Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 12 năm 2022 | 16:21

Những tháng ngày không thể nào quên

12 ngày đêm cả Hà Nội rung chuyển bởi tiếng bom rơi, đạn nổ, tiếng gầm rú kinh hoàng của các loại máy bay trên bầu trời, tiếng hò reo vang dậy khắp đất trời khi nhìn thấy máy bay B52 bốc cháy. Đó là ký ức không thể nào quên trong tâm trí của những người dân khi được chứng kiến khoảnh khắc quân dân Thủ đô làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, chiến thắng làm thay đổi cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Những tháng ngày bão lửa

Vào một ngày cuối thu, đầu đông khi những cơn gió heo may bắt đầu tràn về Hà Nội, trên những con đường thân quen của Thủ đô, những chiếc lá sấu khô bắt đầu rụng kín mặt đường. Tôi tìm đến  ngôi nhà nằm ngay cạnh ngõ vào trụ sở UBND phường Cát Linh (quận Đống Đa) gặp ông Lê Văn Toàn, năm nay 75 tuổi, để nghe ông kể lại những tháng ngày quân và dân Thủ đô đánh tan cuộc tập kích bằng máy bay B52 đánh vào Hà Nội.

Ngồi trên sân thượng đầy cây cảnh và hoa lan, thưởng thức chén trà ướp sen trong một không gian thoáng đãng, với một tiết trời không thể đẹp hơn của Hà Nội, tôi được nghe ông Toàn chậm rãi kể lại 12 ngày đêm Hà Nội đánh B52.

Tự vệ Nhà máy Y Hà Nội ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, bắn rơi máy bay Mỹ gây tội ác ở Thủ đô trong 12 ngày đêm tháng 12/1972. Ảnh TTXVN.

Ông Toàn nói: “Năm đó tôi 25 tuổi, nhà ở số 19A phố Ngọc Lâm, thị trấn Gia Lâm, nay là phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, con phố nhỏ của gia đình ở chính là con đường quốc lộ huyết mạch 1A chạy qua. Đây chính là một trong những trọng điểm đánh phá của Đế quốc Mỹ, bởi thị trấn Gia Lâm khi đó có cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, có sân bay Gia Lâm và đặc biệt là có kho xăng dầu Đức Giang cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện vận tải. Vì thế, ngay ngày đầu tiên đánh Thủ đô Hà Nội, Gia Lâm chính là điểm đầu tiên hứng chịu những trận bom B52 kinh hoàng dội xuống”.

Ông Toàn chia sẻ, biết trước được ý đồ của Đế quốc Mỹ là sẽ dùng máy bay B52 để đánh vào Hà Nội, chính quyền Hà Nội đã có bước vận động và đưa người dân không có nhiệm vụ ra khỏi Thủ đô để tránh thương vong, lực lượng ở lại là những người tham gia chiến đấu. Gia đình ông sơ tán về vùng Làng Ngô, Xuân Đỗ (bây giờ thuộc phường Long Biên), còn ông vẫn ở lại trông nhà và tham vào việc cứu thương.

“Hôm đó vào khoảng 19 giờ 25 phút  ngày 18/12/1972, nhiều tốp máy bay B-52 liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Gia Lâm và nhiều nơi khác như Đông Anh, Yên Viên... Trời đất rung chuyển, ngồi trong hầm trú ẩn mà có cảm giác nghẹt thở. Trên bầu trời Hà Nội sáng rực bởi hàng trăm, hàng nghìn viên đạn của các loại súng phòng không, súng trường và tên lửa đỏ rực bay lên bầu trời tối đen, đuổi theo những chiếc máy bay của Mỹ”, ông Toàn nói.

Sau này, nghe thông thôn tin trên loa truyền thanh, chúng tôi được biết đêm ngày 18 rạng ngày 19/12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội, xen kẽ có 8 lần chiếc F-111 và 127 lần máy bay cường kích; ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô, 85 khu vực dân cư, làm chết 300 người. Quân và dân ta anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 03 máy bay B-52 (02 chiếc rơi tại chỗ).

Cũng là thanh niên có mặt trong những ngày Hà Nội bị B52 của Mỹ oanh tạc, ông Nguyễn Văn Lợi  ở phố Ngọc Lâm (Long Biên) cho biết, năm đó, Hà Nội rất lạnh, cái rét lạnh đến thấu xương người. Đang ở trong nhà, bỗng nhiên tiếng còi báo động phòng không nhân dân hú vang, tất cả chúng tôi đều chạy ra chiếc hầm trú ẩn gần nhà để ẩn nấp, rồi tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom rơi, tiếng đạn nổ liên hồi, lúc đó chúng tôi biết Đế quốc Mỹ dùng máy bay ném bom B52 bắt đầu đánh vào Hà Nội.

