Siêu bão Yagi càn quét đã gây thiệt hại rất lớn tại nhiều tỉnh và thành phố, ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất ngành nông nghiệp, hiện các địa phương đang tích cực tiến hành nhiều giải pháp khôi phục sản xuất và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.
Thiệt hại nông nghiệp rất lớn sau cơn bão số 3.
Theo số liệu thống kê từ Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tính đến ngày 12/9, diện tích bị ngập lụt, úng tại một số địa phương phía Bắc là hơn 115.000 ha và hơn 32.000ha rau màu bị dập nát, trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,...)..
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể thiệt hại và hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện hoàn lưu bão còn đang rất phức tạp nên nguy cơ thiệt hại vẫn còn. Để đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm trước, trong và sau Tết, duy trì xuất khẩu, tăng trưởng, đảm bảo CPI và đời sống Nhân dân, các giải pháp khôi phục sản xuất cần rất đồng bộ.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thủy lợi chỉ đạo các đợn vị huy động toàn bộ nhân, vật lực để bơm tiêu úng. Với việc huy động các trạm bơm hoạt động hết công suất thì trong 1 - 2 ngày tới, lúa sẽ được khôi phục, thiệt hại sẽ không lớn. Những diện tích lúa không phục hồi được sẽ chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông, vụ Đông Xuân.
Với 22.000ha rau màu bị thiệt hại, thời vụ loại cây trồng này ngắn, Cục Trồng trọt chỉ đạo khôi phục sớm. Đi kèm với đó là Cục Bảo vệ thực vật với các giải pháp phòng trừ dịch bệnh hại trên đồng ruộng, đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Cục Thủy sản sẽ sớm tổ chức hội nghị phục hồi sản xuất; trong đó đặc biệt là về nuôi biển. Trên cơ sở tổng kết cơn bão số 3, sẽ có những tổng kết về kỹ thuật để đảm bảo lồng bè nuôi trồng thủy sản được an toàn trong bão và bền vững.
Cục Chăn nuôi và Cục Thú y tăng cường tuyên truyền, phối hợp với địa phương tập trung hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, bảo vệ cho vật nuôi sau mưa lũ, kết hợp quản lý, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc khẩn trương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão.
Bão số 3 gây thiệt hại lớn đối với đàn gia cầm.
Hải Phòng: Tập trung khôi phục đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh sau bão số 3
Siêu bão Yagi quét qua Hải Phòng đã gây thiệt hại rất lớn trên địa bàn thành phố. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, bão đã khiến gần 2.850 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại; 230 trang trại chăn nuôi bị tốc mái, hỏng hệ thống thông gió, ngập, lụt gây ảnh hưởng và làm gần 213.000 con gia súc, gia cầm chết (đa số là gia cầm).
Trước tình hình trên, để kịp thời khắc phục hậu quả do bão số 3 (Yagi) gây ra, đảm bảo hoạt động chăn nuôi diễn ra bình thường, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau mưa, lũ; tăng cường công tác chủ động khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi sau cơn bão số 3 năm 2024; Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thành phố đang tập trung hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau bão.
Theo đó, song song với việc tiếp tục triển khai các biện pháp theo Công văn số 2546/SNN-CNTY ngày 4/7/2024 của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn cho vật nuôi trong mùa mưa lũ; các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, thu gom xác gia súc, gia cầm chết và tiêu hủy theo quy định; thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường. Hướng dẫn người dân chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ, đồng thời tiếp tục triển khai tiêm phòng định kỳ đến tận các thôn, xóm, hộ chăn nuôi.
Công tác giám sát nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục ở trâu bò... được các địa phương chú trọng tăng cường. Lực lượng chức năng các quận, huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y để tiến hành điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định.
Không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết; không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường. Mặt khác, tổ chức rà soát, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm nuôi theo đúng quy định, nhất là đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt.
Trên cơ sở đó, tổng hợp, thống kê đầy đủ số lượng loại vật nuôi bị thiệt hại, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, lụt và trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn; đề xuất xem xét, hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định.
Thực hiện hướng dẫn của chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đã, đang tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp khẩn trương khắc phục phần chuồng trại bị tốc mái, hệ thống thông gió bị hỏng. Tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài sau khi nước rút, vùng có nguy cơ cao.
