Doanh nghiệp nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng bế tắc, bất an khi quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) được áp dụng.
Loay hoay với sơn chống cháy
Ông P.H.D., tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn tại Hải Phòng, cho biết: Đơn vị ông kinh doanh mảng cho thuê hạ tầng công nghiệp. Gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc trong khu công nghiệp của ông liên tục cầu cứu ban quản lý khi các quy định mới về PCCC được ban hành.
Tất cả các vướng mắc đều liên quan đến vật liệu chống cháy, như sơn, khung dầm... của nhà xưởng, nằm trong quy chuẩn mới là QCVN 06:2022/BXD. Đây là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình, do Bộ xây dựng tham mưu, Bộ Công an phối hợp thực hiện, quản lý, giám sát.
Theo ông P.H.D., nhiều nhà máy, phân xưởng đã xây xong nhưng khó đưa vào hoạt động vì không kiểm định được tính chịu lửa, chịu lực trên các vật liệu chống cháy. Khi hỏi các đơn vị liên quan, ông nhận được câu trả lời rằng chưa có hướng dẫn cụ thể. Như vậy, doanh nghiệp có mong làm đúng, làm nhanh để phát triển sản xuất cũng đành chịu.
“Theo yêu cầu của đơn vị thẩm định PCCC, toàn bộ kết cấu khung dầm của nhà xưởng phải được sơn bằng sơn chống cháy. Nhưng đó là sơn gì, chỉ số đảm bảo cần bao nhiêu, bán ở đâu, ai kiểm định... thì nhà chức trách không nói. Trên thị trường có hàng trăm hãng sơn, nhưng loại sơn nào 'vừa lòng' các cấp để sơn lên khung dầm nhà xưởng, đảm bảo yêu cầu của PCCC thì doanh nghiệp tự tìm”, ông D. phản ánh.
Lửa bốc lên dữ dội tại công ty nhựa ở Khu công nghiệp Hòa Khánh - Ảnh: H.B. (Hình minh họa)
Ông Nguyễn Công Hải, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương nhận xét, doanh nghiệp muốn xây nhà máy theo đúng quy chuẩn mới là rất khó. Giờ ra cửa hàng sơn hỏi mua sơn chống cháy không khó, nhưng sơn đó mua về cơ quan chức năng có chấp nhận không, có đủ tiêu chí của quy định mới không?... Hiện không một ban ngành nào đứng ra hướng dẫn, đảm bảo cho doanh nghiệp
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cho hay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong khu công nghiệp của ông phản ánh: Các quy định về PCCC của Việt Nam đang thuộc tốp đầu thế giới, cao hơn cả tiêu chí mà chính phủ Nhật đưa ra tại nước bản địa.
“Nếu làm đúng yêu cầu hiện nay thì chi phí xây dựng hệ thống PCCC so với cách làm cũ tăng từ 1,7 đến 2,2 lần, khiến tổng mức đầu tư bị đội lên cao, ảnh hưởng đến nguồn vốn, nguồn đầu tư, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp".
Khi áp dụng các tiêu chuẩn PCCC tự động trong nhà xưởng, không thể sử dụng các thiết bị của Trung Quốc hay các nước châu Á lân cận nữa mà phải nhập từ châu Âu. Mà nhập thiết bị từ châu Âu về Việt Nam hiện rất khó khăn, tăng thời gian chờ đợi, tăng giá thành, thủ tục hành chính dài hơn,... khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất tự chủ trong sản xuất. Bởi, không có nghiệm thu PCCC sẽ bị đình chỉ hoạt động. Lúc đó sản xuất bị đình trệ.
"Đó là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không dám mở rộng nhà máy hay đầu tư mới. Nếu những vướng mắc trên không được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, thì có thể buộc họ phải tính toán, chuyển sang thị trường khác”, ông Điệp lo ngại.
Có thể điều chỉnh theo từng trường hợp cụ thể
Cũng liên quan đến công tác PCCC Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình chia sẻ."Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy, chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh… làm tăng chi phí quá mức cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất, kinh doanh nhiều năm buộc phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy",
Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất kiến nghị sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm tối đa các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an xin tiếp thu các kiến nghị của Ban Dân nguyện nêu trong báo cáo. Cụ thể là việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp phân loại mức độ rủi ro về phòng cháy, chữa cháy; tháo gỡ các bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trong trường hợp có điều kiện về an ninh trật tự thì cần tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định phòng cháy, chữa cháy.
