Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2023 | 9:32

Nhiều địa phương tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi có vai trò quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh) cho 4 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương, nhưng nhiều năm nay đã trở thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.

Thực trạng đáng báo động

Theo đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn biến phức tạp, gia tăng ô nhiễm về mùa khô. Một số đoạn sông, kênh rạch có mức độ ô nhiễm đã vượt ngưỡng chịu tải của môi trường, chất lượng nước vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt phục vụ cho mục đích tưới tiêu nông nghiệp.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung, và dân cư nông thôn phần lớn không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung nên xả trực tiếp ra môi trường. Hệ thống các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước cung cấp cho hệ thống Bắc Hưng Hải còn thiếu. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn thấp...

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải diễn biến phức tạp.

Ông Trịnh Thế Trường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (đơn vị quản lý, vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải) cho biết, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hiện đang quản lý 232 km kênh trục và gần 500 km bờ kênh, đảm bảo tưới cho 110.000 ha đất canh tác, tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản 12.000 ha; tiêu nước, chống ngập úng cho diện tích 192.045 ha để bảo vệ dân sinh, sản xuất ở nhiều địa phương thuộc 4 tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải năm 2022 đạt khoảng 439.000 m3/ngày đêm; trong đó, nước thải sinh hoạt đạt khoảng 317.300 m3/ngày đêm, hầu hết chưa qua xử lý. Nước thải từ các khu công nghiệp khoảng 71.155 m3/ngày đêm, đều được thu gom, xử lý tập trung. Nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ bên khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi, hầu hết đều xả trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý 562 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 19,2 tỷ đồng; lập danh sách 405 điểm xả nước thải chính với lưu lượng 5 m3/ngày đêm trở lên; lập hồ sơ quản lý, theo dõi 61 cơ sở có nguồn nước thải lớn hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Không cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường

Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng rà soát các Quy chuẩn kỹ thuật địa phương liên quan đến nước thải; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương về nước thải theo hướng nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn Việt Nam. Cùng với đó, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông nhánh trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và tổ chức thực hiện theo quy định; tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ngành khẩn trương rà soát, tích hợp các khu xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải tập trung vào Quy hoạch tỉnh; điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu đối với toàn bộ các nguồn thải phát sinh nước thải ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (đặc biệt là các kênh: Đoàn Thượng, T1, T2, Tứ Thông, Sặt Phủ,…) để phục vụ cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Hải Dương kiên quyết không cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định; tạm dừng thu hút các dự án đầu tư thuộc nhóm ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 2/2/2021 của UBND tỉnh; kiên quyết không cấp phép đầu tư đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, không đảm bảo nước thải được xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Các sở, ngành được chỉ đạo tiếp tục rà soát các cơ sở có nguồn thải lớn thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc môi trường tự động để yêu cầu thực hiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động theo đúng quy định, đảm bảo kiểm soát được chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Dữ liệu quan trắc phải được truyền, cập nhật, lưu trữ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục cân đối, bố trí nguồn vốn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung từ nguồn đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2023 - 2025, 2026 - 2030), đảm bảo đến năm 2030, thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn đạt quy chuẩn Việt Nam về chất thải cho phép trước khi xả ra môi trường. Trước mắt, ưu tiên dự án đầu tư cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải; triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương rà soát lại các làng nghề về công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về bảo vệ môi trường; đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh từ các làng nghề phải được thu gom, xử lý toàn bộ đạt Quy chuẩn Việt Nam về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Công an tỉnh Hải Dương chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và công an các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; xử lý nghiêm đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải; tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động của các cơ sở xả thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Đối với 7 huyện, thành phố có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đi qua, lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường cho người dân thì các cơ quan, đơn vị cần xác định các nguồn xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; rà soát hệ thống thoát nước thải của khu dân cư cũ, làng nghề, cơ sở chăn nuôi dọc hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải và đề xuất mô hình trạm xử lý nước thải tập trung phù hợp với thực trạng thoát nước thải, điều kiện kinh tế, điều kiện quản lý vận hành, tập quán sinh hoạt của khu vực nông thôn để triển khai xây dựng đảm bảo về môi trường, hiệu quả kinh tế, thuận lợi cho công tác quản lý vận hành

Bắc Ninh: nhiều sở, ban, ngành cùng vào cuộc

Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh có ý kiến chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, cập nhật vào quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 các khu xử lý chất thải rắn; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung theo quy định; tập trung nguồn lực để triển khai ngay từ cuối năm 2023 các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung từ nguồn đầu tư công trung hạn, đảm bảo thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn đạt quy chuẩn Việt Nam về chất thải cho phép trước khi xả ra môi trường.

Trước mắt, ưu tiên dự án đầu tư cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải; có kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai các dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom nước mưa tách riêng với công trình thu gom, xử lý nước thải trên hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu đối với toàn bộ các nguồn thải phát sinh nước thải thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải thuộc trách nhiệm quản lý của mình để phục vụ cập nhật, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải trên địa bàn.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các làng nghề trên trên địa bàn; trong đó, rà soát công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về bảo vệ môi trường; đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với các làng nghề chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh từ các làng nghề phải được thu gom, xử lý toàn bộ đạt quy chuẩn Việt Nam về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải. Không tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và trình UBND tỉnh các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

Giao Công an tỉnh tăng cường công tác tuần tra, trinh sát, quyết liệt xử lý các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, đặc biệt là các cơ sở xả thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường.

UBND các huyện: Gia Bình, Lương Tài và thị xã Thuận Thành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tất cả các cơ sở sản xuất của hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp có xả thải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top