Ngày 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu đều cho rằng, đây là dự án luật quan trọng, cần thảo luận kỹ và đưa ra các quy định phù hợp nhằm tránh thiệt hại cho Nhà nước và người dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp
Xây dựng bảng giá đất cần đảm bảo công khai, minh bạch
Thảo luận tại phiên họp về quy định bảng giá đất, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, trên thực tế, tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất. Tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần có tổ chức độc lập, chuyên nghiệp trong việc xây dựng bảng giá đất đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất hàng năm.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình)
Còn đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định cụ thể liên quan đến bỏ khung giá đất, giao quyền định giá đất cụ thể cho UBND cấp tỉnh.
Đại biểu phân tích, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của Luật Đất đai 2013, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện trong thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 164, 165 của dự thảo Luật về Bảng giá đất, giá đất cụ thể vẫn chưa khắc phục được những bất cập trong Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng cần có cơ chế hữu hiệu hơn để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch của công tác định giá đất, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác định giá.
Đại biểu đề nghị cần quy định rõ, cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh độc lập với UBND cấp tỉnh trong việc định giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn, xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Tại khoản 1 Điều 163 có quy định việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc như: Theo mục đích sử dụng đất định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất theo quy định của pháp luật; đảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.
Đóng góp ý kiến, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho biết, việc định giá đất cần công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình trong trường hợp thu hồi đất. Phương pháp định giá đất dù theo cách nào cũng phải đồng bộ. Dự án Luật cũng nêu rõ quy định cơ quan nào có quyền giải quyết tranh chấp khi có phát sinh mâu thuẫn về giá đất giữa các bên.
Theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, một số quy định về giá đất chưa thật sự cụ thể. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng dự án Luật để thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ chủ trương của Đảng. Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết thấu đáo một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Theo đó, khi bỏ khung giá đất thì bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn và sẽ làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp, yếu thế sẽ khó khăn. Do vậy, đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.
Hỗ trợ cho người bị thu hồi đất
Về vấn đề thu hồi đất, đại biểu cho biết, Điều 86 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đang có quy định rất rộng. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn nữa, xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù, quy định rõ khu vực nào là đất quốc phòng, khu vực nào là đất kinh doanh, làm rõ phương pháp xác định giá đất khi thu hồi.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) thảo luận tại Quốc hội.
Đại biểu cũng cho biết, người bị thu hồi đất không chỉ chịu thiệt hại về đất đai, mà còn chịu thiệt về nhiều tài sản khác gắn liền với đất đai, sinh kế. Đại biểu đề nghị, cần quy định thêm về việc hỗ trợ vốn ưu đãi, học nghề, việc làm cho người bị thu hồi đất, thực hiện đúng mục tiêu “chỗ ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.
Tranh luận về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, dân tộc tại Điều 86, đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) cho rằng, các dự án án phát triển kinh tế - xã hội nếu thỏa thuận được với người dân là rất tốt và người dân đồng thuận. Tuy nhiên, phải trao đổi rất kỹ. Đại biểu Đào Hồng Vận băn khoăn liệu Bộ Tài nguyên và môi trường có khảo sát, đánh giá các dự án theo Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013 hay chưa?
Hiện, tại địa phương của đại biểu rất khó thực hiện và đang gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi bỏ ra một số tiền lớn để đền bù nhưng không thể đưa dự án vào thực hiện do một số người dân đòi giá thỏa thuận rất cao, gấp nhiều lần so với người đã thỏa thuận và đền bù trước đó. Và có trường hợp thì giá nào cũng không chịu.
Đại biểu Đào Hồng Vận cho rằng, nếu như vậy Nhà nước sẽ khó thực hiện việc thỏa thuận. Và theo đại biểu, Nhà nước có thể thu hồi đất, nhưng giá đền bù, hỗ trợ phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Bổ sung rõ chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Góp ý dự thảo về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về việc giao cho UBND cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng quy định như vậy có thể dẫn đến áp dụng và triển khai không thống nhất giữa các địa phương trong cùng một vùng có điều kiện kinh tế xã hội tương đồng.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, từ thực tế tại địa phương khi thực hiện Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định hiện hành. Nếu không quy định rõ trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì sẽ khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định rõ các chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo để đảm bảo thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết, thực tế tại các đia phương miền núi việc đăng ký đất đai gặp nhiều khó khăn do văn phòng đăng ký đất đai cách xa khu dân cư, đi lại khó khăn. Theo quy định, 2 hoặc 3 đơn vị cấp huyện mới có một văn phòng đăng ký đất đai. Trong khi đó, biên chế được giao thì ít, công việc thì nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Do đó, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết lại và xem xét nên quy định Văn phòng đăng ký đất đai theo hướng là giao trực tiếp trực thuộc cấp huyện, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các địa phương hoàn thành nhiệm vụ.
Hạn chế mở rộng cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực tế cho thấy, việc duy trì cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã tạo ra sự mất công bằng giữa những người có đất nông nghiệp mà Nhà nước thu hồi với người được thỏa thuận giữa những người có đất trong cùng một dự án thỏa thuận. Cơ chế này cũng khiến cho các dự án thuộc diện thỏa thuận không có thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án dở dang, bỏ đất hoang hóa, ảnh hưởng rất xấu để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước. Cơ chế thỏa thuận đã tạo ra những điều vô lý, mất công bằng xã hội.
Cần hết sức hạn chế cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện các dự án có sử dụng đất theo quy hoạch.
Để giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng các dự án thỏa thuận theo Luật Đất đai năm 2013, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị bổ sung thêm trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đối với các dự án thuộc diện thỏa thuận mà đã đạt 80% về diện tích điều này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 18-NQ/TW. Sau khi Nhà nước thu hồi thì cần rà soát nâng mức bồi thường, hỗ trợ cho người dân cho phù hợp; đồng thời thực hiện triệt để việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá công khai, minh bạch. Ngoài ra, đề nghị dự thảo Luật này nên nghiên cứu bổ sung hình thức là quyền sử dụng đất ở có thời hạn.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận cũng cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng, nhạy cảm, có tác động trực tiếp đến một bộ phận lớn người dân đã sản xuất nông nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá kỹ các tác động của quyết định này đối với đời sống và sản xuất của người dân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị, cân nhắc có nên áp dụng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hay không. Đại biểu cho rằng nên giao cho người sử dụng lâu dài, nếu cần thiết Nhà nước thu hồi có đền bù. Nếu quy định thì ban soạn thảo cần giải thích vì sao phải có quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp.
D.T