Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 2023 | 15:2

Phát triển kinh tế từ vốn chính sách

Với sự góp sức của nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Thoát nghèo từ vốn vay chính sách

Năm 2016, khi đang là hộ nghèo, gia đình ông Đinh Đen ở làng Kon Giọt 1 (xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn) mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để mua 2 con bò cái sinh sản. Cũng năm đó, với số vốn dành dụm của gia đình, ông Đen mua thêm 5 con heo, nhưng lại gặp khó khăn bởi dịch bệnh trên đàn heo. Dồn sức, từng bước nhân giống đàn bò, 3 năm sau, ông bán hết bò và trả nợ cho ngân hàng. Số tiền lãi còn lại là 50 triệu đồng.

Giữa năm 2019, ông tiếp tục vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Lần này, ngoài kinh nghiệm sẵn có, ông Đen học hỏi thêm kỹ thuật, nhất là biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho bò. Mỗi năm, ông chỉ giữ 2 - 3 con bò giống để nuôi sinh sản, còn lại đều bán để có thêm thu nhập. Tận dụng đất vườn, đồi, ông trồng thêm cỏ voi, chuối để có thức ăn cho bò. Thu nhập của gia đình ngày một tăng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Kim Xuyến ở thôn Bình Đức (xã Cát Tân, huyện Phù Cát) đầu tư trồng nấm từ nguồn vốn ưu đãi hộ cận nghèo.

Thoát nghèo, trở thành hộ cận nghèo, chị Nguyễn Thị Kim Xuyến (thôn Bình Đức, xã Cát Tân) được NHCSXH huyện Phù Cát hỗ trợ vay 70 triệu đồng. Chị quyết định đầu tư trồng nấm. Mỗi đợt rằm, chị cung cấp khoảng 200kg nấm cho các tiểu thương trong khu vực. “Càng làm thì càng thấy say mê vì mình có đầu ra khá ổn định. Ngoài ra, vốn vay NHCSXH có lãi suất thấp nên tôi yên tâm sản xuất, mạnh dạn mở rộng quy mô”, chị Xuyến cho biết.

Anh Đinh Văn Đề (làng Hà Văn Trên, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) cũng tận dụng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH để từng bước mở rộng diện tích trồng rừng nguyên liệu. Đến nay, gia đình anh đã có 15ha keo; thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Chăm chỉ làm ăn, tăng thu nhập gia đình, vợ chồng anh Đề đã xây được ngôi nhà mới khang trang, sắm sửa được các vật dụng tiện ích, hiện đại.

Tăng độ bao phủ tín dụng chính sách

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ đạt 5.537 tỷ đồng, tăng 710 tỷ đồng so với cuối năm 2021, cho hơn 99.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.

Năm 2022, doanh số cho vay của chi nhánh đạt 1.974 tỷ đồng, với hơn 39.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, doanh số cho vay giải quyết việc làm là 614 tỷ đồng, với hơn 12.000 lao động vay vốn; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 667 tỷ đồng, với gần 11.000 lượt khách hàng vay vốn; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn 154 tỷ đồng, với hơn 3.000 lượt khách hàng vay vốn…

Từ đó, góp phần quan trọng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh chính trị, an ninh quốc phòng toàn dân trên địa bàn.

 

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
Top