Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 22 tháng 7 năm 2023 | 10:0

Sức bật từ nông nghiệp công nghệ cao và giải pháp để nông sản "xích gần" thị trường quốc tế

Với áp lực đô thị hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã tạo thành sức bật giúp ngành kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội...

Mô hình trồng dưa lưới ở thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ.

Hà Nội: Sức bật từ nông nghiệp công nghệ cao

Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tạo sức bật mới, góp phần thu hẹp khoảng cách thành thị - nông thôn.

Trong ánh nắng chiều hè gay gắt, thành viên Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) tất bật với những đơn hàng xuất cho các siêu thị, nhà hàng... Ông Hoàng Văn An - thành viên Hợp tác xã phấn khởi nói: “Với hơn 2.000m2 nhà lưới trồng dưa chuẩn công nghệ cao, giá bán trên thị trường 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi vụ, gia đình tôi thu hơn 50 triệu đồng, có vụ thu gần 100 triệu đồng tiền lãi”...

Thực tế, không phải nông dân nào của Hà Nội cũng có mức thu nhập ổn định như vậy từ nông nghiệp. Ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn chia sẻ, xuất phát từ nhóm hộ nông dân mong muốn gắn bó với đồng ruộng quê hương, nắm bắt xu hướng tiêu dùng, năm 2016, họ liên kết cùng góp đất, thuê đất để sản xuất rau sạch. Từ nhóm hộ ban đầu đó, ông cùng các thành viên thành lập Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn.

Quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp, Hợp tác xã tập trung xây dựng vùng chuyên canh rau, quả ứng dụng công nghệ cao. Quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sơ chế rau của Hợp tác xã đều theo công nghệ Nhật Bản. Hợp tác xã đã phối hợp với các nhà khoa học lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G để cập nhật tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác về nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa... Toàn bộ diện tích trồng rau được phủ màn hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức bằng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, công nghệ nano nhằm tăng năng suất, giảm tỷ lệ sâu bệnh, giảm chi phí và nhân công lao động.

Để minh bạch nguồn gốc xuất xứ rau, Hợp tác xã triển khai ứng dụng hệ thống thông tin điện tử, sử dụng mã QRcode tới 100% hộ sản xuất... Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt 600 tấn/năm, doanh thu 4 tỷ đồng/năm. Hiện nay, sản phẩm rau quả của Hợp tác xã được cung ứng cho 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là BigC và T-Mart cùng 15 cửa hàng tiện ích, 11 trường học.

Cũng là mô hình điểm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội, mô hình sản xuất theo chuỗi của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) cũng đạt hiệu quả khá. Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green Nguyễn Văn Chữ chia sẻ, từ năm 2007, Công ty xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm sạch với việc chuẩn hóa 5 khâu, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm, tạo chuỗi thực phẩm khép kín.

Đối với khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty chọn phương pháp sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học, sản lượng 1.000 tấn/tháng, cung cấp cho các trại chăn nuôi của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đến nay, Công ty đã có 7 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Để có sản phẩm thịt gia súc, gia cầm bảo đảm chất lượng, Công ty liên kết với hơn 300 trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn thành phố và địa phương khác. Công ty cũng mở 134 điểm bán thực phẩm sạch nhằm cung ứng cho đông đảo người tiêu dùng.

Nhìn lại chặng đường phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội có chuyển biến tích cực. Từ manh nha 2 - 3 mô hình, đến nay, Hà Nội đã có 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao với doanh thu từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Trong đó, chủ yếu là các mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt (105 mô hình), 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp mang lại lợi ích kinh tế vượt trội. Hiện tại, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị của ngành.

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội đang tạo bước chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Thủ đô theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững, bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng thông qua tiếp cận sản phẩm nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh. Đây cũng là giải pháp ổn định đời sống nông dân, duy trì sự phát triển của ngành Nông nghiệp xứng đáng là “trụ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, thành phố hiện có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư sản xuất rau, hoa - cây cảnh, cây ăn quả, giống lúa mới; 9 doanh nghiệp chăn nuôi, thủy sản, sơ chế - chế biến - tiêu thụ nông sản; 95 hợp tác xã; khoảng 130 chuỗi sản xuất ứng dụng công nghệ cao từng phần... Tuy nhiên, nếu nhìn toàn diện thì sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, nguyên nhân chính khiến nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng là số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn thấp. Nông nghiệp còn đối diện với nhiều rủi ro, phụ thuộc thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên, những hạn chế đó sẽ được khắc phục nếu ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, thị trường cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang là bài toán khó; nguồn lực về tài chính, quỹ đất, cơ chế... cũng khiến tỷ lệ nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội còn ở mức khiêm tốn.

Tại buổi làm việc với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chỉ rõ, Hà Nội có thế mạnh về nguồn lực kinh tế, nguồn lực chất xám và là 1 trong 2 trung tâm kinh tế của cả nước nên ứng dụng công nghệ cao là điều kiện bắt buộc. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được định hướng tại 2 chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.

Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn thành phố. Trong đó, các nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản lần lượt chiếm tỷ lệ 45%, 80% và 60%; 50% số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động sáng tạo.

