Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 26 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024 | 11:13

Thanh Hóa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn

Tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường và người tiêu dùng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trong tỉnh đã tích cực phát triển, duy trì nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn đang là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp.

Nhân rộng vùng sản xuất

Chị Hà Thị Lan, thôn Thanh Xuân, xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh chia sẻ, xu hướng của thị trường hiện nay là sử dụng những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... nên khi sản phẩm làm ra không đạt các tiêu chuẩn, chất lượng nói trên sẽ khó tiêu thụ, nhất là ở những thị trường khó tính. Vì vậy, gia đình chị đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng xây dựng nhà màng, nhà lưới, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tự động sản xuất hơn 800m2 rau, củ, quả an toàn. Sản phẩm của gia đình chị đang được tiêu thụ rộng rãi tại một số cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn tại TP. Thanh Hóa, mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng/năm.

Là một trong những hộ tiên phong “hiện đại hóa” quá trình sản xuất nông nghiệp, xóa bỏ thói quen canh tác thủ công lạm dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nay, gia đình chị Lan đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, hướng dẫn, tập hợp một số hộ dân đang có xu hướng sản xuất “sạch” tại địa phương liên kết, hình thành một địa chỉ sản xuất tin cậy, cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn cho thị trường.

Nhiều mô hình sản xuất dưa vàng theo tiêu chuẩn VietGap, OCOP được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Chị Trương Thị Hiên Hiên, nhóm trưởng nhóm sản xuất hữu cơ Cẩm Bộ, xã Thành Minh (Thạch Thành) cho biết, thông qua việc tham gia hội thảo, tập huấn ở một số hội nghị của huyện và các tổ chức phi chính phủ, chị nhận thấy, chỉ có sản xuất đạt tiêu chuẩn, chất lượng hữu cơ mới nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2022, nhóm 14 hộ dân địa phương đã liên kết, hỗ trợ và xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ Cẩm Bộ. Sau hơn 2 năm phát triển, sản phẩm của nhóm đã được tin dùng, tiêu thụ mạnh tại thị trường Hà Nội, TP Thanh Hóa thông qua các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Thông qua sự thành công bước đầu của nhóm sản xuất, phong trào làm nông nghiệp sạch đã lan tỏa mạnh mẽ tại xã Thành Minh, nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn của xã đạt 5,05ha.

Bà Lê Thị Dung, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thọ Xuân cho biết, sản xuất nông nghiệp an toàn đang là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp. Vì vậy, huyện Thọ Xuân tích cực tuyên truyền, khuyến cáo, vận động và hướng dẫn nông dân dần thay đổi tư duy, nhận thức, chuyển đổi từ phương thức sản xuất thông thường sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp an toàn, huyện Thọ Xuân tổ chức thực hiện các mô hình để nhân rộng, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... cho người dân để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 16/10/2022 về việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn; UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022 - 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, để hỗ trợ, hình thành và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, bền vững. tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng các cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất đai, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân...Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ theo các chuỗi giá trị.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, đến tháng 9/2024, toàn tỉnh có 5.100ha diện tích cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong đó, lúa 4.264ha, chè 24ha, rau đậu các loại 47,6ha, cây ăn quả 481ha, cây dược liệu 281,5ha, cây khác 1,9ha... Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.471,8ha cây trồng đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Việc phát triển vùng sản xuất nông nghiệp an toàn góp phần tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

Trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp sạch và an toàn, việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) có ý nghĩa quan trọng. Đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập. Bởi vậy, các sở, ngành cấp tỉnh đã và đang tích cực cùng chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp phát triển chuỗi cung ứng TPAT.

Theo số liệu từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.165 chuỗi thực phẩm an toàn, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Việc phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã giúp hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ, nguồn thực phẩm cũng được giám sát chặt chẽ. Không chỉ củng cố niềm tin từ người tiêu dùng, đây còn là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm; tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm an toàn.

Bà Trần Thị Tâm, người đang tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn xã Thiệu Vũ, (Thiệu Hóa) cho biết, nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ nông nghiệp, bà và người dân trong xã đã hiểu hơn về cách thức trồng rau an toàn. Nhất là các điều kiện để sản xuất trong nhà màng, nhà lưới như mực nước tưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng chế phẩm sinh học... Các sản phẩm sau khi thu hoạch phải được kiểm tra thật kỹ rồi mới đóng gói, dán nhãn và tem truy xuất nguồn gốc cho đúng quy định.

Xây dựng chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm sạch, an toàn. 

Bà Phan Thị Dung, hiện đang tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) cho biết, được cán bộ nông nghiệp tập huấn kiến thức về trồng rau an toàn, nhất là các điều kiện để sản xuất trong nhà màng, nhà lưới như nước tưới, hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng chế phẩm sinh học, thu hoạch... Đồng thời, sản phẩm sau khi thu hoạch được sơ chế, bao gói, dán nhãn, tem truy xuất nguồn gốc... đúng với quy định; nhất là, đối với các loại rau dễ hư hỏng sau quá trình thu hoạch có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Cũng theo bà Dung, việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên gia đình bà còn e dè, khối lượng, chủng loại sản phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp.

Thực tế, trước yêu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng và yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, an toàn thực phẩm... thì ở hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng các chuỗi cung ứng TPAT và xem đây là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết. Tuy vậy, để có được sự liên kết nhịp nhàng cũng như phát triển, nhân rộng được mô hình liên kết theo không phải dễ dàng khi sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hà Trung, cho biết, thực tế, số lượng chuỗi cung ứng TPAT còn hạn chế, chưa xứng đáng với tiềm năng của huyện. Tại các chuỗi, do quy mô nhỏ lẻ, nhiều sản phẩm chuỗi phụ thuộc vào mùa vụ nên sản lượng không ổn định, trong khi đó thị trường lại cần một khối lượng lớn sản phẩm với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh.

Theo ông Thịnh, quá trình sản xuất, sơ chế, bảo quản chủ yếu theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, do đó việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật đồng nhất còn gặp khó khăn, trong khi đó, nhu cầu của thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, không những về vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn đảm bảo về bảo vệ môi trường. So với vốn đầu tư để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí bao bì, tem nhãn... thì giá bán các sản phẩm chưa được như mong muốn của người sản xuất, trong khi người tiêu dùng khó phân biệt được sản phẩm trong và ngoài chuỗi.

Trong hời gian tới, đối với các chuỗi đang hoạt động, cần tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đầu tư mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng phạm vi cung ứng TPAT theo chuỗi đến các bếp ăn tập thể, trường học, khách sạn, nhà hàng... Tại các địa phương, cần chủ động tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng biểu mẫu ghi chép, lưu trữ hồ sơ...

 

Lê Thức (t/h Báo Thanh Hoá, Đài PTTH Thanh Hoá)
Ý kiến bạn đọc
Top