Ông Lê Văn Toàn ở phố Giảng Võ, Hà Nội.

Ông Lợi nhớ lại: “Ngày 26/12/1972, Đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội nhiều nhất, liên tục chúng tôi phải xuống hầm trú ẩn để tránh bom, hết ném bom ở Trạm biến thế Đông Anh, rồi ném bom rải thảm dữ dội tàn phá tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là phố Khâm Thiên và phố Hai Bà Trưng.  Trong cuộc đời, tôi chưa bao giờ thấy chiến tranh lại dữ dội và khốc liệt như thế. Sau này tôi được biết Mỹ đã ném bom rải thảm giết hại đồng bào ta ở phố Khâm Thiên rất nhiều.

Trong 12 ngày đêm B52 ném bom vào Hà Nội này, chúng đã giết hại rất nhiều người dân vô tội khi đang trú ẩn trong những căn hầm gần khu vực ga Gia Lâm, kho xăng Đức Giang, sân bay Gia Lâm và khu vực gần cầu Long Biên, có nhiều gia đình bị bom Mỹ giết hại gần như cả nhà. 

Biến đau thương thành hành động và sức mạnh

Kể lại 12 ngày đêm oanh liệt vào hào hùng, ông Lê Văn Toàn cho biết, trước đó chúng tôi đã được chính quyền thông báo về việc Đế quốc Mỹ dùng máy bay đánh phá Hà Nội là rất cao. Vì trước đó mấy năm, Đế quốc Mỹ đã gây ra “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” để lấy cớ ném bom ra miền Bắc, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Để làm tốt công tác phòng chống  nếu chiến tranh xảy ra, tất cả thanh niên chúng tôi ở địa phương đều tham gia đào hầm trú ẩn, hầm tránh trú bom đạn cá nhân nằm dọc hai bên đường phố.

“Hàng trăm hầm trú ẩn cá nhân được thanh niên đào dọc hai bên đường, mỗi hầm có thể chứa 2 người, có nắp đậy hẳn hoi. Những hầm trú ẩn này được sử dụng khi có lệnh báo động phòng không, mọi người khi đang đi trên đường có thể xuống hầm để tránh mảnh bom văng vào người”, ông Toàn nhớ lại.

Thời gian đó, ông Nguyễn Văn Lợi cũng tham gia vào công tác phòng không nhân dân, cứ mỗi khi có còi báo động, ông lại chạy ra đường, tay đeo băng đỏ, hướng dẫn mọi người dân xuống hầm trú ẩn thật an toàn rồi mới đến lượt mình.

Ông Lợi nói: “Thời gian đó, thanh niên chúng tôi không sợ máy bay ném bom B52 của Mỹ đâu, bắn nhau ác liệt thế nhưng chúng tôi vẫn đứng trên nóc hầm để xem pháo của ta bắn lên bầu trời diệt máy bay Mỹ, có những chiếc máy bay Mỹ bị trúng đạn phòng không cháy như bó đuốc trên bầu trời Hà Nội”.

Tôi hỏi ông thời đó nhân dân sợ nhất là gì khi Đế quốc Mỹ ném bom phá hoại Thủ đô Hà Nội, trầm ngâm một lát ông Lợi nói: “Nếu bảo sợ Mỹ thì không, ngược lại, chúng tôi còn nung nấu ý chí đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, chứng kiến nhiều đau thương, biến nỗi sợ hãi thành hành động, cứ thấy ở đâu có bom nổ làm sập nhà, cháy kho là chúng tôi lại hô nhau chạy đến đó, cứu thương và dập lửa”.

Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.

Nhưng quân và dân ta đã giáng cho Mỹ một đòn quyết định. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại, gồm: 34 chiếc B-52; 5 chiếc F-111A; 21 chiếc F-4CE; 04 chiếc A-6A; 12 chiếc A-7; 1 chiếc F-105D; 2 chiếc RA-5C; 1 chiếc trực thăng HH-53; 1 chiếc trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch.

Trong cuộc tập kích bằng đường không vào Hà Nội, riêng máy bay B-52, tỷ lệ tổn thất lên tới 17% (34/193 chiếc). Đến nỗi Tướng Gioóc Ếttơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”.

Trong hồi ký của mình, Tổng thống Richard Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh, quân đồng minh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc; đồng thời làm nức lòng bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đẩy lùi “tâm lí sợ hãi” về cái gọi là “sức mạnh khủng khiếp của không quân chiến lược Mỹ”.

Từ Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều nước thuộc thế giới thứ ba (nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ La-tinh và vùng đất khác) đã đứng lên đấu tranh giành độc lập, chủ quyền.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top