Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 10 năm 2023 | 15:9

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp của Viện sáng tạo và Chuyển đổi số tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số các cơ quan báo chí, xuất bản.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết, chuyển đổi số được coi là xu thế tất yếu của báo chí thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trên thế giới, sự tiên phong và thành công trong việc thực hiện chuyển đối số, đưa mô hình đưa tin truyền thống sang nhiều định dạng mới bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi số, và không những giữ chân được độc giả cũ mà còn thu hút được nhiều độc giả mới trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhiều thách thức cạnh tranh từ các mạng xã hội.

Ở Việt Nam, nhờ việc thích ứng và có những bước chuyển mình trong bối cảnh chuyển đổi số, không ít báo điện tử đã nhanh chóng tạo được sức hút với bạn đọc, đồng thời cho thấy khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng và và đa dạng. Nhiều tác phẩm báo chí ứng dụng công nghệ số và dữ liệu tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, lôi cuốn và tạo cảm giác gần gũi với bạn đọc. Việc chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí cũng hỗ trợ rất nhiều cho các nhà báo, phóng viên, thuận lợi hơn trong việc thu thập thông tin, tiến hành phân tích dữ liệu,sản xuất nội dung…

Ông Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phần tham luận chính của các chuyên gia tại hội thảo đã đề cập đa dạng các vấn đề từ thách thức và cơ hội của chuyển đổi số báo chí, các xu hướng phát triển của báo chí và xuấn bản số, mô hình toà soạn hội tụ trong xu thế mới, cho đến những hoạt động tạo ra mô hình kinh doanh mới với sự phát triển báo chí và xuất bản sử dụng công nghệ số và phân tích dữ liệu, cũng như những tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất và sáng tạo nội dung cho báo chí và xuất bản.

Theo ông Hoàng Nguyên Vân, Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, thách thức từ mô hình kinh doanh báo chí truyền thống là tỷ lệ mua Subscriptions (đăng ký thuê bao) báo chí thấp; doanh thu quảng cáo báo chí giảm dần qua các năm. Các cơ quan báo chí phải thích ứng để phát triển như tập trung phát triển thế mạnh cốt lõi; tăng cường khả năng thích ứng linh hoạt; xây dựng mô hình kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ 4.0, tập trung vào dữ liệu và cá nhân hóa người dùng.

Thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Siêu Đẳng, chuyên gia bảo mật Smart Pro cho biết, báo chí đang chịu tác động mạnh mẽ của cách mạng số, dịch chuyển từ truyền thống đến môi trường trực tuyến đa phương tiện, kết hợp với công nghệ tiên tiến. Thực hiện cách mạng số trong ngành báo chí tin tức có thể được cập nhật và chia sẻ ngay lập tức, tăng tính kịp thời và sự lan truyền thông tin vượt biên giới. Công nghệ kỹ thuật số mở ra nhiều cơ hội tương tác với độc giả qua các bình luận, phản hồi trực tuyến và trò chuyện trực tiếp. Lúc này, không còn giới hạn trong việc cung cấp tin tức bằng văn bản.

Ông Nguyễn Siêu Đẳng, chuyên gia bảo mật Smart Pro chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Công nghệ số hóa cung cấp khả năng theo dõi và phân tích dữ liệu về tương tác của độc giả. Điều này giúp toà soạn hiểu rõ hơn về sở thích và nhu cầu của độc giả, từ đó cung cấp nội dung phù hợp hơn. Ngành báo chí cần đổi mới mô hình kinh doanh để thích ứng với môi trường kỹ thuật số. Sự hội tụ với các ngành khác như: quảng cáo trực tuyến, marketing số và nền tảng truyền thông xã hội cũng trở thành một phần quan trọng.

Ông Đẳng cũng đưa ra một số giải pháp quan trọng mà toà soạn báo có thể triển khai để đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan báo chí trong môi trường chuyển đổi số như: Cập nhật hệ thống bảo mật và chính sách an toàn thông tin; sử dụng phần mềm bảo mật; mã hóa dữ liệu; quản lý quyền truy cập; sao lưu dữ liệu định kỳ; theo dõi hoạt động mạng; kiểm tra đánh giá rủi ro…

 Ông Phạm Vũ Minh Tú, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ tại hội thảo.

Trong khi đó, ông Phạm Vũ Minh Tú, Họcviện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, nhu cầu tự động tạo tin tức đang ngày càng tăng lên, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), máy học và khai phá dữ liệu. Tự động tạo ra các bài báo với tốc độ nhanh và chính xác hơn. Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tự động sản xuất nội dung có độ chính xác cao, đa dạng hóa các mẫu tin tức và video khác nhau, tăng tính đa dạng và chất lượng của nội dung. Nội dung được tạo ra liên tục và đa dạng hơn, giúp tăng tính tương tác và tăng doanh số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top