Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 2 năm 2023 | 14:10

Niềm vui của đảng viên lão thành Y Điêng

Mùa Xuân này, niềm vui của đảng viên lão thành - nhà văn Y Điêng như được nhân lên gấp đôi, gấp ba khi ngày 19/1 vừa qua, tại khu phố 3, thị trấn Hai Riêng, Huyện ủy Sông Hinh (Phú Yên) tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng ông.

Lòng tôi lúc nào cũng đi theo Đảng

Tại buổi lễ, được Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp gắn Huy hiệu Đảng và tặng hoa chúc mừng, đảng viên - nhà văn Y Điêng không khỏi xúc động. Mới đó mà đã 75 năm trôi qua, chàng thanh niên 21 tuổi mang theo hoài bão, khát vọng đứng tuyên thệ dưới lá cờ của Đảng ngày nào nay đã trở thành đảng viên lão thành.

Nhà văn Y Điêng bên bàn viết. Ảnh: Đào Đức Tuấn

Đảng viên Y Điêng chia sẻ, mình đã mất ngủ cả đêm vì hồi hộp, mong chờ lễ trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, như thể trẻ con mong chờ Tết. Từ sáng sớm, ông nôn nao thay y phục chỉnh tề, giục vợ chở sang nhà văn hóa khu phố dự lễ. “Năm nay dù đã 95 mùa rẫy, tay chân đã chậm, tai đã lãng, nhưng lòng tôi lúc nào cũng đi theo Đảng, trung thành với Đảng. Nhờ đi theo cách mạng, được sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng mà tôi được như ngày hôm nay. Tôi biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ lắm!”, người đảng viên lão thành xúc động nói.

Ông Y Điêng sinh năm 1928 ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi, ông được kết nạp Đảng ngày 5/11/1949, trở thành đảng viên chính thức năm 1950.

Gần 7 năm bám trụ vùng đất phía Đông Tây Nguyên, trước khi khoác ba lô theo những người con miền Nam tập kết ra Bắc, ông từng đảm nhiệm công việc giám thị trại giam tề ngụy thuộc Ty Công an Đắk Lắk. Đặt chân lên đất Bắc, chàng thanh niên Y Điêng được đi học chính trị - nghiệp vụ ở Trường Đào tạo của Bộ Công an tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang) rồi về làm Cảnh sát tiếp quản Hà Nội sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi.

Vài tháng sau, ông nhận quyết định sang Trường Dân tộc Trung ương và được đi học bổ túc văn hóa suốt ba năm, đến cuối thu năm 1958, mới về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Duyên nợ với nghiệp văn đến với ông khi được cử đi học lớp viết văn khóa 1 ở Quảng Bá cùng thời với các nhà văn Lương Sĩ Cầm, Lê Tri Kỷ, Nguyễn Quang Sáng…

Năm 1963, Y Điêng về làm phóng viên Đài Phát thanh khu tự trị Tây Bắc, đồng thời nghiên cứu văn hóa dân gian, nhưng chỉ một năm sau đó, Y Điêng trở lại chiến trường Nam Bộ và được phân công làm thư ký riêng của cụ Y Bi Aleo - Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đất nước thống nhất, ông trở về Tây Nguyên, đảm trách chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk suốt 6 năm mới chuyển về xuôi làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Phú Khánh. Đến tuổi nghỉ hưu, nhà văn Y Điêng không ở lại phố thị mà về lại với quê nhà và dòng sông Hinh.

Theo Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu, việc trao tặng Huy hiệu Đảng đối với các đảng viên lão thành thể hiện sự ghi nhận, trân trọng của Đảng và nhân dân đối với sự đóng góp của các đồng chí vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Nhà văn Y Điêng nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng không chỉ là vinh dự của ông và gia đình, dòng họ mà còn là niềm tự hào của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân huyện. Chúng tôi trân trọng cảm ơn những đóng góp của đảng viên lão thành Y Điêng cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Ông mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho thế hệ sau học tập, noi theo”, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu nhấn mạnh.

Cần mẫn trên “cánh đồng” văn chương

75 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhà văn Y Điêng luôn thể hiện phẩm chất của người Đảng viên cộng sản, gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy phục vụ Đảng, phục vụ Tổ quốc và Nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Như cánh chim prô-tốc bay không mỏi trên đại ngàn của Sông Hinh, ông miệt mài, cần mẫn, gặt hái quả ngọt trên “cánh đồng” văn chương bằng tình yêu với cách mạng, với Đảng, với Tây Nguyên…

Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương (ngoài cùng bên phải) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cao Thị Hoà An, ông Lơ Mô Tu, Bí thư Huyện ủy Sông Hinh tặng hoa chúc mừng, đảng viên - nhà văn Y Điêng.

Có thể nói, ông là người viết văn xuôi đầu tiên của Tây Nguyên. Và gần như cả cuộc đời viết văn, Y Điêng chỉ viết về Tây Nguyên. Là người Ê Đê đầu tiên được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, trong sự nghiệp văn chương, nhà văn Y Điêng đã có hàng chục tác phẩm văn học thể loại tiểu thuyết, truyện dài, thơ, dịch sử thi, trường ca từ tiếng Ê đê sang tiếng Việt phổ thông… Năm 2007, nhà văn Y Điêng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và hiện nay ông vẫn miệt mài sáng tác.

“Gia tài” văn chương của nhà văn người Ê Đê này rất đáng nể với các tác phẩm đã xuất bản gồm: “Em chờ bộ đội Awa Hồ” (1962), “Ông già Kơ Rao” (1964), “Như cánh chim Kway” (1974), “Drai Hling đi về phía sáng” (1976), “Hơ Giang” (1978), “Chuyện trên bờ sông Hinh” (1994), “Sông Hinh, con sông quê hương” (1980), “Thơ tình Y Điêng”(1986)…

Ngoài viết văn, nhà văn Y Điêng còn là người đã dày công sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa, văn nghệ các dân tộc thiểu số trên địa bàn Phú Yên, từng tham gia dịch các trường ca: “Xinh Nhã”, “Đăm Di”, “Khinh Dú”, “Y Ban”, “Y Prao”… ra tiếng Việt và xuất bản tập “Truyện cổ Ê Đê”.

Nhân vật trong sáng tác của Y Điêng là hình tượng những con người Tây Nguyên nhân hậu, đảm đang, thủy chung, bất khuất và nghĩa tình như chính đất núi và rừng Tây Nguyên. Những trang sách của nhà văn Y Điêng là bức tranh giàu hiện thực, ở đó hiện lên sinh động, đậm bản sắc văn hóa và giàu giá trị lịch sử của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Ở đó có những con người anh hùng, bất khuất, kiên trung một lòng hướng về miền Bắc, về Bác Hồ kính yêu - mà tiêu biểu là cụ YBih Aleô.

Nhà văn cho biết: “Để có được những trang viết để đời, máu thịt như vậy, một phần là do sự đam mê văn chương, nhưng cái chính vẫn là một nỗi lòng luôn thấu hiểu và hướng về sông núi, về bà con quê hương yêu dấu”.

 

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top