Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 5 năm 2023 | 14:49

Nhiều địa phương lên phương án phòng chống cháy, nổ trong mùa nắng nóng

Vào mùa hè, nền nhiệt tăng cao do nắng nóng kéo dài, cùng với đó là tình trạng lượng điện năng do các hộ gia đình sử dụng tăng, nhiều thiết bị điện hoạt động hết công suất dẫn đến hiện tượng quá tải, chập cháy.

Phát huy phương châm “4 tại chỗ” từ nhiều mô hình PCCC hiệu quả

Theo ông Nguyễn Minh Hoài – Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi (quận Tây Hồ), thực hiện kế hoạch số 53/KH-UBND, ngày 16/2/2023 của UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn phường đã vận động 100% hộ gia đình nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tham gia “Tổ liên gia an toàn PCCC”; 100% ngõ, hẻm tập trung đông dân cư, có chiều dài 50m trở lên, mà xe chữa cháy không tiếp cận được, phải bố trí “Điểm chữa cháy công cộng”.

Mỗi gia đình trong Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn quận Tây Hồ được trang bị chuông báo cháy liên kết giữa các thanh viên trong tổ.

Nhờ có sự đồng tình, ủng hộ của người dân nên theo Trung tá Chu Thành Quân – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Tây Hồ, công quan quận xác định việc kích hoạt các điểm chữa cháy công cộng và ra mắt Tổ liên gia an toàn PCCC là nhiệm vụ quan trọng cần làm ngay. Bởi vậy, thời gian qua, sau khi rà soát, tuyên truyền vận động được bà con đồng thuận, chung tay, UBND các phường đã phối hợp với CAQ Tây Hồ triển khai trên diện rộng để phòng ngừa cháy, nổ trước mùa hè nắng nóng đang bắt đầu.

Còn theo ông Nguyễn Đình Hợi – Trưởng ban bảo vệ dân phố, dân phòng phường Bưởi, sau khi ra mắt, các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng” đã được duy trì thường xuyên, định kỳ tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả hoạt động.

Ngoài các điểm chữa cháy được trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy cơ bản như búa, rìu, kìm cộng lực, bình chữa cháy, thì Tổ dân phố còn vận động mỗi hộ gia đình trên địa bàn phường trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy. Đồng thời, người dân được liên tiếp thực tập, trang bị kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ứng trực, sẵn sàng xử lý tình huống khi có cháy xảy ra.

Là tổ trưởng của một Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn phường Bưởi, ông Nguyễn Hoàng Minh, đang sinh sống tại số nhà 200, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ đánh giá, Tổ liên gia an toàn PCCC là mô hình, cách làm hay, sáng tạo của địa phương cùng lực lượng công an. Mô hình này đã giúp nâng cao được nhận thức, sự quan tâm của người dân trong công tác bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ; nâng cao trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC.

Từ những hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn, ông Nguyễn Minh Hoài – Phó Chủ tịch UBND phường Bưởi cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với Công an quận Tây Hồ mở rộng các loại hình tuyên truyền phù hợp đến từng hộ dân trong công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ. Xem đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là công tác PCCC ở từng khu dân cư.

Ngoài ra, theo Trung tá Chu Thành Quân – Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Tây Hồ, việc xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC và điểm chữa cháy công cộng” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân nâng cao ý thức, kiến thức, kỹ năng sử dụng trang thiết bị PCCC cơ bản, kỹ năng thoát hiểm, giải quyết sự cố cháy, nổ trong tình huống cháy nổ xảy ra của Nhân dân.

Đồng thời, phát huy phương châm “4 tại chỗ”; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, tổ chức chữa cháy có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy, nổ xảy ra trên địa bàn.

Có thể thấy, với việc ngày càng có nhiều “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng” được ra mắt, bước vào mùa cao điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu, mô hình này sẽ là giải pháp ngăn chặn từ sớm, từ xa và có hiệu quả những đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Cần tắt cầu dao tổng khi không có ai ở nhà

Vừa qua, tại căn nhà số 24 phố Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Ðông, Hà Nội) xảy ra vụ cháy nghiêm trọng. Nhận tin báo, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ đến dập lửa.

