Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024 | 14:6

Phú Ninh hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện Phú Ninh (Quảng Nam) có sự tăng trưởng theo từng năm, đóng góp to lớn cho nền kinh tế địa phương. Đây chính là yếu tố quan trọng trong lộ trình hiện thực hóa nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Đến nay, tỷ trọng ngành nông nghiệp huyện Phú Ninh giảm còn khoảng 15% trong cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất tăng trưởng hằng năm, đóng góp quan trọng vào thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập của hộ gia đình theo lộ trình xây dựng huyện NTM nâng cao.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến nhận định tại hội nghị tổng kết năm 2024 vừa qua, nông nghiệp huyện Phú Ninh phát triển chưa thật sự bền vững. Trong đó, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn các xã, thị trấn chưa thật sự mạnh mẽ, diện tích chuyển đổi cây trồng nhiều nơi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa.

Mô hình nông nghiệp thông minh phát huy hiệu quả tại huyện Phú Ninh.

Mô hình nông nghiệp thông minh phát huy hiệu quả tại huyện Phú Ninh.

Ông Vũ Văn Thẩm - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng, giá trị cây có hạt chiếm 42,5%, trong khi đó, giá trị chăn nuôi mới hơn 57%. Thời gian tới ngành nông nghiệp của huyện cần tập trung nâng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.

“Ngành Nông nghiệp huyện phải nghiên cứu kỹ, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.

Có đơn đặt hàng các tổ chức hội nông dân, phụ nữ thực hiện thật tốt việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp trong hội viên; đồng thời phải có kế hoạch, gắn với quyết tâm chính trị đẩy mạnh phát triển trên lĩnh vực chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt” - ông Thẩm nói.

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ, diện tích rừng tự nhiên của Phú Ninh có hơn 1,1 nghìn héc ta; rừng trồng khoảng 9 nghìn héc ta.

Thời gian tới, địa phương làm tốt việc giao khoán cho người dân quản lý, bảo vệ rừng theo các nguồn vốn chi trả dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ rừng để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, có kế hoạch tham gia hiệu quả vào chiến lược trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC của tỉnh.

Thực hiện liên kết sản xuất lúa giống trên địa bàn huyện Phú Ninh đã 15 năm, ông Triệu Tấn Phú - Giám đốc Công ty TNNH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên cho biết, đã xây dựng hoàn thành trụ sở tại Khu công nghiệp Chợ Lò.

Tại đây, công ty đầu tư hệ thống sấy 120 tấn/ngày đêm, nâng tổng công suất sấy lên 160 tấn/ngày đêm. So với các địa phương như Đại Lộc (1.000ha), Thăng Bình (300ha), diện tích sản xuất lúa giống của Phú Ninh mới đạt khoảng 200ha.

“Chúng tôi cam kết đồng hành cùng ngành nông nghiệp địa phương liên kết sản xuất, bao tiêu mặt hàng lúa giống. Các hợp tác xã muốn biết doanh nghiệp liên kết với mình đang hoạt động như thế nào thì có thể đến tham quan trụ sở làm việc để có thêm niềm tin, cùng liên kết bền chặt hơn” - ông Phú nói.

Một số mô hình mới hiệu quả

Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, thời gian qua thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Phú Ninh đã hình thành một số mô hình sản xuất mới, áp dụng công nghệ cao.

Có thể kể đến như mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Tam Phước 3ha; sản xuất dưa hấu theo hướng VietGAP gắn với cấp mã vùng trồng tại các xã Tam Phước 14,81ha, Tam Thành 10ha, Tam Thái 10ha, Tam Dân 12ha, Tam Lộc 10ha...

Ở lĩnh vực chăn nuôi, có mô hình chăn nuôi heo nạc công nghệ chuồng lạnh tại các xã Tam Vinh, Tam Lộc, Tam Phước. Hay một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa giống tại các xã Tam Thành, Tam An...

“Các mô hình nuôi heo hướng nạc, nuôi bò, gà thịt, gà đẻ trứng được nhân rộng ở các địa phương trên địa bàn huyện, đã góp phần chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành, thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đề ra trong năm 2024”, ông Lê Văn Tình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh chia sẻ.

Xã Tam Thành đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.

Theo ông Phạm Ngọc Tòng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành, UBND xã chỉ đạo, phối hợp với hợp tác xã trên địa bàn thực hiện duy trì liên kết các chuỗi sản xuất lúa giống hàng hóa. Hằng năm ký kết với Công ty Thái Bình Seed sản xuất gần 200ha lúa giống các loại, bình quân đạt 65 tạ/ha. Mô hình liên kết sản xuất ớt theo quy hoạch bước đầu đạt hiệu quả cao...

Được UBND huyện Phú Ninh giao thực hiện chỉ tiêu 240ha cánh đồng có thu nhập cao trong năm 2024, ngành nông nghiệp xã Tam Lộc tham mưu xây dựng các mô hình phát triển bền vững như dưa vụ đông xuân, mè xuân hè, bắp thu đông..., đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phan Thanh Nở - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết, hiệu quả sản xuất trên 240ha cánh đồng thu nhập cao đã được huyện đánh giá công nhận. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của xã đạt gần 185 tỷ đồng, tăng hơn 8,8 tỷ đồng so với năm 2023.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top