Tỉnh Đồng Nai được xem như “thủ phủ” chăn nuôi heo của cả nước, với tổng đàn khoảng 2,6 triệu con; bình quân mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 37 nghìn tấn thịt heo. Bên cạnh một số đơn vị chấp hành tốt bảo vệ môi trường thì còn nhiều nơi hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
2.150 cơ sở buộc phải di dời
Đặc biệt là một số cơ sở chăn nuôi gia công cho các công ty, tập đoàn nước ngoài. Trong 2 năm (2021-2022), qua kiểm tra đã phát hiện 129 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường (BVMT); xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn 7 cơ sở.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt danh sách trên 3.000 cơ sở chăn nuôi (gia súc, gia cầm) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Trong đó, gần 2.150 cơ sở buộc phải di dời, và trên 860 cơ sở ngưng chăn nuôi. Bên cạnh đó, từ 15/4 đến 15/7, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND 11 huyện, thành phố tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT đối với gần 10.000 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Một trại heo tại ấp 3, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất nằm sát bờ suối (gần nguồn nước) trái quy định của pháp luật.
Đợt kiểm tra lần này nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động chăn nuôi gây ra; lập danh sách cơ sở chưa đủ điều kiện về môi trường, quy hoạch. Sẽ công khai các cơ sở gây ô nhiễm. Trường hợp đã công khai cơ sở mà các công ty vẫn hợp đồng nuôi gia công thì phải chịu trách nhiệm liên đới đối với các vi phạm về hoạt động chăn nuôi và BVMT.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiều cơ sở nuôi heo vẫn gây ô nhiễm. Với người dân xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai), đã từ lâu phải chịu đựng mùi hôi xuất phát từ những trang trại nuôi heo ở đây. “Cứ buổi chiều tối hoặc mỗi lần trời mưa là trại heo gần nhà lại xả thải khiến mùi hôi nồng nặc không chịu nổi. Nhiều bữa cơm chiều đang ăn thì mùi hôi của trại heo xộc thẳng vào nhà không thể nuốt nổi” - một người dân bức xúc.
Các hộ sinh sống gần trại heo này đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Còn ở thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất), người dân cho biết, vào ban đêm mùi rất hôi, bay xa tới 2-3km. Người dân bức xúc đi báo chính quyền địa phương. Nhưng phạt xong rồi đâu lại vào đó.
Cách huyện Thống Nhất khoảng 50km là “thủ phủ” heo Xuân Lộc. Đây cũng là một trong những địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh Đồng Nai. Ông Trần Duy Nguyện - Chủ tịch UBND xã Suối Cao, địa phương có nhiều hộ nuôi heo cho biết, xã không thể vào kiểm tra được vì đây là trang trại do tỉnh cấp phép, chỉ có Chi cục BVMT mới được kiểm tra.
Được biết, hầu hết các doanh nghiệp nuôi heo được tỉnh Đồng Nai cấp phép xây dựng trang trại đều theo hình thức xây dựng xong phần chuồng trại rồi cho các công ty nước ngoài thuê lại để chăn nuôi. Hiện nay, để xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn quy mô hàng nghìn con heo trở lên thì nhà đầu tư phải bỏ ra kinh phí rất lớn.
Với các dự án chăn nuôi heo lớn do tỉnh cấp phép đầu tư trên địa bàn các xã, gần như người dân địa phương không được hưởng lợi ích gì, vì về cơ bản các trang trại không sử dụng nhân công tại chỗ, trong khi phải gánh chịu nỗi lo về ô nhiễm, đường sá nông thôn thì xuống cấp do các trang trại vận chuyển heo, thức ăn có tải trọng lớn.
Bắc Giang: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
Gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang liên tiếp xảy ra các vụ trang trại nuôi lợn quy mô lớn không làm tốt công tác xử lý chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường nước sông, suối, ảnh hưởng cuộc sống các khu dân cư xung quanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các chủ trang trại, chưa quan tâm chú trọng công tác xử lý chất thải chăn nuôi, đầu tư hệ thống xử lý chưa tương xứng. Có trường hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn nhưng lại không quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải bài bản...
Một bể xử lý chất thải không đạt chuẩn tại trang trại nuôi lợn ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang).
Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), thời điểm cuối năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 630 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có gần một nửa là chăn nuôi lợn với khoảng 1,1 triệu con gia súc (lợn hơn 900 nghìn con) và 20 triệu con gia cầm; ngoài ra còn hơn 170 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, tổng lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi thải ra rất lớn: Chất thải rắn 8.769 tấn/ngày (khoảng 3,2 triệu tấn/năm ); chất thải lỏng 3.411 m3/ngày (khoảng 1,2 triệu m3/năm).