Thời gian qua, Hà Nội tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ... Điển hình là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng để trình UBND thành phố xem xét, ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn thành phố; kết nối các doanh nghiệp để cung ứng nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Sở tham mưu, đề xuất UBND thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư dự án hạ tầng sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sơ chế, chế biến, sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường...

“Sau khi Luật Đất đai sửa đổi được Quốc hội ban hành, Sở sẽ tham mưu thành phố nghiên cứu hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đề nghị các sở, ngành tham mưu tháo gỡ vướng mắc theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Trung ương những vướng mắc vượt thẩm quyền nhằm tạo điều kiện, khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp; phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô (trình độ, khoa học công nghệ, vốn, thị trường...); tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi, dịch vụ nông nghiệp đô thị cùng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đạt bằng được mục tiêu đã đề ra”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Thanh Hóa: Giải pháp để nông sản “xích gần” với thị trường quốc tế

Nhằm đưa chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, nhiều địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản chất lượng cao, an toàn, bền vững.

Cán bộ, kỹ sư Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm kiểm tra, giám sát quá trình chăm sóc vườn vải không hạt.

Trung tuần tháng 6/2023, lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam đã chính thức có mặt tại thị trường Anh quốc và Nhật Bản, đây là dấu mốc quan trọng cho loại quả đặc sản thứ 4 của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường “khó tính” này.

Giống vải không hạt nhập khẩu từ Nhật Bản và được Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm (Ngọc Lặc) phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo và trồng thử nghiệm từ năm 2019 trên diện tích 30ha. Loại vải này được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đạt chứng chỉ hữu cơ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Canada và các nước EU.

Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm, cho biết: Việc xuất khẩu hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói chung trong thời gian tới. Để các mặt hàng trái cây, rau quả xuất khẩu vào thị trường “khó tính” như các nước Châu Âu phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất gây ô nhiễm trong thực phẩm, kiểm dịch thực vật, kiểm soát đối với thực phẩm biến đổi gen (GMO), kiểm soát sức khỏe thực vật, ghi nhãn thực phẩm, tiếp thị cho rau quả tươi, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn...

Tại huyện Quảng Xương, nhằm phát huy những giá trị sẵn có từ cây rau má, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới có địa chỉ tại thị trấn Tân Phong đã nghiên cứu chế biến thành công bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, trà túi lọc rau má, thạch rau má,... được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, hình thức sản phẩm bắt mắt. Hiện nay, sản phẩm từ rau má đã đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, cho biết: Mục tiêu của công ty không chỉ là thị trường trong nước mà còn đưa các sản phẩm chế biến từ cây rau má bản địa xứ Thanh vươn ra thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi. Bởi vậy, việc áp dụng khoa học - công nghệ cao vào quá trình sản xuất là một điều tất yếu. Cùng với đó là thực hiện chặt chẽ các quy trình canh tác, sản xuất rau má theo mô hình hiện đại của Israel, Nhật Bản. Đến nay, công ty đã liên kết với khoảng 10 địa phương trong tỉnh để trồng rau má hữu cơ, như: TP Thanh Hóa, Như Thanh, Quảng Xương, Nông Cống... với tổng diện tích liên kết hơn 80 ha.

Còn tại huyện Triệu Sơn đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân mở rộng diện tích, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa gạo chất lượng cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 274,5 ha tại các xã: Đồng Tiến, Đồng Thắng, Thái Hòa,... Việc hình thành những cánh đồng lúa mẫu lớn đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo và tăng lợi nhuận cho người nông dân từ 3 đến 5 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh vùng sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn, huyện Triệu Sơn còn phát triển vùng sản xuất cây trồng chủ lực, như: cây rau màu 30 ha; cây chè 300 ha; hoa, cây cảnh 300 ha, cây dược liệu; thành lập tổ, nhóm, với trên 500 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, còn có 80% các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc theo quy mô tập trung áp dụng công nghệ mới; 40% các trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm theo quy mô tập trung áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học...

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa, cùng với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, theo hướng an toàn, như vùng rau an toàn, cây ăn quả, cây công nghiệp phục vụ chế biến, nuôi trồng thủy sản, các cụm trang trại chăn nuôi tập trung,... đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được gần 100 vùng sản xuất rau, quả theo quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, với diện tích khoảng 500 ha; hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Trong đó, có nhiều cơ sở được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, chứng nhận GMP/SSOP, chứng nhận HACCP, ISO 22000...

Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản của tỉnh đang gặp một số khó khăn nhất định. Đó là vẫn còn nhiều địa phương, doanh nghiệp áp dụng phương thức sản xuất truyền thống, dẫn đến chất lượng nông sản chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, đây là rào cản lớn đối với những sản phẩm nông nghiệp muốn vươn ra thị trường thế giới, nhất là những thị trường khó tính như EU. Ngoài ra, vấn đề về chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và quản lý cũng là những thách thức đối với doanh nghiệp...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và thế giới, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất; đưa ra định hướng cụ thể trong sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật, yêu cầu về an toàn thực phẩm. Cùng với đó là chuyển sản xuất từ chú trọng số lượng sang chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường; đầu tư máy móc, thiết bị và nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; quan tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm, cũng như thành thạo về việc áp dụng các quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP theo yêu cầu của thị trường...