Mặt khác, thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi; thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường. Đối với những hộ xảy ra úng ngập, người dân tiến hành di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn; khi nước rút đã thực hiện ngay vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi; thực hiện tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Đáng chú ý, nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi sau mưa bão, ngập lụt, người dân chú trọng khắc phục khó khăn, cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo, các hộ chăn nuôi cần chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi chu đáo, không được bỏ đói, không cho ăn những loại thức ăn bị mốc, kém chất lượng. Đối với gia súc già yếu hay còn non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt như tăng cường các loại thức ăn bổ sung và các loại thức ăn giàu dinh dưỡng khác nhằm đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Mặt khác, tuyệt đối không chăn thả vật nuôi ở những khu vực bị ô nhiễm; theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi. Trường hợp vật nuôi mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm báo cáo ngay chính quyền địa phương, Trạm Chăn nuôi và Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời; không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.
Phối hợp, thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trong công tác xử lý chôn lấp, tiêu hủy gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ; chủ động thực hiện vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài, vùng có nguy cơ cao…
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho tái đàn, khôi phục sản xuất, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Tiến hành tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Và để giúp bà con nông dân khôi phục đàn vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sau bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông thành phố đã cử cán bộ các Trạm trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục thiệt hại sau bão.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có các biện pháp xử lý kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng…
Hà Nội: Tập trung các phương án khôi phục sản xuất
Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung khắc phục hậu quả của bão số 3, trong đó triển khai thực hiện nhiều giải pháp chăm sóc lúa, hoa màu, cây ăn quả sau mưa bão và khôi phục lại sản xuất.
Một vườn cây ăn quả tại huyện Mỹ Đức bị thiệt hại do bão số 3.
Thông tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa, giông, hầu hết các địa phương đều bị ảnh hưởng, thiệt hại. Riêng khu vực ngoại thành, tính đến chiều ngày 9/9 có 2.243ha lúa, 1.250ha rau màu, 1.185ha cây ăn quả, hoa, cây hàng năm và 257ha thủy sản bị úng ngập. Ngoài ra, có hàng chục nghìn ha lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây hàng năm, thủy sản bị gãy, đổ, dập nát và bị ảnh hưởng.
Với diện tích úng ngập lớn, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các công ty thủy lợi tăng cường triển khai vận hành các trạm bơm tiêu, phòng, chống úng, ngập ngoại thành. Đến sáng ngày 9/9, toàn thành phố đã vận hành 203 trạm bơm tiêu với 776 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.349.580m3/h.
Ngành cũng đã huy động lực lượng khơi thông, tua vớt rác, bơm hút nước giải toả các điểm úng ngập cục bộ; duy trì ứng trực 100% quân số từ chiều ngày 6/9 với khoảng 2.400 người, 323 phương tiện, 139 thiết bị bơm hút chống ngập, tổ chức vận hành các trạm bơm, hệ thống tiêu, đến sáng 8/9 đã giải quyết xong các điểm úng ngập.
Về phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp trong những ngày tới, ngành nông nghiệp đã có văn bản khuyến cáo, hướng dẫn nông dân các giải pháp phục hồi.
Cụ thể, về cây lúa, khẩn trương thực hiện các biện pháp tiêu úng, khơi thông dòng chảy, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên đồng ruộng đối với những diện tích bị ngập.
Trong đó, với trà lúa sớm, có khoảng 6.983ha đang giai đoạn chín sáp, dự kiến cho thu hoạch từ ngày 10 - 15/9, tiến hành thu hoạch nhanh gọn, không để hạt lúa ngâm nước lâu ngày, tránh nảy mầm.
Đối với trà lúa trung và muộn đang giai đoạn trỗ và chắc xanh, chưa đến thời kỳ thu hoạch (dự kiến cho thu hoạch từ ngày 20/9 đến ngày 5/10) bị đổ do mưa, giông, hướng dẫn nông dân khẩn trương dựng lúa, cột thành từng bó để chống đổ và giữ mực nước 5-7cm để lúa trỗ bông, làm hạt được tốt và bảo đảm công tác bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, như: bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn, rầy nâu...
Đối với cây rau màu sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, xới xáo phá váng ngay, khi cây trồng hồi phục mới tiến hành các biện pháp chăm sóc theo quy trình của từng cây. Tiến hành phun phân bón lá, chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh chóng phục hồi; khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất, tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK....
Đối với cây ăn quả, những vườn cây đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây), giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.
Thường xuyên theo dõi vườn cây, nhất là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá, hạn chế sử dung phân bón hóa học để tăng khả năng phục hồi của cây.