Toàn tỉnh có hơn 630 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có gần một nửa là chăn nuôi lợn. Ngoài ra còn hơn 170 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi thải ra môi trường rất lớn: Chất thải rắn 8.769 tấn/ ngày (khoảng 3,2 triệu tấn/năm ); chất thải lỏng 3.411 m3/ngày (1,2 triệu m3/năm).
Thông tin từ Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc xử lý chất thải chăn nuôi chủ yếu mới được quan tâm thực hiện tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, không ít trang trại thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo kiểu đối phó, có tâm lý ưu tiên phát triển kinh tế, xem nhẹ môi trường.
Điển hình gần đây là vụ hộ ông Trịnh Văn Thế ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang), đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn kinh phí nhiều tỷ đồng theo hướng tự phát, không bài bản, gây ô nhiễm môi trường nước sông Thương, bị cơ quan chức năng “tuýt còi” buộc dừng hoạt động. Đối với chất thải chăn nuôi tại các nông hộ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ven các khu đô thị, thị trấn, thị tứ, khu dân cư phần đa chưa được xử lý theo quy định mà xả thẳng trực tiếp ra môi trường qua hệ thống thoát nước thải, nước mưa hoặc ra ao, hồ sông suối.
Lượng chất thải lớn, tình trạng vi phạm xả thải còn phổ biến, nhưng công tác quản lý, xử lý vi phạm về xả thải trái phép trong chăn nuôi còn nhiều bất cập do trên địa bàn tỉnh chưa quy hoạch được khu vực cấm chăn nuôi. Việc xử lý vi phạm về quản lý chất thải rắn trong lĩnh vực này chưa được cụ thể hóa, mức xử phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe. Vi phạm trên thực tế nhiều, nhưng xử lý ít. Lực lượng chức năng chủ yếu mới xử lý được các trường hợp vi phạm qua đơn thư, phản ánh, tố cáo của công dân.
Để phát triển chăn nuôi bền vững
Theo ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học (KSH - biogas) là chủ yếu, một số ít dùng chế phẩm sinh học, ủ phân hữu cơ, sử dụng công nghệ tách ép phân... Xử lý chất thải chăn nuôi theo hình thức KSH có chi phí đầu tư lớn, chất thải không được xử lý triệt để. Ở các trang trại quy mô lớn, khí ga sinh ra hầu như không được sử dụng mà xả trực tiếp ra môi trường...
Trước tình trạng ô nhiễm từ các trang trại chăn nuôi có dấu hiệu gia tăng, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị các huyện, TP rà soát lại toàn bộ các trang trại, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn để có biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm trong thực hiện công tác bảo vệ môi trường; phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường. Cùng đó, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về môi trường, hậu quả của việc xả thải trái quy định,... từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của người chăn nuôi.
Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT đang tập trung nghiên cứu, tham mưu HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết về các khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực cấm theo quy định; phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi theo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham luận tại hội nghị do Cục Chăn nuôi tổ chức tháng 3 vừa qua, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan xử lý chất thải chăn nuôi như: Đề nghị Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng trong nội bộ trang trại; xây dựng các quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước nhằm tăng cường khả năng thu gom chất thải rắn tại các trang trại chăn nuôi nhằm phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ; nghiên cứu công nghệ xử lý chất thải cho các quy mô chăn nuôi khác nhau theo hướng công nghệ KSH cải tiến, khắc phục hạn chế về quá tải hầm KSH...
Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có một số mô hình chăn nuôi trang trại thân thiện với môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật trong đó là mô hình chăn nuôi lợn tuần hoàn khép kín của hộ ông Hoàng Đình Quê ở xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng). Ông Quê dùng phân lợn để nuôi trùn quế, lấy trùn quế làm thức ăn cho gà, vịt và phân từ trùn quế lại được dùng cho sản xuất nông nghiệp.
Mô hình của ông Quê đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giúp đàn vật nuôi luôn khoẻ mạnh, không dịch bệnh và thu lãi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động, trở thành gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Ông Quê chia sẻ: “Tôi đã xác định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi là một trong các yếu tố quan trọng cần quan tâm đầu tư tương xứng và những gì tôi đạt được là minh chứng cụ thể nhất”.
Từ thực tế trên cho thấy, khi quyết định đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại hay nông hộ, bên cạnh các yếu tố về giống, kỹ thuật, dinh dưỡng vật nuôi… chủ các cơ sở, hộ kinh doanh cần quan tâm lựa chọn vị trí, mô hình chăn nuôi phù hợp; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải bài bản theo hướng tuần hoàn khép kín, tiết kiệm được chi phí mà vẫn bảo đảm thân thiện với môi trường. Qua đó, tạo ra sản phẩm chăn nuôi đủ tiêu chuẩn tham gia các liên kết chuỗi sản phẩm an toàn, để hạn chế thấp nhất các rủi ro.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.