Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 21 tháng 1 năm 2023 | 11:47

Niềm tự hào trên miền quê di sản

Làng Trường Lưu, xã Kim Song Trường (Can Lộc - Hà Tĩnh) là mảnh đất đã sinh ra nhiều khoa bảng, tú tài, tiếng thơm cả vùng xứ Nghệ xưa. Đây cũng là một trong những miền quê văn hóa có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của truyền thống hiếu học. Những giá trị văn hóa ấy đang được người dân nơi đây gìn giữ và phát huy.

Nơi lưu giữ những di sản vô giá

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, nguyên Trưởng phòng Các vấn đề điều khiển (Viện Hàn lâm Khoa học Nga), hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu chia sẻ rằng, làng Trường Lưu có lịch sử hơn 5 thế kỷ, trứ danh với dòng họ Nguyễn Huy. Làng có nhiều nét văn hóa đặc sắc như nghề dệt vải và hát ví phường vải, nhưng trở nên nổi tiếng khắp cả nước từ khi Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), hậu duệ đời thứ 10 của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu về trí sĩ và dày công xây dựng nên 8 cảnh đẹp tại làng.

Dưới những nếp nhà thâm trầm, cổ kính, người Trường Lưu vẫn miệt mài với công việc gìn giữ, tôn tạo.

Ông Nguyễn Huy Oánh đã xây dựng Phúc Giang thư viện và lập nên Trường Lưu học hiệu. Đó chính là nơi khai sinh của Di sản tư liệu ký ức thế giới Mộc bản trường học Phúc Giang (Mộc bản Trường Lưu) đã được UNESCO công nhận vào năm 2016. Mộc bản có hơn 2.000 bản gỗ thị được khắc chữ Hán và Nôm ngược để in sách phục vụ việc giáo dục, khoa cử, chọn nhân tài cho quốc gia cuối thời Hậu Lê. Cùng với đó, Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa) là tập bản đồ ghi chép với nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý giá về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ 18 được Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn thảo cũng trở thành Di sản tư liệu thế giới vào năm 2018. Như vậy, hai trong số 7 di sản tư liệu thế giới của Việt Nam nằm ở làng Trường Lưu.

Trường Lưu - một làng quê mộc mạc, trù phú, êm ả, ẩn chứa bao nét đẹp thiên nhiên và tỏa hương thơm của văn hóa làng. Làng có trường học, thư viện, có chùa, miếu cổ cây cao bóng cả, có vườn hoa, hồ sen bốn mùa ngát hương thơm, có giếng khơi trong lành. Làng Trường Lưu hiện có nhiều di tích lịch sử đa dạng, gồm: Đền, đình, chùa, miếu, nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, trong đó có 4 di tích lịch sử cấp quốc gia và 8 di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Huy Mạnh, người trông coi đình làng Trường Lưu giới thiệu với chúng tôi: “Điểm chung của những di tích ở đây là đều được làm bằng gỗ, chủ yếu là gỗ lim. Hệ thống xà, cột, kèo được khắc chạm rất tinh xảo. Đặc biệt, trong mỗi căn nhà cổ được các nghệ nhân đúc tác nhiều ký tự, chữ viết ở những vị trí hết sức đặc biệt. Nhiều du khách ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến tham quan đều đánh giá cao tài điêu khắc của người Việt”.

“Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943)” được công nhận là di sản tư liệu kí ức thế giới.