Đối với những diện tích thiệt hại hơn 70%, chúng tôi chỉ đạo các địa phương vận động nông dân tiến hành dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị cho cây vụ Đông; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống để phục vụ sản xuất cây trồng vụ Đông.
Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay, toàn TP gieo trồng 29.000ha. Song, để khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã đề nghị tăng diện tích gieo trồng cây vụ Đông lên 36.000ha; trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển cây khoai tây gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác.
Vĩnh Phúc: Khẩn trương phục hồi sản xuất nông nghiệp
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các cơ quan đơn vị liên quan trên địa bàn tăng cường công tác chỉ đạo phục hồi sản xuất nông nghiệp và khắc phục hậu quả thiệt hại sau cơn bão số 3.
Lực lượng chức năng huyện Lập Thạch giúp bà con nông dân thu hoạch lúa "chạy bão".
Tính đến ngày 12/9 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, khoảng 9.054 ha lúa và 1.544 ha hoa màu bị đổ ngã, ảnh hưởng; thiệt hại về thủy sản khoảng 263 ha; hơn 5.400 gia súc gia cầm bị thiệt hại...
Bão số 3 gây ra thiệt hại nặng nề, ước tính tổng thiệt hại trên các lĩnh vực của tỉnh Vĩnh Phúc khoảng hơn 79 tỷ đồng. Các thiệt hại khác vẫn đang được cơ quan chuyên môn tiếp tục thống kê, kiểm đếm.
Để khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2024 theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tiếp tục huy động mọi nguồn lực để tiêu úng và khơi thông dòng chảy, đảm bảo diện tích trồng lúa không bị ngập úng thêm trong trường hợp mưa lớn tiếp tục xảy ra.
Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch: cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thu hoạch nhanh, gọn theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm như: ngô, lạc, đậu tương, ớt, dưa, bí các loại… theo phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, khơi thông kênh mương nội đồng và tạo rãnh thoát nước kết hợp rãnh tưới quanh ruộng và bề mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây úng cục bộ, tháo cạn nước mặt ruộng, giữ nước nông hệ thống kênh mương vùng lúa đã chín và sắp chín để tạo thuận lợi cho trồng cây vụ Đông.
Những diện tích rau màu chưa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại không có khả năng phục hồi thì tiến hành thu gom các cây trồng bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ thời tiết thuận lợi chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.
Đối với diện tích rau màu bị thiệt hại nhẹ, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy sau mưa tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh; sau khi nước rút, trời tạnh ráo cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây, khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...
Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ Đông 2024 nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tại những vùng có nguy cơ bị ngập úng cần chủ động chuyển đàn gia súc, gia cầm đến nơi không bị ngập úng để tránh thiệt hại cho Nhân dân; thu gom và xử lý xác động vật chết theo hướng dẫn của cán bộ thú y; thực hiện công tác vệ sinh dụng cụ chăn nuôi, hệ thống ống dẫn, dụng cụ chứa nước và bể chứa nước; quét dọn chuồng trại... để giảm thiểu lây lan dịch bệnh và ô nhiềm môi trường.
Tiến hành phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi bằng thuốc sát trùng; rắc vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng toàn bộ hành lang, lối đi, và phương tiện vận chuyển. Tiến hành sửa chữa, gia cố chuồng trại chăn nuôi, hệ thống nước uống, hệ thống nước thải. Nạo vét, khơi thông hệ thống cống rãnh, phát quang bụi rậm khu vực quanh chuồng nuôi.
Tiêm vắc xin đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm theo khuyến cáo của cơ quan thú y. Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp với từng lứa tuổi gia cầm, bổ sung vitamin, men tiêu hóa... cho đàn gia cầm để nâng cao sức đề kháng.
Chỉ thực hiện việc tái đàn sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chăn nuôi như: gia cố chuồng trại, vệ sinh khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi... Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng đã được tiêm đầy đủ các loại vắc xin. Khử trùng, tiêu độc nguồn nước, đồng cỏ, bãi chăn phục vụ chăn nuôi.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị thuộc sở phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, bệnh hại trên các loại cây trồng sau bão.
Phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Trong đó, lưu ý một số đối tượng sâu, bệnh hại lúa phát sinh sau bão như: rầy nâu, bệnh bạc lá, khô vằn... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Thái Bình: Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi
Sau bão số 3, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, các đợt mưa lớn gây ngập úng dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Để bảo đảm an toàn trong chăn nuôi, ngành chuyên môn và các hộ dân đang tập trung xử lý môi trường, giám sát và phòng, chống dịch bệnh.