Vĩnh Phúc: Xây dựng các mô hình liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị

Trước yêu cầu đòi hỏi khắt khe của thị trường, sự minh bạch thông tin đối với sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Ông Trần Văn Chín, xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc tham gia mô hình nuôi trai lấy ngọc cho thu nhập cao.

Thực hiện chương trình khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng dự án “Nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu” với quy mô 2,1ha thực hiện trong 3 năm (2021 - 2023).

Năm 2021, trung tâm đã triển khai hỗ trợ 15.000 con trai đã được cấy ngọc cho 6 hộ với quy mô 0,6 ha, trên địa bàn 2 huyện Tam Dương và Lập Thạch; năm 2022, trung tâm tiếp tục hỗ trợ 37.500 con trai cho 15 hộ trên địa bàn 3 huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường với quy mô 1,5ha. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống và 50% thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học.

Ông Trần Văn Chín, xã Văn Tiến (Yên Lạc) tham gia mô hình nuôi trai lấy ngọc từ tháng 1/2022 với 2.500 con trai giống; toàn bộ trai được đựng cố định trong túi lưới, treo phao, cách làm này giúp trai không bị lệch nên hạt ngọc tròn, đẹp; đồng thời tảo và các sinh vật phù du sẽ bám vào lưới nhiều hơn, tạo thức ăn đa dạng cho trai.

Trong quá trình nuôi, gia đình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng. Đến thời điểm này, số lượng trai nuôi đã được cấy ngọc phát triển tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao, kích thước viên ngọc đạt 7,8 - 8,5mm.

Ông Dương Văn Phương, Trưởng phòng Thông tin và Tuyên truyền (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), Chủ nhiệm dự án chia sẻ: Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc giúp tận dụng tối đa diện tích mặt nước, gia tăng thu nhập cho người dân.

Kết quả thu được tại các mô hình trong giai đoạn 2021 - 2022 cho thấy, các chỉ tiêu kỹ thuật đạt được đều cao hơn so với mục tiêu ban đầu đề ra như tỷ lệ sống của trai đạt 81,6%; tỷ lệ ngậm hạt 71,1%; tỷ lệ ngọc loại I là 5,3%. Lợi nhuận thu được tại 0,6ha nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đạt gần 300 triệu đồng.

Với phương châm: "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông", từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện 36 chuyên mục "Bạn của nhà nông"; 66 phóng sự cập nhật và cung cấp thông tin về những tiến bộ kỹ thuật và phản ánh điều kiện thời tiết bất thường ảnh hưởng đến sản xuất, các dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra.

Cấp phát 7.500 cuốn Bản tin khuyến nông, 51.000 tờ rời tuyên truyền diệt chuột tập trung, hướng dẫn sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; tham gia 9 hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm OCOP của tỉnh; xây dựng và thực hiện gần 100 mô hình khuyến nông trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.

Nổi bật là mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa, quy mô 50ha tại xã Phú Xuân (Bình Xuyên) giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe, đẻ nhánh nhiều, tập trung, độ đồng đều cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất lúa cấy máy đạt 66,7 tạ/ha, cao hơn 10,3 tạ, thu nhập đạt 31,8 triệu đồng/ha, tăng hơn 5,8 triệu đồng/ha so với đối chứng.

Hơn nữa, cấy lúa bằng máy giúp bảo đảm thời vụ, giảm chi phí cho người sản xuất so với sản xuất truyền thống từ 3,2-5,85 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ hơn 6.300 ha sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo VietGAP cho năng suất cao như cây bí đỏ đạt 15,3 - 25 tấn/ha; cây dưa chuột đạt từ 30 - 55 tấn/ha; cây ớt đạt từ 13,3 - 25 tấn/ha; cây cà chua đạt 20 - 55 tấn/ha; các loại rau, quả cho lãi trung bình từ 80 - 298 triệu đồng/ha…

Thông qua mô hình khuyến nông, đã từng bước hình thành các vùng sản xuất rau, quả an toàn theo quy trình VietGAP; vùng chăn nuôi, thủy sản tập trung gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được 16 vùng trồng với 26 mã số vùng trồng xuất khẩu có tổng diện tích hơn 171ha đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Úc, NewZealand, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc.

Để nâng cao vai trò và vị trí công tác khuyến nông, thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa hiện có theo hướng chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng rau quả, nuôi trồng thủy sản; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; trồng rau trong nhà lưới, nhà kính, tưới nước tiết kiệm.

Mở rộng diện tích sản xuất tập trung các loại rau, cây ăn quả có lợi thế, tiềm năng xuất khẩu và hiệu quả kinh tế cao. Rà soát, cho phép chuyển đổi các khu vực đất rừng sản xuất có khả năng thích hợp cao sang trồng cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao như thanh long ruột đỏ, na, bưởi; xây dựng các mô hình liên kết, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học.

Khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top