Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 10 năm 2024 | 15:0

Tăng cường “khuyến nông kết nối” và chuyển đổi số nông nghiệp

Hệ thống khuyến nông là “cánh tay nối dài” trong phát triển nông nghiệp và giúp nông dân làm giàu. Chính vì vậy, hệ thống khuyến nông cần sự củng cố, đổi mới mạnh mẽ để vươn tầm phát triển.

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đặt mục tiêu tăng cường kết nối chuỗi giá trị sản phẩm, kết nối đầu ra, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, từng bước hướng tới nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Giúp thay đổi tư duy sản xuất của người dân

Từ đầu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đã triển khai công tác trọng tâm với sự đổi mới cách tiếp cận, xây dựng đội ngũ khuyến nông bám sát cơ sở với “tư duy kết nối” thay cho tư duy hỗ trợ. Từ đây, lần đầu tiên App “Nông nghiệp số Bình Thuận”, giải pháp được kỳ vọng sẽ thay đổi tư duy sản xuất của người dân ra đời.

Việc đưa nông dân tiếp cận App “Nông nghiệp số Bình Thuận” giúp họ thông qua đó ghi chép nhật ký điện tử nhằm minh bạch hóa sản xuất, giúp có thể truy xuất nguồn gốc các sản phẩm. Chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP được đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ này. Đặc biệt, áp dụng ghi chép nhật ký điện tử nhằm thực hiện mục tiêu số hóa 30% hồ sơ cấp chứng nhận VietGAP trong năm 2024.

Theo ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận: “Trung tâm đã triển khai đồng bộ các chương trình, các mô hình thuộc nhiệm vụ khuyến nông năm 2024. Bao gồm về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chứng nhận thanh long VietGAP, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nông nghiệp. Đồng thời quyết tâm xây dựng các tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh số hóa đào tạo, ghi chép nhật ký điện tử trong sản xuất thanh long VietGAP, lúa chất lượng cao…”.

Đáng chú ý, một trong những cách làm mới của sự “kết nối” là tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn lực, cả từ hoạt động của các chương trình, dự án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh phối hợp với Trung ương, các viện, trường, doanh nghiệp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả sự kết nối. Trong đó, tiêu chí khoa học công nghệ nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và tích hợp đa giá trị là kim chỉ nam xuyên suốt.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ

Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận, công tác khuyến nông trong tình hình mới không chỉ thực hiện các mô hình một cách manh mún, đơn lẻ, mà phải có hệ thống, quy mô đáp ứng các đề án, chiến lược phát triển trọng tâm. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức ký kết, làm việc với hơn 15 đơn vị, viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhằm nâng cao hiệu quả xã hội hóa công tác khuyến nông, tận dụng các nguồn lực để hoạt động. Lấy mục tiêu kết nối chuỗi giá trị sản phẩm, kết nối đầu ra, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bán hàng đa kênh cho người dân làm phương châm hoạt động.

Cán bộ TT Khuyến nông Bình Thuận hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm Nông nghiệp số Bình Thuận để quản lý sản xuất nông nghiệp. Ảnh: TTKN

Để hoạt động các tháng cuối năm 2024 và chương trình khuyến nông năm 2025 đi vào trọng tâm, những chia sẻ trong xây dựng tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, những hiến kế trong thúc đẩy chuyển đổi số, định hướng trong thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông được vạch ra chi tiết, có trọng tâm, góp phần hiện thực hóa một nền nông nghiệp Bình Thuận hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, thời gian tới, đơn vị mong muốn tiếp tục là cầu nối giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp với các trung tâm kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp, các phòng nông nghiệp, cùng nông dân để thực sự chuyển từ mô hình “khuyến nông hỗ trợ” sang “khuyến nông kết nối”, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Những mô hình hiệu quả

Ông Ngô Thái Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâmh đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản.

Trong đó, phải kể đến các mô hình, như: Thâm canh sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đa Mi, trồng thâm canh gừng tại xã Đông Tiến( huyện Hàm Thuận Bắc), trồng thâm canh cây đinh lăng theo liên kết chuỗi tại xã Hàm Hiệp, trồng thâm canh cây gừng theo liên kết chuỗi tại xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc.

Cánh đồng trồng thanh long của HTX thanh long sạch Hòa Lệ (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận).

Đặc biệt là mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP - Cánh đồng không dấu chân tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh. Mô hình trình diễn áp dụng một số giống lúa mới chất lượng cao tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh.

Về chăn nuôi, có các mô hình chăn nuôi tuần hoàn, mô hình trồng cỏ nuôi bò sinh sản tại xã Mương Mán và xã Hàm Thạnh(huyện Hàm Thuận Nam)...

Mô hình trồng bắp (ngô) sinh khối, cỏ nuôi bò tại xã Phan Lâm (huyện Bắc Bình); mô hình chăn nuôi dê thương phẩm, ủ thức ăn từ phụ phẩm cây táo tại xã Phong Phú (huyện Tuy Phong).

Ngoài ra, còn có mô hình nuôi cá lăng lồng bè kết hợp du lịch trải nghiệm tại xã Tân Hà, huyện Đức Linh; mô hình nuôi vẹm xanh theo hình thức dây treo đáy tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam…

Nhờ  triển khai thực hiện các mô hình trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi trên mà người dân các địa phương đã nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, do đó năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi được nâng lên.

Đồng thời, thông qua việc thực hiện các mô hình, giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang vùng sản xuất tập trung tạo ra vùng sản xuất có năng suất, chất lượng cao, từng bước hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top