"Nếu chúng ta hạ mức các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy thì hậu quả liên quan là rất lớn, liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân", ông Hùng nói và cho biết, trong trường hợp cụ thể thì Bộ Công an sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền để có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung theo từng trường hợp cụ thể.
"Vấn đề ở đây là phải tăng cường tính tự giác trong chấp hành, tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy, người đứng đầu các cơ sở trọng điểm về chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức kiểm tra việc đảm bảo quy định phòng cháy, chữa cháy; phối hợp tốt trong việc thẩm định, rà soát và bổ sung kịp thời các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy để phòng ngừa", ông Hùng nhấn mạnh.
Công an Hà Nội đề xuất 6 giải pháp 'gỡ vướng' trong PCCC với doanh nghiệp
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp nêu khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Quy chuẩn mới về PCCC, Công an Hà Nội đã đề xuất 6 giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.
Theo đó, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội đề xuất, nghiên cứu, bổ sung quy định về khoảng cách bố trí giữa 2 thang bộ thoát nạn tính theo đường chéo đối với hành lang an toàn. Cho phép không quy định chiều rộng khe hở giữa các vế thang bộ thoát nạn trong trường hợp công trình được trang bị hệ thống họng nước chờ khô.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH cho rằng, đây là một trong những giải pháp có thể tháo gỡ cho nhiều dạng công trình phù hợp với các yêu cầu kiến trúc, kết cấu.
Thứ hai, nghiên cứu, cho phép áp dụng các giải pháp tăng cường đối với công trình cao đến 25m được bố trí một thang bộ thoát nạn an toàn. Cho phép chiều rộng vế thang tối thiểu 0,7m được phép áp dụng đối với một số loại công trình đặc thù có quy mô nhỏ dưới 300m2/sàn, số lượng người tập trung thấp dưới 20 người/ tầng.
Thứ tư, hướng dẫn, chỉnh sửa quy định ngăn hành lang thành những đoạn nhỏ hơn 60m bằng vách ngăn cháy để xác định yêu cầu bảo vệ chống khói theo Phụ lục D - QCVN 06:2022, không cần thiết phải quy định cơ cấu tự động đóng đối với cửa các gian phòng khi cửa mở vào hành lang bên khi đã được thoát khói trực tiếp.
Thứ năm, cần nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định về kích thước bãi quay xe, tránh xe quy định tại QCVN06:2022/BXD phù hợp với thực tế thông số phương tiện xe chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiện nay được trang bị cho các địa phương.
Thứ sáu, nghiên cứu, chỉnh sửa quy định yêu cầu trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các công trình độc lập theo hướng không quy định cơ sở phải trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà. Chỉ quy định cấp nước chữa cháy bên ngoài đối với hạ tầng khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, gắn với quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, cải tạo theo hạ tầng cơ sở chung.
Theo đại diện Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, sau khi đề xuất 6 giải pháp, đại diện Bộ Xây dựng ghi nhận, đồng thời giao Vụ Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên môn khẩn trương tập hợp, nghiên cứu.
Trước mắt sẽ có hướng dẫn về việc triển khai, áp dụng QCVN 06:2022 và tiếp tục nghiên cứu những quy định còn bất cập để chỉnh sửa, bổ sung trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn TP.Hội An (Quảng Nam) đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị- xã hội thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội, chăm lo cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, ngày thành lập Hội 14/10 vừa qua và các đợt sơ kết, tổng kết công tác, phong trào của Hội.
Đây là thể loại phim hài được lấy ý tưởng từ nhiều vùng quê khi làng lên phố, họ cố gắng cống hiến, thể hiện bản thân nhưng cuối cùng 3 nhân vật chính: Trung - Trường - Trang đều khởi nghiệp thất bại. Và cuối cùng họ nhận ra được bài học từ chính cha mẹ mình, đó là không cần đi đâu xa làm giàu mà hãy làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bằng chính tài năng và trí tuệ của mình.