Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng, tiên phong trong phát triển kinh tế.
Vượt khó làm giàu
Dạo bước trên vườn đào phai rộng thênh thang của cựu chiến binh Hoàng Ngọc Trà ở thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm (Nghi Xuân), ít ai biết rằng, để xây dựng được mô hình kinh tế như ngày hôm nay, vợ chồng ông đã trải qua bao thăng trầm.
Sinh ra ở làng Hoa Vân Hải, xã Cổ Đạm, năm 1974, chàng trai Hoàng Ngọc Trà lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 761 ở Tây Nguyên và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1975, trong một trận đánh ở vùng Tây Nguyên, người thanh niên này bị trúng mìn và bị thương ở đầu. May mắn sống sót nhưng ông mang tỷ lệ thương tật 41%.
Bằng ý chí, quyết tâm của người lính cụ Hồ, ông Hoàng Ngọc Trà, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã vượt khó vươn lên bằng phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Xuất ngũ trở về địa phương, ông Trà kết hôn cùng bà Phan Thị Lài (người cùng xã). Năm 1980, theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới, hai vợ chồng “khăn gói” lên vùng đất Chọ Sim (nay là thôn Xuân Sơn) lập nghiệp với tài sản ban đầu là căn nhà tranh 2 gian ọp ẹp.
“Xuân Sơn trước đây hoang vu, cằn cỗi, “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Những ngày đầu lên đây chỉ có 28 hộ dân, rừng thiêng nước độc, xung quanh là núi rừng và muông thú, nhiều gia đình không trụ nổi đành chuyển đi nơi khác sinh sống. Lúc đó, vợ tôi có ý định rời đi nơi khác nhưng tôi cố gắng động viên để trụ lại vùng đất này”, ông Trà nhớ lại.
Là người đam mê với nông nghiệp, nhiều đêm ông trăn trở làm sao để “đất đẻ ra tiền”. Suốt thời gian đó, cả ngày lẫn đêm, vợ chồng ông nỗ lực khai hoang, cải tạo đất trồng lúa, trồng khoai, sắn, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả.
Với ý chí quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Trà không cam chịu dừng lại với những cây trồng truyền thống. Nghe tin ở đâu có mô hình hay, ông lại chạy xe tìm đến học tập, có lúc đi lên Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ hay tìm sang các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn của Nghệ An.
Mắt thấy, tai nghe, ông về bàn với vợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Ông mạnh dạn trồng nhiều loại cây ăn quả như cam, vải thiều; nuôi bò, dê, ba ba nhưng rồi trận lũ lịch sử năm 2010 đã cuốn trôi bao tâm huyết, vốn liếng của ông bà.
“Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất đồi núi phù hợp với cây đào mà một số gia đình đã trồng, tôi sang Nghệ An tìm hiểu về đặc tính cây đào và thị trường tiêu thụ. Quyết tâm lập nghiệp thêm lần nữa, cuối năm 2010, vợ chồng bắt tay làm lại từ đầu với 80 gốc đào phai”, ông Trà bộc bạch.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Trà đã tìm cách nhân giống đào để không còn phải phụ thuộc về giống, đồng thời học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa để cây phát triển tốt, có thế đẹp, hoa nở vào dịp Tết Nguyên đán.
Cứ thế, diện tích trồng đào của gia đình ông Trà ngày càng mở rộng. Hiện khu vườn khoảng 28.000m2 thì có đến 25.000m2 ông dành để trồng đào với khoảng 2.800 gốc. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, vườn đào của gia đình ông được nhiều người tìm đến bởi thế cây đẹp. Nhờ cây đào, mà gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, năm nhiều nhất lên đến 400 triệu đồng. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho các hộ dân khác cùng trồng đào và hỗ trợ những hộ khó khăn bằng cách cho vay vốn không lấy lãi để họ có thể phát triển kinh tế.
Không chỉ tiên phong trong phát triển kinh tế, NCT ở Hà Tĩnh còn tích cực nêu gương và có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài trồng đào là cây chủ lực trong phát triển kinh tế thì hiện nay, ông Trà còn đảm nhận trồng, chăm sóc 200ha rừng và 20ha cây keo, bạch đàn trên diện tích đất rừng của gia đình, nuôi 20 đàn ong để họ có thể có thêm nguồn thu.