Xưa nay, Trường Lưu còn được coi là cái nôi của hát ví, giặm Nghệ Tĩnh (dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2014). Miền quê nhỏ bé này cũng là cái nôi của Hồng Sơn văn phái mà đỉnh cao là hai tác phẩm “Hoa Tiên” (Nguyễn Huy Tự) và “Mai đình mộng ký” (Nguyễn Huy Hổ). Không chỉ vậy, Trường Lưu còn lưu danh “đất phát nhân tài” với truyền thống hiếu học, khoa bảng. Tấm bia đá trong đình làng Trường Lưu ghi danh 30 người con của làng đỗ tiến sĩ ở thế kỷ 18 - 19 và rất nhiều hương cống, cử nhân. Nhiều người trong số họ là các nhà chính trị, nhà văn hóa, nhà giáo dục, nhà ngoại giao. Từ năm 1945 đến nay, Trường Lưu có hàng chục người trở thành giáo sư, tiến sĩ, sĩ quan cấp tướng. Ngày nay, con em Trường Lưu đã tiếp nối truyền thống khoa bảng của các bậc tiền nhân, nhiều gia đình có 4-5 con đều đỗ đại học.

Hành trình trở thành Di sản tư liệu ký ức thế giới

Hiếm có đất nào như Trường Lưu, hội tụ rất nhiều di sản vật thể, phi vật thể ở tầm quốc gia, quốc tế. Những ngày có mặt trên mảnh đất Trường Lưu, trong sự trầm mặc, bình yên của miền quê nhỏ bé gần 600 năm tuổi, hôm nay lại mang thêm một niềm vui mới khi Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức ghi danh “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943)” là di sản tư liệu kí ức thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể Nhân dân Hà Tĩnh, và đặc biệt là người dân xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc - quê hương của di sản.

Đại diện đoàn Việt Nam nhận chứng nhận Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO dành cho Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Dõi theo những dòng tin tức từ các báo, đài, ông Nguyễn Huy Thiện cùng con cháu trong dòng họ Nguyễn Huy không dấu nổi sự phấn khởi, khi những dòng thông tin về di sản của làng liên tục được đăng tải, lan rộng khắp cả nước và thế giới.

Gắn với những danh nhân khoa bảng của dòng họ Nguyễn Huy và một số dòng họ khác, tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc hiện nay có một hệ thống di sản đồ sộ, trong đó có 4 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia, 3 di sản Tư liệu ký ức thế giới là Mộc bản Trường Lưu, Hoàng Hoa sứ trình đồ và hôm nay lại thêm Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943). Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của một miền quê mang trong lòng nhiều di sản quý mà còn là cơ sở, điều kiện thuận lợi để thực hiện việc xây dựng làng Trường Lưu thành địa chỉ văn hóa du lịch mang tầm quốc tế.

Di sản “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu từ 1689 đến 1943” gồm 48 tư liệu được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm; 19 văn bản hành chính dưới thời Nguyễn (1803-1943), 3 bức trướng tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt.

Với tập hợp những di sản sản quý là “Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu từ 1689 đến 1943”, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ cho thầy bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất này. Từ các tài liệu này đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân và mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương qua các giai đoạn lịch sử. Và hôm nay, trong niềm hân hoan đón mừng di sản tư liệu kí ức thế giới, dưới những nếp nhà thâm trầm, cổ kính, người Trường Lưu vẫn miệt mài với công việc gìn giữ, tôn tạo. Ý thức gìn giữ, bảo vệ, trân trọng di sản của người Trường Lưu xưa - nay đã góp một phần rất lớn trong hành trình đưa di sản Việt Nam vươn tầm thế giới.

Tiến sỹ Võ Hồng Hải, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy (cố vấn Đoàn UNESCO Việt Nam) cho biết: “Cùng với Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, việc Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu vừa được Hội đồng UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới châu Á - Thái Bình Dương đã góp phần khẳng định giá trị mang tầm nhân loại của các di sản văn hóa nêu trên. Đồng thời, cho thấy hướng đi đúng đắn của Hà Tĩnh trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa thời gian qua.

Những kết quả đã được công nhận là cơ sở, điều kiện thuận lợi để tỉnh thực hiện việc xây dựng làng văn hóa - du lịch Trường Lưu thành một địa chỉ văn hóa du lịch mang tầm quốc tế như nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã xây dựng thành công”.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top