn” nên gia đình chưa thể phát triển một cách bài bản, quy mô. Có thêm vốn, chúng tôi cải tạo  2.000m2 mặt nước thả các loại trắm, chép, rô phi. Xây dựng thêm 15 ngăn chuồng nuôi hơn 60 con lợn thịt, lợn nái và 2 hầm biogas để xử lý chất thải; trồng mới 5.000-6.000 cây quế. Sau một năm, riêng doanh thu từ lợn thịt, lợn giống và gần 4 tấn cá đạt khoảng 240 triệu đồng. Nhiều năm là hộ nghèo, đến nay gia đình cũng lên được hộ cận nghèo”.

Cũng trong thôn Cốc Né, gia đình ông Phàn Văn Hùng (dân tộc Dao) được vay 100 triệu đồng diện hộ nghèo, đầu tư chăm sóc 5ha quế và bồ đề, đàn lợn 30 con cùng 2 con trâu. Mỗi năm, gia đình thu về khoảng 200 triệu đồng.

Hiện, 46 hộ nghèo và cận nghèo trong thôn được vay vốn sản xuất đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả như: trồng quế, bồ đề; nuôi lợn, trâu, cá... Thôn có  hơn 300ha rừng sản xuất, trên 18,8ha chè Kim Tuyên, 12ha mặt nước nuôi cá thương phẩm, 56 con trâu, chưa kể đàn lợn, gà, vịt... Đặc biệt, các hộ đã chuyển biến tích cực về nhận thức, mạnh dạn vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi theo cam kết. Thông qua NHCSXH, dù việc cho vay không phải thế chấp tài sản nhưng phải được bình xét công khai, dân chủ tại thôn bản và chấp hành việc trả nợ gốc lãi đúng quy định, từ đó  khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ, kích thích được tính tự chủ, tự tin, hộ vay hăng hái sản xuất vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ đã biết đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cải thiện cuộc sống.

Gia đình ông Đặng Thành Công (dân tộc Dao) vay vốn NHCSXH mở rộng sản xuất, doanh thu đạt 240 triệu đồng/năm.

Không có nợ quá hạn

Bà Đỗ Thị Hường, Phó Giám đốc NHCSXH Bảo Thắng, cho biết, NHCSXH chọn phương thức quản lý là ủy thác qua tổ chức chính trị - xã hội là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội Cựu chiến binh vì các tổ chức này có bộ máy từ Trung ương đến tận thôn bản, rất gần dân, sát dân và có điều kiện để mở rộng nguyên tắc xã hội hoá công tác ngân hàng nhằm huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội với phương châm phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã.

Thực hiện bình xét công khai tại các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); cán bộ ngân hàng giải ngân trực tiếp cho hộ vay tại các Điểm giao dịch xã. Thực hiện phương thức này, ngân hàng đã tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tất cả 193 thôn bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện. Đây là mô hình mà NHCSXH thực hiện  đạt hiệu quả về kinh tế - xã hội. Mô hình quản lý, phương thức cho vay này đã tạo ra môi trường để bộ phận người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất các hộ ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện mạnh dạn tiếp cận chính quyền địa phương,các tổ chức chính trị -xã hội, từ đó giúp cho chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể càng được gần hơn, sát hơn đối với người dân và ngược lại. Các tổ chức hội, đoàn thể hoạt động phong phú về nội dung hơn và có thêm kinh phí để tự chủ động tổ chức hoạt động phong trào. Người dân qua sinh hoạt tổ TK&VV ngày càng nâng cao tính cộng đồng cùng giúp nhau làm kinh tế và giám sát lẫn nhau trong việc sử dụng vốn vay hiệu quả, là một trong những giải pháp để thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Đồi quế xanh tốt của gia đình ông Phàn Văn Hùng.

Chương trình tín dụng cho vay các hộ gia đình thuộc nhóm nghèo (bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và thoát cận nghèo) của NHCSXH Bảo Thắng đang ngày càng tạo đà cho người dân thị trấn Nông trường Phong Hải phát triển kinh tế. Theo điều tra, rà soát  9 tháng năm 2023, thị trấn có 140 hộ thoát nghèo, đạt 96,5% kế hoạch huyện giao, đạt 87,5% kế hoạch thị trấn xây dựng; 148 hộ thoát cận nghèo.

Đến nay, nguồn vốn vay NHCS XH Bảo Thắng thông qua các tổ chức hội tại thị trấn Nông trường Phong Hải là 61,546 tỷ đồng/ 1.312 hộ. Khi vay vốn, các hộ không phải thế chấp tài sản, thủ tục, quy trình cho vay đơn giản, dễ hiểu và không phải trả bất cứ khoản lệ phí hành chính nào liên quan đến đến thủ tục vay vốn, từ đó góp phần phủ kín vốn vay đến 100% số thôn, tổ dân phố. Các khoản nợ đến hạn, lãi tiền vay được trả kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, không có nợ quá hạn, nhiều hộ vay chưa đến thời hạn trả nợ đã hoàn trả vốn vay.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top