Theo thông tin ban đầu, chủ nhà là ông Nguyễn Quang M. (43 tuổi); vụ cháy làm bốn người chết và một người bị thương. Bốn người chết gồm bà Nguyễn Thị X. (67 tuổi, mẹ đẻ của chủ nhà), Nguyễn Minh P. (10 tuổi), Nguyễn Quang Minh Ð. (8 tuổi), Nguyễn Quang Minh H. (4 tuổi), cả ba cháu đều là con của chủ nhà. Căn nhà có diện tích xây dựng khoảng 40m2, kết cấu bê-tông cốt thép, tường gạch. Gia đình ông M. đã chuyển đến sinh sống tại đây được hơn một năm. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra.

Công an phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) hướng dẫn người dân sử dụng bình cứu hỏa. (Ảnh: Huy Hoàng)

Trước đó, tại quán bar rộng 90m2, cao bốn tầng tại số 144 Văn Cao, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng xảy ra cháy. Thời điểm xảy ra cháy quán không có khách, chỉ có bốn nữ nhân viên. Tất cả leo lên ban-công tầng bốn kêu cứu. Sau đó, bảy xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH phun nước liên tục vào đám cháy.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng chức năng thì đám cháy đã được khống chế. Vụ cháy đã khiến ba người chết là Bùi Thị Hải Y., Nguyễn Uyển N., Nguyễn Ngọc A., chỉ có một người thoát được ra ngoài. Lãnh đạo quận Ngô Quyền đã thăm hỏi các gia đình nạn nhân thiệt mạng, hỗ trợ mỗi nhà 10 triệu đồng; động viên người được giải cứu 5 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra, làm rõ…

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy, nổ là do thời tiết nắng nóng, nền nhiệt tăng cao, khiến các vật liệu trở nên khô kiệt, dễ bén lửa, cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, khiến các thiết bị điện quá tải. Ngoài ra, khi thời tiết nắng nóng, các phương tiện giao thông tỏa nhiệt, khói rất nhiều và có trường hợp cốp xe chứa đồ vật dễ bắt cháy như bật lửa, khi gặp nhiệt độ cao có thể gây cháy, nổ. Các hầm của chung cư thường lắp đặt các bốt điện, giàn tản nhiệt điều hòa tổng và là nơi để rất nhiều xe máy, ô-tô chứa đầy xăng, nếu xảy ra cháy, nổ thì thiệt hại về người, tài sản là rất lớn. Nguyên nhân cháy còn do các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định an toàn PCCC; do sự cố kỹ thuật và do tai nạn giao thông…

Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Phú Thọ, để phòng ngừa cháy, nổ trong mùa nắng nóng, cũng như bảo đảm an toàn cho các thành viên trong gia đình, thì mỗi gia đình nên hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn. Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở lan-can kiên cố tại nhà cao tầng.

Trường hợp đã lắp đặt phải bố trí ô cửa chốt trong, chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu để thoát nạn khi xảy ra cháy. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, tránh không để gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Hệ thống điện phải chọn dây dẫn điện đủ tải, lắp đặt aptomat, cầu chì cho từng thiết bị có công suất lớn, cho từng tầng, từng phòng. Không để vật liệu dễ cháy gần bảng điện, cầu dao, thiết bị đốt nóng, thiết bị điện có công suất lớn (cách tối thiểu 50cm)...

Nếu vắng nhà dài ngày thì phải tắt cầu dao tổng của cả ngôi nhà. Không sạc điện thoại, xe máy (xe đạp) điện hoặc các thiết bị tiêu thụ điện khác qua đêm. Hạn chế sử dụng điện năng trong giờ cao điểm tránh làm quá tải nguồn. Không tích trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy, nổ và các chất lỏng dễ cháy. Khi sử dụng bếp ga phải bố trí ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng, xa nguồn nhiệt và các vật dụng dễ cháy, nổ.