Với sự tiên phong, sáng tạo của mình trong lao động sản xuất, ông Trà được vinh danh hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi năm 1994, khu vườn của ông đoạt giải B tại Cuộc thi khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu của tỉnh Hà Tĩnh lần thứ nhất (năm 2017). Ông vinh dự đạt danh hiệu người cao tuổi làm kinh tế giỏi toàn quốc giai đoạn 2012-2017 và được trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, tổ chức hội.
Tận tâm cống hiến
Mái tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu với ánh nhìn gần gũi, hiền từ nhưng cũng đầy nhiệt huyết là ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp ông Võ Văn Bảy, Bí thư Chi bộ thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc (Can Lộc). Ông là một trong những điển hình vừa được Hội Người cao tuổi huyện Can Lộc vinh danh “Người cao tuổi tiêu biểu tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở” giai đoạn 2019-2024.
Ông Bảy cho biết: “Năm 1975, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, biên chế tại đơn vị Hải quân vùng 5, đóng tại Kiên Giang. Giai đoạn từ 1979-1989, tôi cùng đơn vị tham gia mặt trận biên giới Tây Nam, sau đó công tác tại Campuchia. Đầu năm 1990, tôi xuất ngũ về địa phương hưởng chế độ bệnh binh. Tôi tiếp tục tham gia công tác xã hội với nhiều vai trò như: Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, Phó Chủ tịch UBND kiêm trưởng Công an xã Thiên Lộc… Từ năm 2019 đến nay, tôi là Bí thư Chi bộ thôn Trung Thiên”.
Ông Võ Văn Bảy - bà Đặng Thị Hường (vợ ông) là tấm gương NCT mẫu mực trong nuôi dạy con cháu và phát triển kinh tế gia đình.
Đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ đúng thời điểm thôn Trung Thiên bước vào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu nhưng ông Bảy không quản ngại tuổi cao, sức yếu, cùng với cấp ủy và các đoàn thể miệt mài tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các tiêu chí một cách quyết liệt. Với phương châm “nói đi đôi với làm”, làm gương cho mọi người noi theo, chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 1 đến tháng 6/2020), Trung Thiên đã hoàn thành các tiêu chí và là thôn đầu tiên của xã Thiên Lộc được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Năm 2023, sau thời gian về đích xã NTM kiểu mẫu, Thiên Lộc bắt tay vào xây dựng xã NTM kiểu mẫu thông minh, Trung Thiên cũng là thôn đầu tiên đăng ký xây dựng các tiêu chí. Đến nay, thôn đã đạt 60% phần việc, dự kiến về đích khu dân cư NTM kiểu mẫu thông minh vào cuối năm 2024.
Không chỉ đi đầu, bước trước trong công tác xã hội, ông Bảy còn là tấm gương người cao tuổi mẫu mực trong nuôi dạy con cháu, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm qua, vợ chồng ông cũng đã xây dựng thành công mô hình trang trại vườn - chuồng có diện tích 10.000m2, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
“Tôi luôn quan niệm, tuổi càng cao, càng phải sống mẫu mực, nêu gương, là “cây cao, bóng cả” để làm gương cho con cháu. Dù nay tuổi đã cao nhưng còn sức, còn được Đảng và Nhân dân tín nhiệm thì tôi sẽ tiếp tục cống hiến”, ông Bảy chia sẻ.
Ông Thái Sinh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Hà Tĩnh, cho biết, Hà Tĩnh hiện có gần 242 nghìn người cao tuổi, trong đó có gần 6.900 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể; gần 30.500 hội viên tham gia phong trào văn hóa, khuyến học, công tác xã hội tại địa phương. Những năm qua, người cao tuổi toàn tỉnh đã hiến hơn 119.000m2 đất, hiến gần 229.500 ngày công và đóng góp 18,8 tỷ đồng xây dựng NTM, đô thị văn minh. Bằng trí tuệ, kinh nghiệm sống, nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh luôn cần cù, sáng tạo làm giàu cho bản thân, gia đình và tích cực hỗ trợ nhiều người khác cùng vươn lên. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội tại địa phương”.