Hộ chăn nuôi xã Thụy Việt (Thái Thụy) rắc vôi bột xử lý môi trường sau bão số 3.
Quỳnh Phụ là địa phương có nhiều gia súc, gia cầm bị chết sau bão số 3. Đến thời điểm này, các địa phương trong huyện đã cơ bản khắc phục, xử lý môi trường chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Duy, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Bão số 3 đã làm một số chuồng trại chăn nuôi và công trình phụ trợ bị tốc mái với tổng diện tích gần 25.200m2; 105 con lợn, 1 con bò, hơn 33.600 con gia cầm tại 17 xã bị chết. Thời tiết hiện nay vẫn có mưa, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiếp tục khuyến cáo các hộ chăn nuôi có biện pháp bảo đảm đàn vật nuôi của gia đình; đồng thời, tăng cường cán bộ về các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng hóa chất, vôi bột thực hiện tốt việc xử lý môi trường khu vực chăn nuôi. Đối với đàn vật nuôi đến thời kỳ tiêm phòng, các hộ cần tiêm đủ mũi, đủ liều phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Ông Nguyễn Đức Am, xã Quỳnh Hoa cho biết: Bão số 3 đã làm tốc mái chuồng nuôi của gia đình, gây lụt vùng chăn nuôi. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã khắc phục xong phần mái chuồng chăn nuôi lợn, tuy nhiên hiện nay thời tiết có mưa to dễ gây ngập trở lại khu vực chuồng nuôi nên tôi đã chủ động mua vôi bột để xử lý, đồng thời khơi thông cống rãnh để thoát nước kịp thời. Đối với đàn gà, tôi đã di chuyển lên khu vực cao tránh nước ngập.
Với Thái Thụy, thời điểm hiện nay huyện cũng đang tập trung khắc phục môi trường chăn nuôi tại các trang trại, hộ gia đình, bảo đảm chăn nuôi theo hướng bền vững.
Bà Lê Thị Sinh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết: Sau bão số 3, một số trang trại bị tốc mái, rách bạt biogas. Các hộ chăn nuôi gia cầm, thủy cầm ở một số xã như Thái Đô, Hồng Dũng, Thụy Trình, Dương Hồng Thủy, Thuần Thành... bị thiệt hại khoảng 10.000 con. Đối với gia súc, gia cầm chết, chúng tôi đã xử lý theo quy định để bảo vệ môi trường khu dân cư. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa lớn. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch để tăng khả năng miễn dịch. Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, chú ý phát hiện sớm những bất thường như ủ rũ, kém ăn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.558 trang trại, trong đó 40 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 491 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 1.027 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Tổng đàn trâu, bò 59.500 con, đàn lợn 713.000 con, đàn gia cầm 13 triệu con. Trong tháng 8/2024, lực lượng thú y cơ sở đã tổ chức tiêm 285.000 liều vắc-xin cho gia cầm, 250.000 liều vắc-xin cho đàn lợn. Bão số 3 và mưa những ngày qua đã gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh với số gia cầm, thủy cầm bị chết ước tính sơ bộ hơn 60.000 con; gần 150 con gia súc bị chết; một số chuồng trại bị tốc mái tôn, đổ tường bao, tường trại; 1 trang trại bị rách bể biogas bạt...
Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Mưa bão gây ngập úng là yếu tố ảnh hưởng xấu đến đàn gia súc, gia cầm, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh, là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chính vì thế, Chi cục đã cử cán bộ về các địa phương nắm tình hình triển khai các biện pháp xử lý môi trường vùng chăn nuôi. Đối với các vùng có nguy cơ ngập lụt, chuẩn bị sẵn phương án di dời vật nuôi lên những vùng đất cao bằng cách làm chuồng che chắn cẩn thận, dự trữ đầy đủ thức ăn và bảo quản thức ăn khô ráo, không bị ẩm mốc, cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi. Sử dụng máy phát điện dự phòng bảo đảm an toàn cho các trang trại gia súc, gia cầm quy mô lớn khi có sự cố mất điện. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tăng cường chăm sóc và nâng cao chất lượng khẩu phần ăn cho vật nuôi nhằm tăng sức đề kháng. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phát quang môi trường chuồng nuôi và vệ sinh dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1 - 2 lần/tuần phun tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các chất sát trùng theo quy định và theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đối với xác vật nuôi chết cần xử lý theo đúng quy định của ngành chuyên môn./.