Nếu không dùng bếp ga thì phải đóng van bình, khóa van bếp. Mỗi gia đình cần thực hiện việc lắp camera quan sát ở nhà qua điện thoại, chuông báo cháy để giúp cảnh báo sớm khi xảy ra cháy. Tự trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, bộ dây thoát, các dụng cụ phá dỡ như búa, cuốc chim, xà beng…, tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về PCCC để nắm vững các kiến thức, kỹ năng. Khi xảy ra cháy, nổ hãy bình tĩnh để xử lý tình huống, hô hoán và báo động cho mọi người biết để di chuyển ra ngoài đám cháy.

Nếu phải thoát qua khu vực có khói lửa, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, vải mềm thấm nước để che mũi, miệng, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Sau đó gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114, App báo cháy 114, hoặc chính quyền, công an nơi xảy ra cháy.

Tăng cường tuyên truyền các clip, hình ảnh khuyến cáo, khẩu hiệu, tin nhắn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH xây dựng, đăng phát trên nền tảng số như báo điện tử, App báo cháy 114, tin nhắn SMS, Zalo, Facebook…

Vĩnh Phúc, chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy; trong đó có 3 vụ cháy cơ sở sản xuất kinh doanh, kho hàng hóa; 3 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (SXKD) và 2 vụ cháy rừng, tăng 5 vụ cháy so với cùng kỳ 2022 nhưng giảm mạnh về giá trị thiệt hại. Điển hình là vụ nổ thiết bị điều hòa xảy ra ngày 20/6/2023 tại khu vui chơi trẻ em thuộc địa bàn xã Thanh Trù, (Vĩnh Yên) làm 1 người chết và 1 người bị thương. Nguyên nhân chung của các vụ cháy là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một số bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân đối với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ (CNCH) chưa cao.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại một số địa bàn còn hạn chế. Với hơn 60 hộ làm nghề, hiện nay, làng nghề chế biến bông vải sợi truyền thống xã Yên Đồng (Yên Lạc) không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương mà các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm của Yên Đồng đã vươn ra nhiều tỉnh, thành phố với doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm/hộ, đóng góp không nhỏ vào phát triển KT - XH trên địa bàn. Đạt được kết quả trên, những năm qua, cùng với việc đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, mở rộng quy mô SXKD, các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, hộ gia đình làm nghề tại xã Yên Đồng luôn chủ động trong công tác PCCC. Nhờ đó, khoảng 2 năm trở lại đây, trên địa bàn xã Yên Đồng không xảy ra cháy, nổ tại các làng nghề. Ông Nguyễn Khắc Tạo, Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết: SXKD chăn, ga, gối, đệm, tái chế bông, vải sợi có nguy cơ cháy, nổ cao. Để giảm nguy cơ cháy, nổ, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo và thực hiện ký cam kết PCCC đối với các hộ làng nghề.

Lực lượng PCCC công an tỉnh diễn tập phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Ảnh: Thế Hùng

Đồng thời, xây dựng điểm mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” tại thôn Gia với 13 hộ gia đình. Tại mô hình, mỗi hộ gia đình sẽ trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy mini xách tay, còi báo cháy; lắp đặt 1 chuông báo cháy, 1 nút ấn báo cháy ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình được liên kết với nhau, bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu, để kịp thời tương trợ nhau khi có tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa nắng nóng năm 2023 nền nhiệt ở Bắc Bộ sẽ cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm.

Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện và các loại nhiên liệu phục vụ sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ tăng cao. Điều này tác động và là nguyên nhân làm tăng nguy cơ xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố trên địa bàn. Để chủ động nắm bắt tình hình, triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa số vụ tai nạn, sự cố cháy, nổ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCCC&CNCH. Tập trung chỉ đạo và bám sát địa bàn, làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Đồng thời, tăng cường phố biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC&CNCH; tổ chức thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo cháy rừng trên địa bàn.

Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng và xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư, hộ gia đình, các địa bàn có nguy cơ cháy nổ cao... Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh chia sẻ: Cùng với việc tham mưa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức kiểm tra định kỳ an toàn PCCC tại 3.568 lượt cơ sở, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 139 trường hợp với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng. Đồng thời, tổ chức 1.588 cuộc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC, CNCH với hơn 10 nghìn người tham gia. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, DN, đồng thời trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng trong công tác PCCC&CNCH. Từ đó, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top